Hải trình trong mơ của người bạn nhỏ

17/07/2021 - 11:39

PNO - Khi những trang sách cuối cùng khép lại, Cà Nóng - chiếc máy ảnh nhỏ xinh - cùng cô chủ của mình nhen nhóm trong lòng bạn đọc niềm mơ ước một lần được chu du đến Trường Sa để ngắm biển, ngắm nhà, chuyện trò cùng những người dân nơi đầu sóng, ngọn gió...

Cà Nóng chu du Trường Sa là cuốn sách mới nhất của nhà văn Bùi Tiểu Quyên, viết về hải trình ra thăm Trường Sa cùng Đoàn công tác số 07, giữa tháng 4/2019. Khác với những ấn phẩm đã ra mắt trước đây, Cà Nóng chu du Trường Sa là cuốn sách đầu tiên Tiểu Quyên viết cho độc giả nhỏ tuổi. Cô chọn cách nhân hóa những đồ vật quen thuộc, đưa chúng vào cuộc phiêu lưu cùng người lớn trên chuyến tàu KN290 đến hải đảo xa xôi.

Cà Nóng là nhân vật chính của câu chuyện. Bên cạnh Cà Nóng còn có một hội những chiếc máy ảnh may mắn được đến thăm Trường Sa trên cùng một chuyến tàu gồm thằng Ni, thằng So, bác Tê Lê... Mỗi chiếc máy ảnh đều có những sứ mệnh riêng tùy thuộc vào chức năng của từng loại và mục đích sử dụng của chủ nhân. Trong sách, nhà văn Tiểu Quyên giới thiệu một cách sơ lược nhưng khá đầy đủ về tính năng các loại máy ảnh trước khi dẫn người đọc vào cuộc hành trình.

Cà Nóng chu du Trường Sa được kể theo trình tự thời gian, rất dễ để người đọc theo sát chuyến phiêu lưu của Cà Nóng. Từ khi đặt chân lên tàu, rời xa dần đất liền cho đến lúc thấy thấp thoáng hòn đảo đầu tiên trong chuỗi hành trình, Cà Nóng đều cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin theo cách kể khá hấp dẫn, lý thú. Chẳng hạn khi thấy những cánh hải âu chao lượn trên bầu trời nghĩa là tàu còn gần đất liền hoặc chỉ có trên đảo Nam Yết mới trồng cây dừa, các đảo khác trong quần đảo Trường Sa không có. Đảo Tiên Nữ là nơi đón bình minh đầu tiên trên biển, còn trên đất liền là Mũi Đôi (thuộc làng chài Đầm Môn, tỉnh Khánh Hòa) đón bình minh sớm hơn mũi Đại Lãnh (thuộc tỉnh Phú Yên) bốn giây. Trên đảo Song Tử Tây, phía sau Sở Chỉ huy, có cây phong ba di sản tuổi đời ngót nghét 300 năm... Ngồn ngộn những kiến thức bổ ích được Cà Nóng cung cấp rất dễ nhớ qua từng trang sách nhỏ.

Nhưng Cà Nóng chu du Trường Sa không chỉ là cuộc phiêu lưu đơn thuần của những chiếc máy ảnh được thổi hồn mà chúng dạt dào cảm xúc và khơi gợi niềm mơ ước được một lần đặt chân đến Trường Sa để mục sở thị tất thảy những gì Cà Nóng đã trải qua. Nơi đó, người dân sống với nhau chan chứa tình thương, họ yêu biển và nhận về mình trọng trách phải giữ lấy biển cả quê hương.

Cà Nóng ngồi im nghe Lão Ca - một con chim sống ở đảo Sơn Ca gần trọn một đời - kể về lý do vì sao chúng “ở lì” trên đảo mà chẳng chịu về đất liền hay sang vùng đất mới. Dù đó chỉ là câu chuyện của trí tưởng tượng nhưng gợi cho người đọc suy ngẫm về cội nguồn gốc rễ, về tình thương dành cho mảnh đất mà tổ tiên đã sống, gìn giữ bao đời qua. Tình cảm thiêng liêng đó sẽ biến thành hành động cụ thể mà bất kỳ kẻ xấu nào xuất hiện và hăm he lấy một tấc đất cũng chẳng tài nào chiếm được.

Hải trình của Cà Nóng, cô chủ nhỏ và những người bạn càng về cuối càng nhiều cảm xúc bởi tất cả đều biết rằng rất khó để có được chuyến đi tiếp theo đến mảnh đất này. “Khi con tàu rời đi, Trường Sa sẽ ở lại cùng biển cả. Còn chúng tôi trở về nơi của mình, cách xa quần đảo này hàng trăm hải lý. Trùng điệp mù khơi”, Cà Nóng xúc động. Một thời gian sau khi tàu KN290 về lại nơi từng rời bến, cuốn sách này ra đời như cách để tác giả lưu giữ chuyến đi kỷ niệm của mình. Không dừng lại ở đó, tình yêu biển đảo từ những trang sách nhỏ phần nào đã được lan tỏa, khơi gợi nơi bạn đọc.

Diễm Mi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI