“Hạm đội” tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc làm suy giảm nguồn dự trữ thủy sản của thế giới

18/10/2020 - 07:39

PNO - Đội tàu cá Trung Quốc, “hạm đội” lớn nhất thế giới, bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra suy giảm nguồn dự trữ thủy sản vốn dồi dào của thế giới.

Trong hơn một tuần năm 2019, phóng viên CTV News (Canada) tháp tùng các sĩ quan cảnh sát biển Gambia và chứng kiến họ bắt giữ 15 tàu nước ngoài vi phạm luật lao động và đánh bắt cá trái phép 100km ngoài khơi bờ biển Tây Phi. Trong số các tàu bị bắt giữ, trừ một tàu, còn lại đều đến từ Trung Quốc.

Tàu đánh cá Trung Quốc thả neo tại vịnh đảo Ulleungdo trên Biển Nhật Bản, thuộc vùng biển Hàn Quốc tháng 10/2016 - Ảnh: Outlaw Ocean Project
Tàu đánh cá Trung Quốc thả neo tại vịnh đảo Ulleungdo trên Biển Nhật Bản, thuộc vùng biển Hàn Quốc tháng 10/2016 - Ảnh: Outlaw Ocean Project

Trong năm nay, hơn 340 tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện ngay bên ngoài Khu bảo tồn biển Galápagos đa dạng sinh học và nhạy cảm về mặt sinh thái. Theo công ty nghiên cứu xung đột C4ADS, nhiều tàu có quan hệ với các công ty liên quan đến đánh bắt cá bất hợp pháp. Ba năm trước, một đội tàu Trung Quốc có quy mô tương tự đã đến vùng biển này và một tàu bị bắt giữ với khoảng 300 tấn cá đánh bắt trái phép, bao gồm cả những loài bị đe dọa tuyệt chủng như cá nhám búa.

Tại bất kỳ vùng biển nào, thậm chí xa như Argentina, đội tàu 200.000 đến 800.000 tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc không có đối thủ về quy mô và tầm hoạt động. Sự thống trị và xuất hiện toàn cầu của “hạm đội” này đặt ra những câu hỏi lớn hơn về việc làm thế nào, tại sao và nguồn chi phí nào mà Trung Quốc triển khai nhiều tàu thuyền như vậy.

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Quy mô của “hạm đội” (đánh cá) khiến Trung Quốc nắm được quyền kiểm soát”. Ông nói rằng, ít nước muốn “dây dưa” với tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào hải phận quốc gia của họ.

Về vấn đề an ninh lương thực, nhiều nguồn dự trữ biển gần bờ của Trung Quốc đã giảm dần do đánh bắt quá mức và công nghiệp hóa, vì vậy các tàu buộc phải mạo hiểm đi xa hơn đến các đại dương.

Đánh bắt cá ở Nam Cực tháng 1/2019 - Ảnh: Outlaw Ocean Project
Đánh bắt cá ở Nam Cực tháng 1/2019 - Ảnh: Outlaw Ocean Project

Chính phủ Trung Quốc cho biết họ có khoảng 2.600 tàu đánh cá xa bờ,nhưng theo báo cáo gần đây của Trung tâm Stimson - một nhóm nghiên cứu an ninh – số lượng tàu của Trung Quốc lớn gấp ba lần so với tổng số các đội tàu của 4 quốc gia hàng đầu kế tiếp (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha) cộng lại.

Ông Tabitha Grace Mallory, giáo sư Đại học Washington (Mỹ), chuyên gia về các chính sách đánh bắt cá của Trung Quốc, cho biết, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD hỗ trợ ngành đánh bắt cá trong nước. Năm 2018, tổng trợ cấp thủy sản toàn cầu ước tính là 35,4 tỷ USD, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 7,2 tỷ USD.

Daniel Pauly, điều tra viên chính của Dự án Biển quanh ta thuộc Viện Đại dương và Thủy sản Đại học British Columbia (Canada), giải thích rằng trợ cấp của chính phủ Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị bằng cách cho phép các tàu xâm nhập vào các vùng biển tranh chấp, mà còn đóng vai trò trong việc khai thác cạn kiệt nguồn cá, phá hủy “chính sách đánh bắt cá bền vững” của LHQ và các nước.

Phân loại cá trên tàu đánh cá xa bờ ở Nam Cực - Ảnh: Outlaw Ocean Project
Phân loại cá trên tàu đánh cá xa bờ ở Nam Cực - Ảnh: Outlaw Ocean Project

Nhưng trợ cấp không chỉ là lý do chính khiến các đại dương nhanh chóng cạn kiệt cá. Việc Trung Quốc đưa quá nhiều tàu đến các vùng biển toàn cầu có thể dẫn đến việc đánh bắt cá vượt công suất, cạnh tranh không lành mạnh, tranh chấp lãnh thổ và đánh bắt bất hợp pháp.

Theo chỉ số xếp hạng của Poseidon Aquatic Resource Management, một công ty tư vấn nghề cá và nuôi trồng thủy sản, Trung Quốc là nước có điểm kém nhất thế giới xét về tiêu chí đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát.

Thanh Hiền (theo CTV News )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI