Hairspray (Hoa hậu keo xịt tóc): Chấp nhận khác biệt

10/09/2024 - 07:05

PNO - Nhân vật chính Tracy phải rất vất vả để vượt qua sự chế nhạo dành cho thân hình quá khổ của mình nhưng sẵn sàng đánh liều mọi thứ để ủng hộ những nghệ sĩ da màu.

Thập niên 2000 có thể nói là giai đoạn rực rỡ của những bộ phim nhạc kịch. Năm 2003, Chicago thắng Oscar Phim hay nhất. Năm 2008, Mamma Mia! làm rộn rã mùa hè trong các giai điệu của ABBA. Bộ phim Charlie and the Chocolate Factory (tạm dịch: Charlie và nhà máy sô cô la, 2005) cũng đạt doanh thu cao, còn 3 phần High School Musical (tạm dịch: Trường học âm nhạc) như thỏi nam châm thu hút khán giả trẻ.

Nhân vật của Queen Latifah là điểm nhấn trong phim
Nhân vật của Queen Latifah là điểm nhấn trong phim

Một bộ phim nhạc kịch cũng rất đáng chú ý trong giai đoạn này là Hairspray (tựa tiếng Việt: Hoa hậu Keo xịt tóc, 2007). Ngay tuần đầu phát hành, tác phẩm của đạo diễn Adam Shankman đã thu được 31 triệu USD từ các rạp Bắc Mỹ. Kết thúc trình chiếu, bộ phim đạt doanh thu hơn 200 triệu USD toàn cầu. Hairspray cũng thường nằm trong danh sách những bộ phim nhạc kịch hay nhất thế kỷ XXI.

Đây là phiên bản điện ảnh của vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên trên sân khấu Broadway. Bối cảnh phim ở thành phố Baltimore (Mỹ) vào đầu thập niên 1960, khi nạn phân biệt chủng tộc còn nặng nề. Tracy Turnblad (Nikki Blonsky) là cô nữ sinh 16 tuổi mê ca hát nhưng thường bị chê cười bởi thừa cân. Cô cùng người bạn thân là Penny Pingleton (Amanda Bynes) đam mê theo dõi chương trình âm nhạc The Corny Collins Show, mong một ngày được trình diễn ở đây.

Trùng hợp thay, 2 vũ công chính của chương trình - Amber von Tussle (Brittany Snow) và bạn trai là Link Larkin (Zac Efron) - lại học cùng trường với Tracy. Mẹ của Amber - Velma (Michelle Pfeiffer) - cũng là quản lý của đài và luôn nâng đỡ để con mình là ngôi sao trong chương trình. Mặt khác, bà ta cũng ưu ái các nghệ sĩ da trắng và chỉ cho người da đen xuất hiện trên The Corny Collins Show vào 1 ngày trong tháng.

Vượt qua chế nhạo để vươn tới ước mơ

Khi chương trình cần tuyển thêm người, Tracy và Penny trốn học để thử giọng. Dù ban đầu bị từ chối do vóc dáng, cô đã gây ấn tượng với người dẫn chương trình Corny Collins (James Marsden) bằng kỹ năng khiêu vũ. Được mời tham gia chương trình, Tracy nổi tiếng chỉ sau 1 đêm. Tuy nhiên, thành công này khiến mẹ con Amber ngày càng khó chịu, nhất là khi Tracy ủng hộ việc những người da đen có vai trò nhiều hơn trong chương trình.

Không chỉ mang đến những giai điệu rộn rã, Hairspray còn để lại nhiều thông điệp về xã hội. Body shaming (miệt thị ngoại hình) là một chủ đề quan trọng và được đề cập một cách trực diện nhưng cũng tinh tế xuyên suốt phim. Tác phẩm miêu tả thái độ của xã hội Mỹ đối với những cơ thể lệch chuẩn khi đó, cũng như sự tổn thương nó mang tới cho người bị chế giễu. Nhưng qua hành trình của Tracy, phim cũng đưa ra tiếng nói mạnh mẽ tôn vinh sự chấp nhận bản thân và thách thức các hình mẫu sắc đẹp thông thường.

Bộ phim ngập tràn các màn trình diễn sôi động
Bộ phim ngập tràn các màn trình diễn sôi động

Bộ phim nêu ra những tiêu chuẩn sắc đẹp cứng nhắc của thập niên 1960, đặc biệt đối với các nữ nghệ sĩ. Đại diện cho điều này là loạt tình tiết và lời thoại của Amber và mẹ cô là Velma - những người đại diện cho hình mẫu sắc đẹp khi đó và sử dụng chúng để duy trì địa vị xã hội của họ.

Do thân hình ngoại cỡ, nhân vật chính Tracy Turnblad liên tục bị nhắc nhở rằng cô không phù hợp với khuôn mẫu điển hình của một “thần tượng tuổi teen” trên chương trình ca nhạc. Khi Tracy thử vai cho The Corny Collins Show, bà Velma đã đuổi cô ngay lập tức thay vì tìm hiểu thêm về kỹ năng của cô. Ngoài ra, Tracy thường xuyên phải đối mặt với nhận xét ác ý từ những người như Amber.

Bất chấp những lời gièm pha, Tracy vẫn tự tin và giữ thái độ tích cực, không để người khác ngăn cản việc mình theo đuổi ước mơ. Bằng niềm tin, cô dần được yêu mến và thách thức những tiêu chuẩn sắc đẹp hạn hẹp. Tracy cũng dần có được tình cảm của Link - anh chàng cô luôn hâm mộ. Thành công của cô gái trong The Corny Collins Show cho thấy tài năng và nhân cách cuối cùng cũng có thể giúp con người vượt qua những định kiến của xã hội.

Mẹ của Tracy - Edna Turnblad (John Travolta) - cũng là nạn nhân của miệt thị ngoại hình. Bà đã không rời khỏi nhà trong nhiều năm vì xấu hổ về cân nặng. Đầu phim, Edna giữ thái độ hơi tiêu cực và không nghĩ những người thừa cân như con mình có thể thành công. Bà rất yêu con gái nhưng lại lo lắng rằng Tracy quá mơ mộng và sẽ bị tổn thương trước sự tàn nhẫn của thế giới.

Trên hành trình của mình, Tracy đã giúp đỡ mẹ mình có cái nhìn tích cực và tự tin hơn. Chặng đường hướng tới sự chấp nhận bản thân của Edna là một tuyến truyện quan trọng trong phim. Với sự động viên của chồng con, Edna bắt đầu vượt qua sự xấu hổ về cơ thể, trân trọng vẻ ngoài của mình và bước ra khỏi vùng an toàn. Càng về cuối phim, cô càng ăn mặc quyến rũ và tự tin, tượng trưng cho sự chấp nhận đối với bản thân.

Tracy và mẹ đều là nạn nhân của nạn miệt thị ngoại hình
Tracy và mẹ đều là nạn nhân của nạn miệt thị ngoại hình

Thông điệp xã hội sau giai điệu rộn rã

Chống phân biệt chủng tộc cũng là chủ đề trọng tâm trong tác phẩm. Qua câu chuyện phim, Hairspray cổ vũ thông điệp về bình đẳng, hội nhập và công bằng xã hội.

Người da đen bị đối xử bất công và ban đầu chỉ được phép trình diễn 1 ngày trong tháng. Thời gian còn lại, chương trình có dàn diễn viên toàn người da trắng, phản ánh nạn phân biệt chủng tộc vốn phổ biến ở nhiều lĩnh vực của xã hội Mỹ vào thời điểm đó. Nhân vật của Velma đại diện cho thái độ phân biệt chủng tộc cố hữu thời bấy giờ, sử dụng quyền lực để loại trừ người Mỹ gốc Phi khỏi các phương tiện truyền thông chính thống.

Nhân vật chính Tracy Turnblad cũng trải qua một quá trình tìm hiểu và thay đổi nhận thức. Ban đầu, cô chỉ muốn khiêu vũ trong chương trình nhưng khi kết bạn cùng các vũ công người Mỹ gốc Phi, Tracy ngày càng ý thức được sự bất công của nạn phân biệt chủng tộc. Cô sử dụng danh tiếng của mình trên The Corny Collins Show để ủng hộ việc có nhiều người da đen được trình diễn hơn, bất chấp có thể ảnh hưởng đến vị trí cô rất vất vả mới đạt được.

Những vẻ đẹp được coi là tiêu chuẩn ở Mỹ vào thập niên 1960
Những vẻ đẹp được coi là tiêu chuẩn ở Mỹ vào thập niên 1960

Bên cạnh Tracy, người dẫn chương trình âm nhạc Maybelle (Queen Latifah) cũng là nhân vật đáng chú ý trong phim. Cô mạnh mẽ và không chịu chấp nhận những chính sách phân biệt chủng tộc thời bấy giờ. Maybelle giữ vai trò như một người thầy với Tracy và các nhân vật trẻ khác, dạy họ về tầm quan trọng của việc đứng lên chống lại sự bất công. Phim cũng miêu tả tích cực mối quan hệ giữa những người có màu da khác nhau, như giữa Penny Pingleton (bạn thân của Tracy) và Seaweed (Elijah Kelley) - một chàng trai da đen. Tình yêu của họ được thể hiện theo hướng củng cố thêm thông điệp về sự hòa hợp của phim.

Dù mang nhiều thông điệp, Hairspray không phải bộ phim quá nặng nề hay giáo điều. Trái lại, tác phẩm nhạc kịch này chứa nhiều khung hình đẹp và những màn trình diễn đầy hứng khởi. Trường quay, trong nhà, ngoài đường, tất cả đều có thể trở thành sân khấu cho các màn trình diễn. Bộ phim tái hiện chân thực phong cách đầu thập niên 1960, bao gồm chất rock and roll, doo-wop và Motown. Các bản phối trong phim tạo cảm giác hoài cổ nhưng cũng mới mẻ để khán giả trẻ cảm nhận được.

Nhạc phim tràn ngập những giai điệu sôi động và dễ hát theo, như Good Morning Baltimore, You Can’t Stop the Beat và The Nicest Kids in Town. Trong đó, You Can’t Stop the Beat đánh dấu chiến thắng cho các nhân vật và mang thông điệp rộng lớn hơn về bình đẳng chủng tộc.

Trailer phim Hairspray:

Các bài hát trong phim không chỉ mang tính giải trí mà còn được xem như phương tiện bộc lộ tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật đều có 1 bài hát hoặc khoảnh khắc tiết lộ điều gì đó về khát vọng và cuộc đấu tranh của họ. I Can Hear the Bells thể hiện những ước mơ lãng mạn của Tracy, trong khi bài hát mạnh mẽ của Maybelle là I Know Where I’ve Been phản ánh hy vọng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong cuộc đấu tranh vì quyền công dân.

Ân Nguyễn

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI