Hầm bí mật trong di tích đình Phong Phú được tôn tạo

10/09/2024 - 17:31

PNO - Ngày 10/9, Chi bộ cơ quan Hội LHPN TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức lễ khánh thành công trình tôn tạo, sửa chữa hầm bí mật trong ngôi đình cổ Phong Phú.

Đình được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, nằm trên đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức. Năm 1993, đình được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa – cách mạng và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Dưới chánh điện của đình có đường hầm bí mật dài gần 100m, từng là nơi cất giấu lương thực, vũ khí, trú ẩn và thoát thân của cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chánh điện đình Phong Phú.
Chánh điện đình Phong Phú.

Cùng với ngôi đình cổ, hầm bí mật này đã thu hút hàng triệu khách thập phương đến thăm viếng, tìm hiểu lịch sử. Tuy nhiên, theo thời gian, hầm bí mật có dấu hiệu xuống cấp, thường ngập nước vào mùa mưa.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh – Phó bí thư Chi bộ, Phó chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức – thông tin về quá trình khảo sát, tiến hành tôn tạo hầm bí mật.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh – Phó bí thư Chi bộ, Phó chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức – thông tin về quá trình khảo sát, tiến hành tôn tạo hầm bí mật.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh – Phó bí thư Chi bộ, Phó chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức – cho biết, cuối năm 2023, Chi bộ cơ quan Hội LHPN TP Thủ Đức đã phối hợp Phòng Văn hoá – Thể thao và Du lịch TP Thủ Đức, lãnh đạo phường Tăng Nhơn Phú B, Ban Quý tế đình khảo sát, nhận thấy một số hạng mục cần tôn tạo, sửa chữa là: gắn quạt treo tường trong hầm, thay mới một số bóng đèn hư, gia cố cầu thang lên xuống để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, làm lại tấm bia thông tin trước cửa và quét vôi phần trên cửa hầm.

Từ thực tế trên, Chi bộ đã gửi công văn đến nhiều sở ngành, phòng ban có thẩm quyền xin ý kiến, nhờ hỗ trợ thực hiện công trình. Đến nay, công trình hoàn thành với các hạng mục sửa chữa ban đầu, đồng thời những vết nứt trong hầm cũng đã được gia cố lại. Kinh phí thực hiện là 34 triệu đồng do cán bộ, đảng viên Hội LHPN TP Thủ Đức, câu lạc bộ Nữ Doanh nhân TP Thủ Đức và các Mạnh Thường Quân đóng góp.

Lễ khánh thành công trình có sự góp mặt của dì Hai Súng (Nguyễn Thị Súng), con gái liệt sĩ – anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bá, người có công xây dựng hầm bí mật trong đình Phong Phú. Dì Hai Súng xúc động, chia sẻ: “Ngày xưa, ở đây là ấp Phong Phú, xã Tăng Nhơn Phú, hầu như nhà nào cũng có hầm bí mật nuôi giấu bộ đội, nhưng căn hầm này là lớn nhất, là nơi bảo vệ cán bộ và xuất phát của nhiều trận đánh lớn. Tôi rất mừng vì các cháu vẫn luôn ghi nhớ công ơn của cha anh đi trước, kiên trì tôn tạo căn hầm cho hôm nay và mai sau”.

Một số hình ảnh hầm bí mật sau khi được tôn tạo:

Cửa xuống hầm trước kia được nguỵ trang thành miệng cống nhà tắm, hình tròn và chỉ đủ 1 người đi xuống. Miệng hầm có cầu thang được dựng thẳng đứng, sâu chừng 2m.
Cửa xuống hầm trước kia được nguỵ trang thành miệng cống nhà tắm, hình tròn và chỉ đủ 1 người đi xuống. Miệng hầm có cầu thang được dựng thẳng đứng, sâu chừng 2m.

Đường hầm bí mật dài gần 100m, rộng khoảng 50cm.
Đường hầm bí mật dài gần 100m, rộng khoảng 50cm.

Giữa hầm có khu vực được xây bậc để cất giấu vũ khí hoặc cho bộ đội ngồi nghỉ ngơi, hội họp bí mật.
Giữa hầm có khu vực được xây bậc để cất giấu vũ khí hoặc cho bộ đội ngồi nghỉ ngơi, hội họp bí mật.

Lối thoát từ hầm dẫn ra rừng cây rậm rạp. Ở đây có các lỗ thông hơi (trước kia ngụy trang thành ụ mối) cho đường hầm thoáng khí.
Lối thoát từ hầm dẫn ra rừng cây rậm rạp. Ở đây có các lỗ thông hơi (trước kia ngụy trang thành ụ mối) cho đường hầm thoáng khí.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI