Mới đây, một bé gái 11 tuổi đã tử vong do sặc hạt trân châu trong trà sữa. Trước đó, một bé trai vì cố hút rau câu bằng ống hút khiến thạch chui vào họng gây sặc. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Nhi đồng nhưng bé đã tử vong do ngạt quá nặng.
|
Trà sữa trân châu được rất nhiều người yêu thích, từ trẻ em đến người lớn. |
Ai cũng có thể chết
Dường như những cảnh báo về chết do mắc nghẹn rau câu, hạt nhãn, hạt đậu phộng… vẫn trôi tuột sau một thời gian. Ai cũng nghĩ rằng nó sẽ không xảy ra với gia đình mình, với những đứa trẻ của mình.
Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM sáng 8/8, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh viện từng tiếp nhận ít nhất 2 trường hợp trẻ chết vì nghẹn hạt trân châu khi uống trà sữa. Hai trường hợp này khoảng 4-5 tuổi, dù người nhà đưa sớm đến bệnh viện nhưng vẫn không cứu kịp.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, nhiều người lầm tưởng cứ làm thủ thuật Heimlich là sẽ đẩy dị vật đường thở ra ngoài, nhưng thực tế không phải trường hợp nào cũng thành công.
Không chỉ với hạt trân châu có bột dính mà với viên bi hay hạt nhãn, hạt đậu phộng… thủ thuật Heimlich cũng có khi thất bại.
|
Lý do tử vong cũng vì dùng ống hút lớn để hút thật mạnh những hạt trân châu ngon lành, thơm tho trong ly trà sữa.
Tai nạn như thế này, theo bác sĩ Đinh Tấn Phương có thể xảy ra với bất cứ ai, kể cả người lớn: “Khi hút hạt trân châu, nắp thanh môn phải mở ra để không khí vào phổi. Bình thường, khi thức ăn vào miệng, nắp thanh môn đã kịp đóng lại để thức ăn khỏi lọt vào đường thở. Nhưng khi lực hút quá mạnh, nắp thanh môn chưa kịp đóng lại nên dị vật lọt vào đầu đường thở.
Tuy nhiên, dị vật chưa kịp lọt xuống phổi thì cơ thể đã tạo ra phản xạ co thắt làm dị vật mắc cứng, che bít đường thở.
Trong hầu hết các ca tử vong, một phần là do dị vật nhưng chủ yếu là do co thắt vùng thanh môn quá chặt khiến đường thở bị bịt kín. Vì có những trường hợp bị sặc sữa nhưng vẫn bị tử vong là do phản xạ co thắt vùng thanh môn quá chặt để bảo vệ đường thở.
Những tai nạn này, kể cả người lớn vẫn bị như thường. Nhưng ở trẻ em, do phản xạ chưa chuẩn nên sẽ dễ bị bịt kín đường thở hơn. Để cứu bệnh nhân, tốt nhất là cứu tại nhà. Vì chỉ cần ngưng tim ngưng thở trong 3 phút, cơ thể đã thiếu oxy não, có thể để lại di chứng. Những động tác cấp cứu dị vật đường thở, lẽ ra mọi người đều phải làm được hết, để cứu tại hiện trường”, bác sĩ Phương nói.
|
Bệnh nhi nằm điều trị ở khoa Cấp cứu. |
Hạt trân châu đã “lên đời”
Tác hại các loại hạt trân châu, thạch rau câu có trong trà sữa – vốn là thức uống đang “hot”, là quá rõ ràng. Ngoài nguy cơ tử vong do sặc, người uống còn rước hại vào thân khi hạt trân châu chứa nhiều hóa chất gây hại. Nhưng, người bán vẫn thu lợi đều đều, người mua vẫn cứ mua vì nghiện.
Trên thị trường, nếu trước đây hạt trân châu thường chỉ đựng trong các túi bao nilon không nhãn mác thì nay được nhà sản xuất, người bán “lên đời” trong các bao bì bắt mắt với đủ nguồn gốc, xuất xứ ngoại nhập cao cấp.
Tại một quầy chuyên bán nguyên liệu chế biến nước trong chợ Bình Tây (Q.6), khi hỏi mua hạt trân châu, tiểu thương đưa ra một bịch hạt trân châu màu nâu với chi chít tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định, giá 55.000đ/ký.
Người bán cho biết, đây là hạt trân châu Indonesia. Song khi thấy mã vạch trên bao bì là 89 – mã vạch của Thái Lan, trong nhóm tiếng Anh có lẫn tiếng Thái, chúng tôi thắc mắc thì chị tiểu thương khẳng định: “Chắc họ sản xuất tại Thái Lan, nhưng cam đoan là hạt trân châu Indonesia. Nếu hàng Thái Lan thì giá chỉ có giá 45.000đ/ký, nhãn Trung Lân - Việt Nam giá 20.000đ/ký, Đài Loan 35.000đ/ký, Hàn Quốc 65.000đ/ký…”.
Khi hỏi hạt trân châu Trung Quốc, tiểu thương lắc đầu cho biết, hiện người bán nghe đến trân châu Trung Quốc họ không lấy, bởi thị trường đầy hạt trân châu của Thái, Đài Loan nhưng cũng có giá rất rẻ.
Chúng tôi ghé một sạp khác, hỏi về hạt trân châu, chị tiểu thương lôi ra bịch hạt trân châu tương tự sạp trên. Nhưng chị tiểu thương này khẳng định đây là trân châu Thái Lan. Phần lớn hạt trân châu tại chợ này đều là hàng Thái, hàng Đài Loan. Không có nguyên liệu trân châu cao cấp từ Indonesia hay Hàn Quốc.
Giá hạt trân châu tại chợ mắc hay rẻ không chỉ nằm ở nguồn gốc, xuất xứ mà còn nằm ở màu sắc hạt. Chẳng hạn, nếu hạt trân châu đủ màu sắc (trắng, đen, hồng, nâu) thường có giá từ 20.000 – 45.000đ/ký, trong khi nếu là trân châu trong suốt (còn gọi trân châu thủy tinh) thì có giá 55.000 – 56.000đ/ký.
Lý do hạt trân châu này đắt hơn vì người bán quảng cáo được làm từ bột, hoàn toàn không có phẩm màu. Riêng trân châu đường đen, người bán quảng cáo đã được tẩm đường đen sẵn vào hạt, đây là loại đường có nhiều chất dinh dưỡng nên giá thành đắt, có giá từ 50.000 – 70.000đ/ký.
Thậm chí, trên thị trường còn xuất hiện loại trân châu ngọc trai, được cho là có tẩm bột ngọc trai – loại bột có công dụng làm đẹp da. Hiện loại trân châu này có giá “chát” nhất trên thị trường, dao động từ 75.000 – 85.000đ/ký.
Ăn theo trân châu đường đen – loại đường có nhiều chất dinh dưỡng, hiện thị trường xuất hiện các loại hạt trân châu mới được cho làm từ chanh dây, lá dứa, mật ong, việt quất, dâu… Hiện các loại trân châu này cũng có giá khá cao từ 45.000 – 55.000đ/ký.
|
Hạt trân châu bán tràn lan thị trường. |
Trong khi đó, mặc dù được gắn đủ thứ mác ngoại, tên gọi cao cấp, nguyên liệu được cho có nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng trên bao bì không có bất kỳ thông tin nào cho thấy nguồn gốc của sản phẩm; thành phần, chỉ tiêu chất lượng và cả nhà sản xuất cũng hoàn toàn vắng bóng. Không chỉ các loại thạch râu câu mà các loại hạt trân châu không biết làm từ gì mà màu sắc trông rất lòe loẹt, không tự nhiên.
Ăn theo các “ông lớn”
Hiện nay, trên mạng xã hội tràn ngập các lời rao bán nguyên liệu trân châu, toping (các loại thạch đi kèm) được cho có nguồn gốc từ những thương hiệu như Gongcha, Koi, Chachago…
Do gắn mác “ông lớn” nên các loại nguyên liệu này có giá rất “chát”. Chẳng hạn, trân châu đen thương hiệu Dingtea giá 160.000đ/ký, trân châu sợi thương hiệu Chago 170.000đ/ký, trân châu trắng thương hiệu Gongcha 180.000đ/ký; ngọc trai trân châu Gongcha giá 80.000đ/ký…
Trong khi đó, chính các các thương hiệu trà sữa ngoại tại Việt Nam khẳng định không phân phối bất kỳ các nguyên liệu, vật liệu pha chế nào ra ngoài. Không ít thương hiệu phải đăng lên Facebook thông báo khẩn rồi nhờ các khách hàng trung thành chia sẻ để tẩy chay những nơi giả mạo.
Chúng tôi ghé một đại lý nguyên liệu trà sữa sỉ và lẻ tại đường số 10, P.Bình Hòa, Q.Bình Tân, chủ cửa hàng này cho biết, hiện đang cung cấp đủ loại nguyên liệu làm trà sữa từ các thương hiệu ngoại.
“Nhiều nơi rao bán quảng cáo họ là cửa hàng nhượng quyền thương hiệu nên có các nguyên liệu trà sữa ngoại. Nhưng thật ra họ đều tự gắn mác để lừa người tiêu dùng và để bán chạy hơn” – chủ đại lý này khẳng định.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương lý giải thủ thuật Heimlich không hiệu quả có khi do làm không đúng cách hoặc do dị vật bám chặt quá không ra.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết: “Nếu trẻ bị dị vật đường thở, nếu vẫn hồng hào và thở được thì nhanh chóng đưa đi cấp cứu hoặc gọi điện thoại cho Trung tâm cấp cứu 115, không thực hiện thủ thuật Heimich.
Trong trường hợp trẻ ngưng thở, tím tái, phải thực hiện thủ thuật Heimlich để tăng áp lực lồng ngực một cách đột ngột để tống dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thủ thuật Heimlich 5 lần vẫn không đẩy dị vật ra bên ngoài, trẻ vẫn ngưng thở hẳn thì phải dừng lại, chuyển sang hồi sức tim phổi: hà hơi thổi ngạt thật mạnh kèm theo ấn tim.
Động tác thổi ngạt sẽ tống dị vật vào sâu bên trong phổi, đi qua vùng thanh môn. Chỉ cần dị vật lọt qua một bên nhánh phế quản, sự trao đổi khí sẽ được hoạt động trở lại vì không khí vào được một bên phổi. Lượng không khí này vẫn đủ để duy trì các cơ quan chính như não, tim. Phải thực hiện đồng thời vừa hồi sức tim phổi vừa đem trẻ đến bệnh viện để được nội soi gắp dị vật”.
|
Hoàng Hải - Hiếu Nguyễn