Hai thế hệ, sắt son một lời thề

30/01/2015 - 10:08

PNO - PN - Họ bước vào hàng ngũ của Đảng ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng một ý chí, cùng một niềm tin và cùng dặn lòng sắt son với lời tuyên thệ thiêng liêng.

edf40wrjww2tblPage:Content

* Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, sinh năm 1949, quê Đức Hòa, tỉnh Long An: Một đời trung thành với lời tuyên thệ

Chính nhờ vào truyền thống của gia đình, từ nhỏ, tôi đã được hun đúc lý tưởng cách mạng. Năm 15 tuổi, tôi tham gia hoạt động lực lượng võ trang của Thành Đoàn Sài Gòn Gia Định. Hồi đó, danh nghĩa là đi học nhưng thực chất tôi đi rải truyền đơn, ném lựu đạn. Ngày 25/9/1965, tôi bị bắt tại nhà thờ Cứu Thế, Q.3, khi mới 16 tuổi.

Dù bị bắt, bị tù đày khi còn rất trẻ, địch tra tấn dã man nhưng nhớ lời động viên của các cô chú “ráng chịu đựng, xuống mấy cô chú xoa muối, bóp dầu cho con”, tôi không khai một lời. Trong nhà tù Thủ Đức, tôi cùng các cô chú đấu tranh chống chào cờ ba que, sau đó tôi bị biệt giam, bọn địch bắt đeo số tù, còng tay tôi, thả kiến cắn, bắt chào cờ ba que nhưng tôi nhất quyết không chào. Bọn chúng, kêu án tôi 10 năm. Sau khi chuyển qua nhà tù Chí Hòa, tháng 11/1969 tôi bị đày đi Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, địch dùng vôi bột, lựu đạn cay đàn áp chúng tôi đến ngất xỉu, 60 ngày, địch không cho tắm, ghẻ lở, bệnh tật đầy người nhưng vẫn không làm lung lay ý chí của tôi và những người chiến sĩ cộng sản.

Hai the he, sat son mot loi the

Bà Phượng kể lại những giây phút thiêng liêng

Ý chí kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù đã đưa tới niềm hạnh phúc vỡ òa khi tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chính nhà tù mà bọn địch giam giữ.

“Chiều 30 Tết năm 1970, tôi được đưa về đất liền cùng 30 chị ở Côn Đảo. Trong thời gian tiếp tục bị giam cầm ở nhà tù Thủ Đức, chúng tôi thực hiện một cuộc đấu tranh nhằm kỷ niệm ngày giỗ ba chị đã hy sinh trước đó ở nhà tù. Đó là đêm 27/10/1970, tôi được chị Trần Thị Sen và chị Huỳnh Ngọc Thanh (hiện nay là Trưởng Ban liên lạc nữ Cựu tù chính trị Côn Đảo) gọi ra trước trại nói: “Đáng lẽ em đã được kết nạp tại chuồng cọp nhưng không kịp. Bữa nay, hai chị được phân công kết nạp em vào Đảng. Em hãy nhìn phía trước không trung để tưởng tượng trước mắt mình có cờ Đảng và lá cờ đất nước”.

Nghe đến đây, tôi òa khóc, hai chị hỏi: “Em không chịu sao khóc?". Tôi vừa khóc vừa trả lời, em mừng quá nên khóc. Tôi đọc lời tuyên thệ: “Tôi thề sẽ đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam đến giọt máu cuối cùng. Tôi xin hứa sẽ không phản bội Đảng trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

QUỲNH MAI ghi

* Trung sĩ Nguyễn Minh Quân (chiến sĩ ở Đảo Núi Le B, Trường Sa) sinh năm 1992, P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM: Nguyện với lòng dấn thân cho Tổ quốc

Ngày 2/12/2014, tôi, trung sĩ Nguyễn Minh Quân, sinh ngày 22/12/1992, ngụ tại tổ 19, KP4, P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM được vinh dự tuyên thệ trước cờ Đảng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từng sinh hoạt Đoàn ở khu phố, chứng kiến các bạn thanh niên ưu tú được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhưng tôi không ngờ giây phút ấy lại bồi hồi như vậy. Quanh tôi, những đồng đội ở đảo Núi Le B, những người lính dày dạn gió sương đã bất chấp gian khó, hiểm nguy bám biển, giữ đảo bình yên.

Hai the he, sat son mot loi the

Trung sĩ Nguyễn Minh Quân (người đặt tay lên ngực) cùng đồng đội ở đảo Trường Sa

Trong giây phút thiêng liêng đó, tôi nhớ về mẹ, nhớ những lúc mình chưa ngoan, làm mẹ rơi nước mắt... Rồi nhớ về những ngày đầu đặt chân đến cái đảo chìm nơi đầu sóng ngọn gió này: nhớ nhà, hụt hẫng… Tôi đã gọi về cho mẹ, mẹ tôi nghiêm khắc nói: “Hãy nhớ rằng, ngày đi bộ đội, chính con viết đơn tình nguyện!”.

Câu nói của mẹ, cùng thau nước rửa mặt hiếm hoi mà chỉ huy nhường cho tôi đêm đó, đã làm tôi thức trắng. Sau những ngày trăn trở tự “soi” lại mình, chia sớt cùng đồng đội những vui buồn, tôi dần yêu tiếng sóng vỗ về quanh đảo nhỏ. Nhìn lên cờ Đảng, di ảnh Bác, tôi biết mình bắt đầu sẽ làm gì, sẽ sống và chiến đấu thế nào cho xứng danh người lính Trường Sa, đảng viên Cộng sản.

Cuối tháng 1/2015, tôi hoàn thành nhiệm vụ ở đảo Núi Le B, hành quân vào bờ tiếp tục công tác theo lá đơn tình nguyện phục vụ dài lâu trong quân ngũ.

Đêm 28/1, chỉ còn khoảng vài giờ nữa tàu cập đất liền, quay nhìn phía đảo, tôi xốc lại ba lô, chuẩn bị một tư thế mới để bước vào đời. Tôi biết từ đây, những khó khăn, thử thách hãy còn nhiều với một người lính hải quân, nhưng tôi đã nguyện với lòng mình: sẽ dấn thân cho Tổ quốc!

 NGHI ANH ghi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI