Hải sản nhập từ Nhật Bản liệu có an toàn?

30/08/2023 - 10:37

PNO - Lượng hải sản Nhật Bản được nhập vào Việt Nam không nhiều và chủ yếu đi vào “kênh” nhà hàng. Dù vậy đã có không ít người tiêu dùng lo ngại về tính an toàn của chúng sau khi Nhật Bản xả thải nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima ra biển Thái Bình Dương, ngày 24/8.

Có rất ít hải sản Nhật trên thị trường 

Trong các hội, nhóm kinh doanh trực tuyến (online) hàng Nhật Bản trên mạng xã hội Facebook, Zalo, nhiều bài viết bày tỏ lo lắng về chất lượng các loại hải sản Nhật Bản đang được kinh doanh ở thị trường Việt Nam. 

Anh Nguyễn Mạnh (quận 1, TPHCM) chia sẻ, tới đây, anh sẽ dừng ăn sushi bởi món này sử dụng một số loại hải sản từ Nhật Bản nên có thể không an toàn như trước. Chị Thúy Hà (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, trước đây, chị thường mua hải sản Nhật Bản bởi có vài nơi bán chúng với giá bình dân nhưng tới đây, chị sẽ chuyển sang ăn hải sản trong nước cho an toàn. 

Việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản có thể sẽ mở ra cơ hội tăng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này (trong ảnh: Đóng gói cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần  Thủy sản Nam Việt,  tỉnh An Giang) - ẢNH: H.LỢI
Việc Trung Quốc ngưng nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản có thể sẽ mở ra cơ hội tăng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này (trong ảnh: Đóng gói cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt, tỉnh An Giang) - Ảnh: H.Lợi

Theo ông Nguyễn Đông Hy - Giám đốc Công ty TNHH Kim Đông Hy, chuyên doanh hải sản - lâu nay, người tiêu dùng nghĩ rằng các loại hải sản được gắn mác Nhật Bản rồi rao bán trên mạng hay các món sushi trong các nhà hàng Nhật Bản lấy nguyên liệu từ Nhật Bản. Nhưng trên thực tế, hải sản Nhật Bản rất đắt đỏ nên người bán đều lấy nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước khác rồi rao của Nhật hoặc chế biến theo phong cách Nhật. Chẳng hạn, cá hồi, trứng cá hồi để làm món cá hồi sashimi có nguồn gốc từ Na Uy; trứng cá chuồn đỏ trong món sushi có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc; một số ít trứng cá chuồn có nguồn gốc Nhật Bản nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập từ Hàn Quốc. 

“Một số cửa hàng trên Facebook rao bán bạch tuộc Nhật với giá rẻ nhưng thực chất đó là hàng nhập từ Trung Quốc. Cùng là cá ngừ đại dương nhưng cá ngừ của Nhật Bản có giá rẻ nhất cũng 1,8 triệu đồng/kg, cá ngừ đại dương vây xanh có giá hơn 10 triệu đồng/kg còn cá ngừ của Việt Nam chỉ có giá 100.000-200.000 đồng/kg. Không nhà hàng nào dám nhập hải sản từ Nhật Bản bởi sợ không bán được hoặc khó có lời. Người tiêu dùng không nên lo lắng, bởi ở thị trường Việt Nam, rất hiếm có hải sản Nhật” - ông Nguyễn Đông Hy nói. 

Ông Trần Văn Trường - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia - thông tin thêm, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhập được hải sản tươi sống từ Nhật Bản mà chỉ nhập được hải sản đông lạnh và cũng chỉ vài loại do quá đắt đỏ. Doanh nghiệp Việt Nam nhập sò điệp Nhật Bản thông qua đối tác ở Hàn Quốc chứ không nhập trực tiếp từ Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập cá hồi từ Na Uy để làm món sushi chứ không phải từ Nhật Bản. 

Theo ông Trần Văn Trường, các doanh nghiệp đã nhập hải sản đông lạnh trước ngày 24/8 nên lượng hải sản đông lạnh đang có ở Việt Nam chưa bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, có thể sau này, để người tiêu dùng yên tâm các doanh nghiệp sẽ đắn đo và hạn chế nhập hải sản đông lạnh của Nhật Bản, dù quốc gia này xử lý môi trường tốt và việc xả thải đã được cơ quan năng lượng quốc tế chấp thuận. 

Bà Đỗ Thị Việt Hoa - Giám đốc kinh doanh Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) - cho biết, dù doanh nghiệp không nhập hải sản từ Nhật Bản nhưng việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ khiến khách hàng lẫn doanh nghiệp lo lắng. Một số doanh nghiệp ở Việt Nam đang tìm kiếm thị trường khác để thay thế. 

Ngày 24/8, Nhật Bản bắt đầu xả thải lượng lớn nước nhiễm phóng xạ đã xử lý ra Thái Bình Dương sau khi được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chấp thuận. Trung Quốc lập tức ra lệnh cấm nhập khẩu các loại hải sản của Nhật Bản. 

Còn ý kiến trái chiều

 Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, nước nhiễm phóng xạ đã được xử lý để loại bỏ gần như toàn bộ chất phóng xạ, ngoại trừ một số lượng nhỏ tritium (chất quang phóng xạ của hydro). Chất phóng xạ đã được pha loãng, còn nồng độ rất nhỏ nên không đáng ngại, không ảnh hưởng đến chất lượng hải sản ở vùng biển Việt Nam. Nước phóng xạ này sẽ không lan tới các vùng biển xa nên hải sản của Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng không bị ảnh hưởng. Hải sản của Nhật cũng hiếm loại được đánh bắt ở vùng biển sâu Thái Bình Dương. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm về độ an toàn. 

Trái ngược với quan điểm trên, tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng, đối với chất phóng xạ thì không có ngưỡng nào là an toàn tuyệt đối. Để đạt được nồng độ “theo tiêu chuẩn”, người ta thường pha loãng chất thải nhiễm xạ đó ra. Do đó, nồng độ “đạt yêu cầu” không có nghĩa là chất đó sẽ an toàn bởi bất kỳ chất phóng xạ nào cũng có hiệu ứng tích lũy và khuếch đại sinh học. Nồng độ nhỏ nhưng lượng xả thải quá lớn cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe. 

Ông nêu ví dụ, chất thải thủy ngân vô cơ đạt tiêu chuẩn không gây hại cho con người và sinh vật, nhưng khi xả ra môi trường, sinh vật phù du và tảo ăn vào, sẽ biến đổi thành thủy ngân hữu cơ - một chất rất độc hại. Các loài phù du, tảo này tiếp tục bị các loài cá ăn, lan truyền chất độc hại vào hệ sinh thái. Thủy ngân vô cơ đạt tiêu chuẩn có thể uống được nhưng có thể khuếch đại lên tới 50 triệu lần sau khi đi qua 4 bậc trong chuỗi thức ăn và vượt xa ngưỡng cho phép đối với cơ thể con người. Do hiệu ứng tích lũy và khuếch đại sinh học này, ở một số quốc gia, tiêu chuẩn nước nuôi trồng cao hơn tiêu chuẩn nước uống. 

Cơ hội để Việt Nam xuất khẩu tôm, cá nước ngọt 

Ông Trần Văn Trường đánh giá, việc Trung Quốc cấm nhập hải sản Nhật Bản sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Ông Ong Hàng Văn - Phó tổng giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang - cho rằng, khi cấm nhập hải sản từ Nhật Bản, Trung Quốc sẽ tăng tiêu thụ cá nước ngọt, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu cá nước ngọt sang Trung Quốc. 

Chung nhận định, ông Trương Trình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết thêm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản, hải sản lớn nhất của Nhật Bản, chiếm 42% tổng doanh thu xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản vào năm 2022, tương đương 600 triệu USD. Mặc dù chưa có cơ sở nào khẳng định nước xả thải hạt nhân của Nhật Bản sẽ gây hại đến sức khỏe con người nhưng việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản sẽ tác động về mặt tâm lý. Người dân Trung Quốc có thể e ngại tiêu thụ cá được đánh bắt ở một số vùng biển gần Nhật Bản và chuộng cá nước ngọt hơn. Ông dự báo: “Trung Quốc là nước đông dân. Khi cấm nhập khẩu hải sản Nhật, họ buộc phải tăng nhập khẩu từ các thị trường khác. Do đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sẽ tăng lên”. 

Theo ông, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sự sụt giảm này đang ít dần: trong tháng 1/2023 giảm 65%, trong tháng Năm giảm 30% và tháng Bảy chỉ giảm 7%. Do đó, xuất khẩu cá tra vào thị trường này dự báo sẽ phục hồi vào dịp cuối năm. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI