Hải sản xuất đi Mỹ, châu Âu: Chồng chất nỗi lo

18/10/2017 - 14:30

PNO - Các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam đang bối rối vì chỉ khoảng 2 tháng nữa, thị trường Hoa Kỳ sẽ kiểm soát IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).

Còn đang chờ phản hồi từ thị trường EU sau khi áp dụng chuẩn kiểm soát IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) đối với hải sản từ đầu tháng 10/2017, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam lại đang bối rối vì chỉ khoảng 2 tháng nữa, thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ kiểm soát IUU.

Hai san xuat di My, chau Au: Chong chat noi lo
Có quá nhiều tàu thuyền nhỏ khiến việc khai báo IUU rất khó khăn.

Thủy sản Việt Nam gặp khó với việc khai báo thông tin

Với IUU, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) chỉ được thu mua nguyên liệu, nhập khẩu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng; nói không với những loài hải sản quý hiếm, có kích cỡ nhỏ hơn quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), so với việc khai báo vào thị trường EU, khai báo vào thị trường Hoa Kỳ có nhiều hạng mục hơn, thông tin cũng phải chi tiết hơn và có thêm những yêu cầu phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, đa phần tàu thuyền đánh bắt của VN là tàu nhỏ, việc lấy thông tin không dễ dàng, thời điểm áp dụng IUU lại đã cận kề.

Vì thế, doanh số xuất khẩu hải sản của VN vào thị trường Hoa Kỳ có thể sẽ sụt giảm. Về khó khăn trong việc khai báo lấy thông tin, đại diện Công ty xuất nhập khẩu Nha Trang, chuyên chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ, cho biết, theo quy định của thị trường Hoa Kỳ, DN có thể không lấy thông tin khai báo từ các tàu thuyền mà lấy từ các điểm thu mua, tập kết.

Nhưng việc này cũng không đơn giản vì mỗi điểm thu mua, tập kết lại nhập hàng từ hàng trăm, hàng ngàn tàu thuyền…

Có áp dụng IUU với hải sản xách tay vào Mỹ để dùng và biếu tặng?
Theo đại diện NOAA, IUU không ràng buộc đối với các sản phẩm vào Mỹ theo hình thức trên và cả với hàng mẫu tham dự các hội chợ, chào hàng… mà chỉ áp dụng cho hải sản nhập vào Hoa Kỳ với mục đích thương mại. 

Một khó khăn khác trong việc kê khai xuất xứ nguồn nguyên liệu, theo ông Nguyễn Huy Long, đại diện Công ty Việt Cường, chuyên xuất khẩu cá ngừ và hải sản đi Mỹ, là có những công ty sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản… nên việc khai báo phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp, không dễ kiểm tra tính chính xác.

Không thể trì hoãn!

VN đã kiến nghị giãn thời gian thực thi IUU nhưng Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) không chấp nhận trì hoãn vì đó là quy định đã áp dụng cho 140 quốc gia xuất khẩu hải sản vào Hoa Kỳ.

Bà Heather Brandon, chuyên gia của NOAA, khuyến cáo: “Điều cần thiết trước mắt là các nhà xuất khẩu VN phải sớm làm việc với các đối tác Hoa Kỳ để thống nhất hình thức khai báo, tránh hậu quả đáng tiếc”.

Cũng theo NOAA, việc kiểm tra hải sản nhập khẩu vào Mỹ sẽ được thực hiện ngẫu nhiên bằng cách chọn bất kỳ hồ sơ nhập hàng nào do các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cung cấp. Cơ quan Hải quan Mỹ sẽ cân nhắc về việc có cho phép DN sai phạm bổ sung thông tin, hồ sơ đã khai báo hay không.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhấn mạnh: “VASEP rất muốn cùng Chính phủ áp dụng công nghệ thông tin, lập dữ liệu quốc gia về nghề cá để có cơ sở quản lý thông tin từ tàu thuyền, vùng đánh bắt, các điểm thu mua, cho đến chế biến và vận chuyển, xuất khẩu… nhằm hỗ trợ các DN. Song, trước mắt, các DN cần nhanh chóng thực hiện những khuyến cáo của NOAA”. 

Làm sao để khắc phục nếu bị phạt thẻ vàng?

Nếu EU phạt thẻ vàng, tất cả lô hàng thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm tra mất khoảng 3-4 tuần, thiệt hại khoảng 600-700 euro/container chi phí neo đậu cảng, bến bãi trong 4 tuần kiểm tra. 

Tháng 4/2015, EU đã đưa thẻ vàng đầu tiên cho Thái Lan, nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới. Tháng 4/2016, Thái Lan vẫn chưa khắc phục các vấn đề vi phạm IUU.

Theo tờ Bangkok Post, thủ tướng Thái Lan Payut Chan-o-cha thừa nhận chính phủ quá chậm trễ và đã công bố điều chuyển vị trí công tác của Wimol Jantrarotai, Cục trưởng Cục Thủy sản.

Đồng thời, chính phủ cũng mạnh mẽ sửa đổi luật đánh bắt cá, tăng cường kiểm tra tàu đánh bắt (đặc biệt là xác định số lượng thực tế tàu hiện có) và nhà máy chế biến, thu hút các nhà khai thác thủy sản lớn đầu tư.

Tháng 6/2017, Thái Lan tiếp tục gửi hồ sơ về nỗ lực khắc phục của mình. Các chuyên gia đánh giá, nếu thành công, nước này có thể trở thành mô hình giải quyết sự cố  IUU ở ASEAN.

(Theo the Nation, IUUwatch)

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI