Hai vùng cực trái đất nóng lên trước cuộc đua của ba cường quốc

25/05/2020 - 06:00

PNO - Bắc Cực và Nam Cực hiện là điểm tranh chấp giữa ba cường quốc bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Các khu vực không người sinh sống trên trái đất, Bắc Cực và Nam Cực hiện là điểm tranh chấp giữa ba cường quốc bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga. Giữa đại dịch, khi Mỹ cắt giảm và trì hoãn các hoạt động ở Nam Cực, Trung Quốc và Nga âm thầm mở rộng hoạt động.

Nga và Trung Quốc tăng cường “khảo sát” Nam Cực

Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Úc, nhận định: "Sự quan tâm của Trung Quốc đối với Nam Cực không chỉ giới hạn trong thời gian ngắn" hay "được định hình bởi các nhà khoa học". Châu lục này được quản lý bởi Hệ thống hiệp ước châu Nam Cực ký kết tại Washington vào tháng 12/1959. Theo hiệp ước, lục địa này nên được sử dụng cho mục đích hòa bình cũng như thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Lợi ích chiến lược của Mỹ tại hai vùng cực ngày càng bị thách thức bởi Nga và Trung Quốc
Lợi ích chiến lược của Mỹ tại hai vùng cực ngày càng bị thách thức bởi Nga và Trung Quốc

Hiệp ước cấm sử dụng Nam Cực cho các mục đích quân sự như thiết lập các căn cứ hoặc thử nghiệm vũ khí. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng "Nga và Trung Quốc đã sử dụng chiêu bài nghiên cứu khoa học để đưa ra yêu sách trên lục địa" vì lợi ích về khoáng sản và quân sự. 

Với sự sụp đổ của các nền kinh tế trên toàn thế giới do dịch COVID-19, hầu hết các quốc gia bao gồm Úc đã bắt đầu hạn chế hoạt động tại Nam Cực. Úc là một trong những nhà đầu tư lớn với mức chi 190 triệu USD cho chương trình nghiên cứu Nam Cực trong năm 2020-2021. Quỹ khoa học quốc gia Mỹ cũng dành 488 triệu USD ngân sách năm 2019-2020 cho vùng cực Nam trái đất.

Mặt khác, công ty Trung Quốc Shanghai Chonghe Marine Industry đã đặt hàng chế tạo tàu đánh cá krill lớn nhất từng có ở Nam Cực, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Krill (một loài cá nhỏ) là thức ăn cho nhiều sinh vật biển ở hai cực và cũng được sử dụng như nguồn cung cấp dầu, thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc. Tại Bắc Cực, tình trạng đánh bắt quá mức cá krill trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ sinh thái. "Các cuộc thám hiểm câu cá" của Trung Quốc tại Nam Cực đe dọa gây ra tình trạng tương tự. Các chuyên gia cho rằng "đánh bắt cá cũng là một dạng khoáng sản", vi phạm điều cấm trong Hiệp ước Nam Cực. 

Claire Christian, Giám đốc điều hành Liên minh Nam Cực và Nam Đại Dương (ASOC) nhận xét: "Nam Cực luôn là nơi các quốc gia có thể gạt bỏ sự khác biệt chính trị vì lợi ích của hòa bình, khoa học, và do đó, mọi thay đổi sẽ vô cùng đáng tiếc vào thời điểm có quá nhiều xung đột địa chính trị".

Tháng 4/2020, tàu nghiên cứu Đô đốc Vladimirskv thuộc hải quân Nga đã đến lục địa này với mục đích xác định vị trí của điểm từ trường cực Nam. Elizabeth Congannan - giảng viên Đại học Deakin (Úc) nhận định rằng, nhiệm vụ này là cách Nga thể hiện "khả năng tiếp cận, kiểm soát các vùng cực". Ngay cả tại thời điểm Trung Quốc và Nga đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch, họ đã không dừng lại các dự án hiện tại hoặc tương lai ở Nam Cực. Điều này xác nhận sự nghiêm túc của hai nước đối với việc thể hiện uy quyền tối cao ở các vùng cực. 

Mỹ củng cố ảnh hưởng tại vùng cực 

Mùa hè 2020, Mỹ lần đầu tiên mở lại cơ quan ngoại giao tại Nuuk - thủ đô của Greenland - kể từ năm 1953, cũng như cung cấp cho quốc đảo này khoản đầu tư 12 triệu USD. Khoản tiền sẽ được sử dụng để thúc đẩy các ngành công nghiệp khoáng sản, du lịch và giáo dục. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này muốn duy trì "một Bắc Cực an toàn và ổn định, nơi lợi ích của Mỹ được bảo vệ”.

Trong khi đó, Nga vẫn duy trì hoạt động ở khu vực Bắc Cực giống như Trung Quốc nhưng ở mức độ cao hơn. Tháng 2/2020, Nga công bố một cuộc khảo sát địa chất trong khu vực, mục đích là để đánh giá tiềm năng dầu khí ngoài khơi bằng cách sử dụng công nghệ mới nhất. Điều này có khả năng tạo ra một cuộc xung đột ngoại giao với hai cường quốc còn lại. 

Mặc dù những cuộc điều tra địa chất tại vùng cực Bắc được các nước thực hiện trong nhiều thập niên, nhưng khác với Moscow, không quốc gia nào từng thừa nhận rõ ràng việc tìm kiếm nguồn dầu khí. Ngoài lợi ích kinh tế, Nga còn có những lo ngại an ninh về việc Mỹ mở rộng ảnh hưởng đối với Bắc Cực, nhưng nước này sở hữu mối liên hệ văn hóa lâu đời và sâu sắc với Bắc Cực mà Trung Quốc, Mỹ không có. Do đó, giữa một trật tự thế giới mới hình thành sau đại dịch, cuộc đua của ba cường quốc hứa hẹn thay đổi bộ mặt địa chính trị tại hai cực. 

Tấn Vĩ (theo Eurasian Times, DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI