Hải sâm chết dạt vào bờ: Do Trung Quốc cải tạo đảo trái phép?

24/09/2015 - 11:56

PNO - Hải sâm liên tục dạt vào bờ biển khiến dư luận cho rằng nguyên nhân do Trung Quốc đang cải tạo trái phép ngoài biển Đông gây lên sự xáo trộn.

Hải sâm liên tục dạt vào biển

Trong 3 ngày từ 21-23/9, hàng nghìn con hải sâm đã dạt vào bờ biển ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Gần trăm người dân đã đổ xô ra bờ biển Thuận An để nhặt, người nào ít cũng được vài kg, người nhiều thì hàng chục kg.

Nhiều người dân cảm thấy thích thú, hào hứng khi nhặt hải sâm bởi đây là loài sinh vật có giá trị kinh tế cao. Mỗi kg hải sâm có giá trị lên tới cả triệu đồng, nhiều người tìm mua.

Hai sam chet dat vao bo: Do Trung Quoc cai tao dao trai phep?
Người dân nhặt hải sâm ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế ngày 23/9.

Ngày 18/9, hiện tượng hải sâm trôi dạt vào biển cũng xảy ra ở Phú Quốc, Kiên Giang. Cơ quan chức năng thống kê, có tới 2 tấn hải sâm và trải dài trên 10 km bãi biển Phú Quốc, đoạn từ Dương Đông đến Đường Bàu.

"Sống ở đây mấy chục năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy hải sâm nhiều như vậy ", ông Nguyễn Văn Hải, ngụ thị trấn Dương Đông, Phú Quốc nói. Đến chiều 19/9, hiện tượng này giảm nhiều.

Trước đó hồi tháng 3, tại bờ biển Hà Tĩnh cũng xuất hiện hàng chục tấn sò lông, ốc biển ở vùng biển Hà Tĩnh chết không rõ nguyên nhân, bị sóng đánh dạt vào bờ.

Nhà chức trách huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, khoảng 7 ngày nay, các loại sò lông, ốc mỡ, ốc hương, cùng một số nhuyễn thể khác chết hàng loạt, bị sóng đánh dạt vào bờ biển trên địa bàn các xã Kỳ Ninh, Kỳ Khang, Kỳ Phú. 

Trong đó, Kỳ Ninh là xã có lượng sò lông, ốc chết nhiều nhất, trải dài dọc bờ biển khoảng 50m, chất nhiều lớp, phủ dày 7-10cm. Nhiều đống vỏ sò được người dân gom lại cao khoảng 4cm. Ở hai xã còn lại, lượng vỏ sò, ốc chết cũng phủ trắng bờ biển.

Một số người dân cho hay đây là lần đầu tiên họ chứng kiến việc các loại thủy, hải sản chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Do Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông?

Sáng ngày 24/9, TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi qua điện thoại với Phunuonline: từ trước đến nay đã ghi nhận nhiều trường hợp hải sản trôi dạt vào bờ biển. Đó có thể là do sự thay đổi ở dưới đại dương như dòng thủy triều, san hô, môi trường sinh sống”.

Hai sam chet dat vao bo: Do Trung Quoc cai tao dao trai phep?
Khoảng 2 tấn hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc, Kiên Giang ngày 18/9.

TS. Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Sinh thái học miền Nam - cho biết, loài hải sâm chủ yếu trú ẩn dưới rạn san hô. Một khi nền đáy san hô bị xâm hại nghiêm trọng có thể trở thành nguyên nhân gây ra hiện tượng hàng nghìn con hải sâm bị sóng cuốn dạt vào bờ.

"Sau nhiều đợt khảo sát, chúng tôi nhận thấy tàu thuyền chở khách du lịch và đánh bắt ốc, cá bằng hình thức 'giã cào' đã gây tổn thương cho nền đáy san hô nơi đây. Tàu thuyền chở khách du lịch thả neo thiếu quy hoạch; khai thác ốc hương, cá bằng lưới cào ở tầng đáy, gây phá vỡ môi trường sống của loài hải sâm nên sức chống chịu của chúng suy giảm", ông Long nói.

Việc liên tiếp các loài sinh vật biển trôi dạt vào bờ một cách bất thường trong thời gian quan cũng khiến dư luận đặt ra nghi vấn có thể là do Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở Biển Đông nên gây ra sự xáo trộn sinh vật biển.

Nhận định về điều này, TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng: “Đây là vấn đề lớn, chúng tôi chưa nghiên cứu nên chưa thể kết luận được. Nhưng với ngành thủy sản việc sinh vật biển trôi dạt vào bờ là điều bình thường”.

Còn ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên - Huế) xác nhận: "Việc cải tạo của con người ở ngoài Biển Đông chắc chắn có ảnh hưởng tới sinh vật biển. Cụ thể như thế nào thì cần nghiên cứu cụ thể hơn". 

Theo TS. Lê Đình Mầu – Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) cho rằng: “Việc cải tạo của Trung Quốc ở ngoài Biển Đông chắc chắn có ảnh hưởng tới sinh vật biển của Việt Nam”.

Ông Mầu cho hay, hai tháng trước Viện Hải dương học Nha Trang có tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Trung Quốc khai thác ở Biển Đông ảnh hưởng tới Việt Nam, khách mời tham dự có cả những chuyện gia đến từ Mỹ, Australia…

“Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông gây ra sự xáo trộn ở biển, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, tập quá sống của các loại. Từ đó ảnh hưởng tới sinh vật biển” – ông Mầu xác nhận.

  • Chi Nam
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI