Hai thành phố trong lòng Bắc Kinh

21/01/2017 - 11:00

PNO - Đô thị lớn ở Trung Quốc luôn tồn tại một thành phố của người giàu và một thành phố của kẻ nghèo, và họ cũng không thở chung một bầu không khí vì người giàu chi tiền cho không khí sạch.

Người giàu ở Bắc Kinh chi rất nhiều tiền để “sống sạch”, thực tế lối sống của họ đã tạo nên ranh giới ngăn cách giữa hai thế giới giàu - nghèo.

Hai thanh pho trong long Bac Kinh
Hố sâu ngăn cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng - Ảnh: CNN

Ðiều đầu tiên Jiang Wang làm khi cô thức dậy vào buổi sáng là kiểm tra để chắc chắn con gái mình được thở không khí trong lành. Sau đó cô làm món điểm tâm bằng các thực phẩm mua từ hôm trước, tất cả đều được sản xuất từ một trang trại hữu cơ.

Wang rửa thực phẩm tươi sống và rau quả dưới vòi nước được lọc qua hệ thống xử lý riêng biệt lắp dưới bồn rửa chén. Nhưng nước từ vòi không phải để uống, nước uống là nước đóng chai nhập khẩu. Ðó là cách Wang thường bắt đầu một ngày mới của mình, trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu các tác động của môi trường độc hại ở Bắc Kinh.

Hai thanh pho trong long Bac Kinh
Gia đình của Jiang Wang và Ludovic Bodin cùng hai con nhỏ đã chi hơn 10 ngàn USD lắp đặt các thiết bị lọc không khí và lọc nước - Ảnh: CNN

Gia đình Jiang Wang, cô và chồng cô - Ludovic Bodin - cùng hai con gái, Mia sáu tuổi và Anna ba tháng tuổi, là một gia đình khá giả ở Bắc Kinh. Mỗi tháng họ phải chi những khoản tiền không nhỏ để ngăn không cho ô nhiễm làm hại các thành viên của gia đình. Wang tâm niệm: sức khỏe là quý nhất, không gì có thể đánh đổi!

Nhưng đối với tầng lớp trung lưu và dân nghèo chiếm số đông ở Bắc Kinh, các thiết bị bảo vệ sức khỏe cao cấp giúp “sống sạch” trong thành phố ô nhiễm nặng nề này vượt quá tầm tay của họ.

Ô nhiễm không chỉ là vấn đề của sức khỏe, mà còn là vấn đề giai cấp - nó giết chết những ai tụt lại đằng sau cuộc đua. Nghiên cứu của Ðại học Nam Kinh đã liên kết sương mù với thủ phạm gây ra gần một phần ba (31,8%) trong hơn 3 triệu cái chết tại 74 thành phố Trung Quốc trong năm 2013, và đặt nó ngang hàng với khói thuốc lá như một mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

Quan tâm đến khía cạnh xã hội của vấn đề ô nhiễm, ông Matthew Kahn, giáo sư kinh tế tại Ðại học Nam California viết: “Ô nhiễm không khí làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giàu nghèo ở các đô thị Trung Quốc”.

Hai thanh pho trong long Bac Kinh
Trong mỗi đô thị lớn ở Trung Quốc luôn tồn tại một thành phố của người giàu và một thành phố của kẻ nghèo, và họ không thở chung một bầu không khí - Ảnh: AFP/Getty Images

Ông phân tích: “Người giàu sống ở các khu vực sạch hơn trong thành phố và vào những ngày ô nhiễm nặng, họ có thể lái xe đi làm, làm việc bên trong những tòa nhà sạch sẽ, tiếp cận được với các bác sĩ tốt hơn, ngoài ra, họ thường có ngôi nhà thứ hai ở vùng quê và có những bộ lọc không khí hiệu quả và đắt tiền”.

Bắc Kinh có nguy cơ trở thành một câu chuyện của hai thành phố, nơi mà người giàu và người nghèo thậm chí không thở chung bầu không khí!

Nếu không có điều kiện, gia đình Wang làm sao trang bị nổi một hệ thống lọc không khí trị giá 4.300 USD. Họ còn sắm máy lọc không khí cỡ nhỏ - chuyên lọc khí carbon dioxide và khí bẩn thẩm thấu - cho tám phòng trong nhà, với tổng số tiền 7.200 USD, chưa kể các máy này còn cần thay bộ lọc mỗi tháng mất thêm 430 USD. Lọc nước bồn rửa chén tiêu tốn 300 USD và lọc vòi tắm hoa sen có giá lên tới 1.000 USD.

Một số người sẽ nhận được nông sản hữu cơ giao trực tiếp đến nhà của họ. Hội phí thành viên hàng năm của trang trại Tony’s Farm có mức giá 3.400 USD. Với số tiền này, hội viên mỗi tuần được nhận rau quả hai lần, mỗi lần 3kg.

Người giàu cũng có thể mua các sản phẩm “kỳ dị” khác như khí đóng hộp nhập khẩu từ Anh với giá 115 USD/chai, kem thoa chống ô nhiễm 100 USD…  Họ cũng có thể chạy trốn không khí ô nhiễm bằng cách đi du lịch nước ngoài.

Trong khi đó, một người Bắc Kinh điển hình không thể trang trải các chi phí chống ô nhiễm với giá trên trời, khi mức lương bình quân một năm của một cá nhân là dưới 17.000 USD.

Nhà nghiên cứu Barbara Finamore thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Trung Quốc đang ở vào thời điểm khi sự lo ngại về ô nhiễm không khí trên toàn quốc đe dọa sự ổn định xã hội”. Biểu hiện dễ thấy nhất là các cuộc biểu tình về môi trường của người dân nổ ra trên khắp đất nước, gần đây nhất là một cuộc biểu tình lớn ở Thành Ðô.

Thanh Vân
(Theo CNN, Shanghaiist, SCMP, Sina)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI