Đến hẹn lại lên, những sản phẩm hài tết đã bắt đầu xuất hiện. Mới đây, Nam Thư giới thiệu series hài tết Nhà trọ có quá trời phòng. Việt Hương cũng bước vào “đường đua” này với sản phẩm mang tên Về quê ăn tết. Trong khi đó, Trấn Thành giới thiệu Bố già để chào sân cho mùa Tết năm nay.
Những sản phẩm hài dài hơi đã manh nha xuất hiện trở lại trong 2 mùa Tết trước như: Tết đến rồi về nhà thôi, Bí quyết làm giàu đổi vận xuân Kỷ Hợi (Thu Trang, Tiến Luật), Tết của Tài (Cát Phượng, Ngô Kiến Huy, Puka), Ngày xuân kén rể (Trung Dân, Phát La, Minh Ngọc...).
|
Dàn diễn viên trong hài tết Tết đến rồi về nhà thôi do Thu Trang, Tiến Luật sản xuất |
Nội dung của những sản phẩm hài này vẫn xoay quanh những câu chuyện quen thuộc trong nhà, ngoài ngõ dịp tết, thông qua đó gửi gắm những bài học, giá trị sống. Điều dễ nhận thấy là thời lượng của những sản phẩm này đã gia tăng đáng kể, khoảng 30-40 phút/tập. Trong đó, có những sản phẩm được sản xuất liên tục vài tập để truyền tải hết câu chuyện.
Vài năm trước, những clip hài ngắn với thời gian trung bình chỉ trên dưới 10 phút, thậm chí có lúc chỉ dài hơn một MV ca nhạc thông thường lại thống lĩnh thị trường hài tết. Chúng thường được sản xuất dưới dạng viral cho các nhãn hàng.
Việc sản xuất sản phẩm hài dài hơi từng thịnh hành trong thập niên 90, những năm đầu 2000. Nhiều tác phẩm của giai đoạn này đến nay vẫn được nhắc đến như: Chiều 30 tết (Hoài Linh, Thuý Nga), Hài sập bàn (Hồng Nga, Thanh Nam, Cát Phượng), Ly rượu mừng xuân (Nhi Nhí, Hồng Nga, Hữu Châu...), Xông đất đầu năm (Hồng Vân, Trung Dân, Thanh Hằng)...
Tuy nhiên hiện nay, những sản phẩm dài hơi đã có sự thay đổi ít nhiều trong khâu sản xuất lẫn cách thể hiện. Phần hình ảnh với sự hỗ trợ của những thiết bị tân tiến đã cho ra những khung hình lung linh, đẹp mắt. Nội dung vừa bám sát diễn biến cuộc sống vừa thể hiện sự nắm bắt nhanh nhạy của nghệ sĩ với những trào lưu thịnh hành.
Bên cạnh đó, họ cũng tạo ra những video, câu nói ngắn mang tính viral để lồng vào sản phẩm dài hơi này. Trong khi đó, những tiểu phẩm ngày trước chỉ tập trung vào việc kể một câu chuyện thông thường.
Nhà trọ có quá trời phòng - tập 1:
Nếu viral clip chỉ tập trung vào các tình tiết chính nhanh, gọn, đôi lúc thiếu gia vị của những yếu tố phụ trợ, thì việc tạo ra những kịch bản dài hơi giúp nghệ sĩ có đất diễn rộng hơn, tự do hơn trong đề tài, cách kể. Những câu chuyện được kể với tình tiết, bối cảnh chi tiết hơn nhằm giúp khán giả có cái nhìn cụ thể nhất.
“Những tiểu phẩm hài dài hơi luôn có ưu điểm ở sự kết nối, điều mà viral clip làm không tốt bằng. Trong đó, yếu tố cảm xúc được thể hiện chi tiết, cụ thể, rất cần để lấy nụ cười hoặc khơi tâm trạng cho khán giả trong ngày tết”, đạo diễn Tô Gia Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, đất diễn rộng giúp lượng nhân vật xuất hiện được nhiều, hỗ trợ tốt cho việc đẩy cảm xúc, tăng tình tiết gây cười trong suốt thời lượng của tác phẩm.
|
Những sản phẩm hài dài hơi thường có lượng diễn viên tham gia rất đông |
Hiện tại, nhiều sản phẩm hài tết có sự tham gia của các nhãn hàng tài trợ. Việc sản xuất dài hơi giúp chúng được đặt vào những tình tiết hợp lý hơn, với thời gian có giãn cách nhất định giúp người xem cảm thấy dễ chịu hơn. Với Bố già, Trấn Thành đặt để mọi thứ văn minh hơn so với Tôi là Tư Hậu hồi Tết 2018. Thời điểm đó, sản phẩm của nam diễn viên bị chỉ trích bởi như một cú lừa biến khán giả xem mỗi video dài khoảng 6, 7 phút như một quảng cáo dài hơi.
Việc sản xuất video với thời lượng dài cũng kéo theo kinh phí sản xuất đội lên nhiều. Trấn Thành đầu tư đến 4 tỷ đồng cho 5 tập Bố già, một con số không hề nhỏ.
Ngoài ra, những sản phẩm dài hơi cũng chứa đựng rủi ro trong việc kéo khán giả theo dõi liên tục, đặc biệt với những series dài hơi. “Để làm một tiểu phẩm, phim hài, áp lực thực sự lớn. Chính kịch, bi kịch dễ lấy nước mắt khán giả, nhưng lấy được nụ cười khi làm hài rất khó”, Nam Thư chia sẻ.
|
Lấy nụ cười, giữ sự chú ý của khán giả trong những sản phẩm hài dài hơi không phải là câu chuyện dễ dàng với nhà sản xuất. |
Vì thế, việc xử lý kịch bản, tạo tình tiết phải được đặc biệt chú trọng trong những sản phẩm hài dài hơi này. Nhà sản xuất Hồng Tú cho biết để giữ chân khán giả trong những sản phẩm dài hơi, anh tự đúc kết kinh nghiệm: “Kịch bản hay, câu chuyện ý nghĩa vẫn là điều hút khán giả. Sản phẩm được đầu tư nhiều đến đâu nhưng kể một câu chuyện không phù hợp, vô nghĩa thì cũng không đạt được hiệu quả.
Với những series dài hơi, việc ngắt tình tiết để sang tập tiếp theo là yếu tố vô cùng quan trọng. Ngoài ra, sự thay đổi bối cảnh để tạo sự mới mẻ cũng nên được chú trọng. Tuy nhiên, theo tôi, độ hút của những sản phẩm như thế chỉ ở khoảng 3 tập đầu. Vì thế, nên dồn sự tập trung của khán giả ở thời điểm ấy, còn về sau, sự thu hút sẽ giảm dần”.
Trung Sơn