edf40wrjww2tblPage:Content
Bàn tay của Thạch Mai đầy vết phỏng
Nhúng tay vào nước sôi để chứng minh trong sạch (!)
Ngày 24/3, chúng tôi đến Bệnh viện đa khoa thị xã Vĩnh Châu để tiếp xúc, tìm hiểu bệnh tình của Thạch Mai và Thạch Lộc (hai chú tiểu ở chùa Tăng Du), tuy nhiên, bác sĩ Phạm Hoàng Minh, giám đốc bệnh viện cho biết, phải có sự cho phép của UBND thị xã Vĩnh Châu, bệnh viện mới cung cấp thông tin và cho tiếp xúc với bệnh nhân.
Hai bàn tay của nạn nhân Thạch Lộc.
Tại một quán cà phê gần bệnh viện, Thạch Lộc và Thạch Mai rụt rè kể: khoảng 11g trưa 14/3, a cha (sư thầy) Triệu Pi Lép phát hiện mình bị mất 1.100.000 đồng. Sư Lép đã họp tất cả các thành viên trong chùa lại để chất vấn và khám xét.
Sau khi kêu gọi sự tự giác của mọi người, không thấy ai thừa nhận, bốn “a cha” là Thạch Thành Hin, Triệu Pi Lép, Thạch Đa, Lâm Đuông vào nơi ở của mọi người lục soát và không tìm thấy gì.
Đến khoảng 13g, em của sư Lép phát hiện chiếc bóp của sư Lép bị vứt ở phía ngoài nhà ở, gần phòng của Thạch Mai nên đem vào trình báo, đồng thời tập hợp mọi người lại để hỏi chuyện nhưng vẫn không ai thừa nhận đã lấy bóp.
Đến 19g cùng ngày, mọi người tập trung tại phòng của sư Đa, mang theo bếp gas, chảo nước và gọi Lộc, Mai vào làm “phép thử”.
Thạch Lộc nhớ lại: “Khi tôi bước vào phòng, mọi người kêu tôi đốt nhang và buộc tôi thề rằng: “Nếu tôi lấy tiền, tay tôi nhúng nước sôi sẽ bị phỏng; nếu tôi không lấy tiền, tay tôi sẽ không sao”.
Còn Thạch Mai, ngay khi bước vào phòng đã thề ngay: “Nếu tôi lấy tiền, dòng họ tôi sẽ chết hết”, nhưng bốn sư trong phòng không đồng ý và buộc Mai thề giống như Thạch Lộc. Sau khi thề, Mai phải ba lần nhúng hai tay vào chảo nước sôi trên bếp gas khiến cả đôi bàn tay bị bỏng (độ 2), tổn thương nghiêm trọng.
Chứng kiến sự đau đớn của bạn, Thạch Lộc không dám nhúng tay vào nước sôi, liền bị bốn thầy thay nhau đánh. Lộc kể: “Họ bắt tôi nhúng hai tay vào nước sôi ba lần. Tôi không làm đủ, bỏ trốn vào góc phòng thì bị các thầy lôi ra đánh vào mặt khiến tôi bị chảy máu mũi và ngất đi”.
Cũng theo lời kể của Thạch Lộc, hôm sau, em phải nói dối là về nhà lấy tiền trả thì mới thoát khỏi chùa. Còn Thạch Mai vẫn theo thầy trụ trì đi lễ.
Có nấu nước sôi chứ không buộc nhúng tay?
Đại đức Tăng Hoành Na, trụ trì chùa Tăng Du cho biết: “Hôm xảy ra sự việc, tôi đi dự lễ Kiết giới tại phường Khánh Hòa, khi về không nghe ai kể lại. Hôm sau, tôi tiếp tục đi lễ, sa di Mai cùng đi, tôi cũng không thấy hiện tượng gì. Hôm sau nữa, ông ngoại của sa di Lộc đến nói chuyện với tôi, cho xem tay của sa di Lộc.
Tôi mời sư Lép lên hòa giải, sư Lép nhận sai và gia đình đồng ý hòa giải, không làm gì lớn chuyện tổn hại đến chùa. Đến lúc này tôi cũng chưa biết chuyện của sa di Mai. Ngày 17/3, cha mẹ và ông ngoại của sa di Mai đến thưa chuyện, tôi nói gia đình đưa sa di Mai vào bệnh viện điều trị, khi nào khỏi thì sẽ hòa giải.
Sau đó tôi có mời Chi hội đoàn kết sư sãi, MTTQ xã, đại diện UBND xã và các ban ngành liên quan đến làm việc. Gia đình sa di Mai đã làm đơn gửi UBND xã và đề nghị công an vào cuộc. Tôi là trụ trì chùa, có nghe sự việc nhưng không nghe theo bên nào cả vì sợ nghe không chính xác thì sẽ thiên vị bên này bên kia. Họp chùa thì lại nghe các sư nói rằng sa di Mai tự nguyện nhúng tay vào nước sôi chứ không ép.
Theo họ, sa di Mai đã nói: “Chuyện tôi làm tôi chịu, tôi không nói lại với gia đình tôi”, việc này có 25 người trong chùa làm chứng. Sư Lép nhận lỗi là có nấu nước sôi chứ không thừa nhận buộc sa di Mai nhúng tay vào nước sôi. Sau đó, sư Lép có hỗ trợ Mai, Lộc mỗi người một triệu đồng nhưng hai gia đình không nhận. Việc các sư còn lại có tham gia đánh đập sa di Lộc hay không, tôi cũng không biết vì chưa làm việc với gia đình của sa di Lộc.
Chùa cũng như các cơ quan đều có luật, có giáo lý. Hiện nay tôi chưa thể kết luận, phải đợi sa di Mai và sa di Lộc ra viện mới có thể đối chứng, làm rõ sự việc. Tuy nhiên, về phía nhà chùa, tôi có dặn sau này bất cứ việc gì phải báo lại cho tôi biết chứ không được tự ý giải quyết. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ nghe nói việc chứng minh sự trong sạch bằng cách nhúng tay vào nước sôi".
Chưa có yếu tố hình sự?
Ông Lâm Dũ Quang - Phó trưởng phòng Nội vụ, phụ trách công tác tôn giáo và hội thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Ban tôn giáo đã giao việc này cho Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thị xã Vĩnh Châu tìm hiểu, giải quyết vụ việc. Bước đầu, gia đình của sư Lép đã nhận lỗi, có đi thăm các nạn nhân. Đại đức trụ trì chùa cũng cho biết, đợi Thạch Lộc và Thạch Mai khỏe lại, nhà chùa sẽ tiếp tục hòa giải”.
Hai nạn nhân Thạch Lộc và Thạch Mai.
Ông Thạch Phô, Chi hội trưởng Chi hội Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thị xã Vĩnh Châu xác nhận, đã mời các bên liên quan đến hòa giải lần đầu. Chi hội thống nhất với sự tự nguyện của gia đình sư Lép là chi trả viện phí cho hai sa di Lộc và Mai.
“Gia đình Mai không đồng ý với cách giải quyết này, vài hôm nữa chúng tôi mời công an làm việc với các bên, rồi hòa giải lần nữa”, ông Phô nói.
Thượng tá Võ Tấn Phong, Trưởng Công an thị xã Vĩnh Châu cho rằng, chưa thấy dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích, nên Chi hội Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thụ lý là phù hợp, đúng thẩm quyền.
Lẽ nào hai chú tiểu tự nhúng tay vào nước sôi gây thương tích cho chính mình?
Luật sư Nguyễn Văn Đức - văn phòng Vạn Lý - Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ phân tích: “Theo thông tin từ báo chí, một nhóm người (đồng môn) đã đánh đập, bóp cổ, buộc Thạch Mai (15 tuổi) và Thạch Lộc (18 tuổi) nhúng tay vào nước sôi do nghi ngờ hai chú tiểu trộm tiền, dẫn đến hậu quả tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe cũng như nhân phẩm, danh dự… là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Đây là tội chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại - PV).
Đặc biệt hơn, Thạch Mai mới 15 tuổi (người chưa thành niên). Gia đình nạn nhân nếu muốn công an vào cuộc thì nên có đơn tố giác gửi cơ quan tố tụng, nơi xảy ra sự việc và yêu cầu giám định về sức khỏe cho hai nạn nhân. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần làm rõ: ngoài nhóm người đồng môn trực tiếp gây ra sự việc, còn có nhóm người khác đã không ngăn cản hoặc đã làm ngơ, không tố giác việc làm sai trái để có chế tài thích hợp, hoặc giáo dục răn đe nhằm tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra.
Ông Thạch Mu Ni, Vụ trưởng Vụ Tôn giáo - dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: “Trong ngày 24/3, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Ban Dân tộc và UBMTTQVN tỉnh Sóc Trăng đã trao đổi về việc này. Quan điểm của Vụ Tôn giáo - dân tộc là sẽ xử lý vụ việc theo các quy định của giáo hội và pháp luật”.
HIỀN DUNG