Ham đi làm vì sợ ở nhà chăm ba chồng

04/07/2019 - 11:42

PNO - Bà ấy cứ viện hết lý do này đến lý do khác để không nghỉ làm việc. Tiền bạc gia đình không thiếu, chỉ thiếu người. Nhiều bữa người giúp việc không lo được cho cụ, tôi làm căng...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng tôi năm nay đều đã lớn tuổi, nhẽ ra đã có thể thu xếp được việc nhà, nhưng quả thật thời thế bây giờ khác quá. Vợ tôi 57 tuổi, chính thức về hưu cách đây 2 năm, nhưng thực tế bà ấy tiếp tục ký hợp đồng làm y tế cho một công ty nữa, vẫn sáng đi tối về như xưa. Bà ấy bảo vẫn cần thu nhập, vẫn cần có đời sống xã hội, bà ấy còn khỏe, còn muốn làm việc chứ nghỉ ở nhà là già ngay lập tức. Tôi thì biết lý do thực sự của việc vợ không chịu về hưu. 

Ba tôi năm nay 87 tuổi, cụ có 4 người con nhưng cụ sống với gia đình tôi, cũng có phần vì trong gia đình chỉ có vợ tôi làm nghề y. Các anh chị em đều rất quan tâm ba, đến thăm thường xuyên. Sức khỏe của ba tôi không tốt, cụ đã lẫn, lại bệnh tim, huyết áp, nên rất cần người chăm sóc; mà vợ tôi lại không muốn ở nhà chăm sóc cha chồng. Trước nay gia đình vẫn thuê người giúp việc, nhưng giá như có một người thân, con cháu ở nhà trông cụ thì cả mấy anh em tôi đều yên tâm.

Ngày trước đi làm bận rộn, nay về hưu rồi, có nghỉ ở nhà chăm sóc cha mẹ cũng là hợp đạo lý. Các cụ bây giờ đã hết thời gian, may lắm cũng chỉ vài năm nữa là cùng. Thế mà bà ấy cứ viện hết lý do này đến lý do khác để không nghỉ. Tiền bạc gia đình không thiếu, chỉ thiếu người. Nhiều bữa người giúp việc không lo được cho cụ, tôi làm căng bảo vợ ở nhà, thì bà ấy bảo anh chị em nào chăm sóc được tốt hơn thì đón ba về ở cùng, chứ bà ấy chỉ làm được đến vậy. Có vậy thôi mà vợ chồng mâu thuẫn suốt, anh em họ hàng nhìn vào nói tôi không dạy được vợ. Tôi phải nói sao cho bà ấy đổi ý bây giờ?

Duy Hào (TP.HCM)

Ham di lam vi so o nha cham ba chong
Tôi thương cha mà không cách nào thuyết phục vợ. Hình minh họa.

Anh Duy Hào thân mến,

Câu chuyện tăng tuổi hưu đang là câu chuyện nóng trên nhiều diễn đàn, anh thì lại đang muốn chị nhà về hưu triệt để. Nói vậy, để mình xem xét chuyện này từ nhiều góc độ, không phải cứ theo hẳn ý nào, không phải cứ phân định ai đúng ai sai là nhà cửa yên ổn được anh ạ. Mục tiêu cuối cùng vẫn là sắp xếp hợp lý, để mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc, phải không anh?

Trước tiên, về sức khỏe của ông, anh có cơ sở để đánh giá. Chị nhà làm nghề y, anh nên nói chuyện với chị để thống nhất những đánh giá khách quan, rồi vợ chồng bàn nhau cách chăm sóc phù hợp nhất. Có thể ông vẫn cần người giúp việc, nhưng chị có thể hướng dẫn thêm để họ chăm sóc tốt nhất cho ông. Không hẳn chị ở nhà là ông được chăm sóc tốt đâu, vấn đề là để mọi người yên tâm thôi. Mà muốn yên tâm, không gì hơn nắm rõ tình hình mọi nơi mọi lúc, sẵn sàng ứng phó với sự cố.

Khi thống nhất mục tiêu này rồi, chị vẫn có thể đi làm, nhưng ưu tiên việc chăm ông cho anh yên tâm hơn. Chị có thể chọn chỗ làm gần nhà, hoặc chọn chế độ làm việc “mở” hơn, một tuần có vài buổi ở nhà chẳng hạn. Chị cũng có thể thêm các buổi chăm sóc chuyên sâu của nhân viên y tế, đảm bảo giữ gìn sức khỏe và có chế độ sinh hoạt phù hợp cho ông. Anh đừng khăng khăng bắt chị ở nhà. Về hưu, thực ra là thu xếp lại cuộc sống. Chị cũng có quyền được làm điều mình mong muốn, không phải sống quãng đời còn lại trong sự bó buộc với một nghĩa vụ đơn thuần.  

Nghỉ hưu, với phụ nữ, là một cột mốc quan trọng. Cũng vì phụ nữ nhạy cảm hơn, sau khi về hưu ít có điều kiện để duy trì một đời sống xã hội rộng rãi như nam giới, nên về hưu với nhiều phụ nữ là một dấu ấn nặng nề về mặt tâm lý. Người ta có xu hướng kéo dài thêm vài năm, để tránh đi khoảng thời gian hụt hẫng, nhưng rồi ai cũng sẽ mệt mỏi và mong muốn được nghỉ ngơi thôi. Một lúc nào đó, chị sẽ tự nghỉ ở nhà. Anh đừng lo lắng căng thẳng quá. Chúc anh chị có một cuộc thu xếp hợp lý, hài lòng với tất cả các bên. 

Hạnh Dung 

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại Tòa soạn Báo Phụ Nữ: Từ 8g đến 17g các ngày thứ hai, ba, tư, năm, sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI