PNO - Vừa làm việc cơ quan, vừa chăm sóc vườn nhà, nhiều lúc chị thật sự đuối sức, nhưng khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương tiếp thêm động lực...
Đam mê trồng trọt, theo đuổi nghề trồng hoa và cũng từng trải qua nhiều thất bại, đến nay, sau 20 năm, cơ sở trồng hoa của chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, 44 tuổi, ở P.Long Bình, TP.Thủ Đức, đã có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường.
Bước ngoặt kỳ thực tập Theo học Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM khóa 1996 - 2001, trong những năm còn đi học, chị Nguyễn Thị Thanh Thùy luôn ấp ủ mô hình làm rau sạch. Đến năm cuối, Thùy được đi thực tập tại Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, thì ý định thay đổi. Ở kỳ thực tập này, chị được hướng dẫn nghiên cứu về hoa nền và nhận thấy nhu cầu sử dụng của thị trường là rất cao. Thùy đi vào nghiên cứu về các giống hoa vạn thọ và có những suy tính đường dài.
Chị Thanh Thùy miệt mài gắn bó với hoa nền suốt 20 năm qua.
Tốt nghiệp đại học, Thùy ở lại khoa làm trợ giảng. Đầu năm 2002, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM tuyển dụng Thùy vào làm cán bộ kỹ thuật đội hoa kiểng. Cũng từ đây, chị bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình. Ban đầu, chị chỉ trồng các loại hoa vạn thọ, sống đời, cúc bảy màu vào những tháng cận tết với số lượng khoảng vài ngàn chậu. Năm 2003, chị san lấp 6.000m2 đất ruộng của gia đình và trồng 50.000 chậu vạn thọ Pháp, Thái, cúc Tiger và cúc đại đóa. Vừa làm việc ở cơ quan, vừa chăm sóc vườn nhà, nhiều lúc chị thật sự đuối sức, nhưng khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã tiếp thêm động lực cho chị. “Thời điểm đó, ở TP.HCM chưa có nhiều người trồng hoa nền, thành ra tôi bán rất nhanh. Những năm sau tôi chuyển hướng sang các loại hoa dạ yến thảo, dừa cạn, xác pháo, sao nhái”, chị Thùy nhớ lại.
Gian nan để có quả ngọt Tôi đến vườn của chị Nguyễn Thị Thanh Thùy vào ngày cận Chạp. Trong khu vực nhà kính 1.000m2, gần 10.000 chậu dạ yến thảo đã bắt đầu khoe sắc với đủ màu vàng, đỏ, tím, trắng. Xung quanh đó, mào gà, vạn thọ, dừa cạn, cúc bảy màu, sống đời… cũng vào thời kỳ cần được chăm sóc kỹ lưỡng để kịp nở vào dịp Tết. Cùng với nhân công, chị Thanh Thùy tất bật với việc tưới nước, kiểm tra độ ẩm, nhặt lá sâu trong từng chậu hoa. Chị nói, theo nghề này phải liều, vì hiện có nhiều người trồng hoa, hiếm có khách đặt hàng trước mà cận tết người ta mới gọi hỏi mua, nên chị phải bỏ vốn ra đầu tư trồng số lượng lớn để đón đầu thị trường. “Cũng vì liều mà năm 2020, tôi mất trắng gần 80.000 chậu hoa. Trồng ra rồi bỏ, xót lắm, nhưng biết sao được khi dịch COVID-19 bùng phát. Tết này, tôi chỉ trồng 120.000 chậu hoa các loại, ít hơn rất nhiều so với những năm trước. Dịch bệnh căng thẳng mấy tháng liền, ai cũng khó khăn nên nhu cầu mua sắm giảm, trong khi giá phân bón thì tăng và nhân công cũng khó tìm. Hy vọng năm mới sẽ khởi sắc hơn”, chị Thùy bộc bạch.
Từ 6.000m2 đất ban đầu, chị Thùy đã phát triển vườn hoa lên 30.000m2 và khu nhà cho công nhân lưu lại. Riêng trong tháng Chạp, chị còn thuê thêm hơn mười lao động thời vụ. Ngoài việc cung cấp hoa cho các đường hoa tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang vào các dịp lễ, tết, hoa của chị còn được bán lẻ quanh năm cho thương lái, các shop hoa với số lượng trung bình 20.000 chậu/tháng. Nếu như trước năm 2015, chị hầu như không có lời, do lượng hoa tồn đọng nhiều, thì giai đoạn 2016 - 2018 được coi là cực thịnh, doanh thu ước đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh nhiều loại hoa trồng ngoài trời, từ bốn năm trước, chị Thanh Thùy còn đầu tư làm nhà kính có hệ thống tưới nước nhỏ giọt để trồng dạ yến thảo.
Tháng 1/2022 đánh dấu chặng đường 20 năm chị Thùy gắn bó với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM. Tại công ty, chị đã kinh qua nhiều vị trí, từ cán bộ kỹ thuật đến Đội phó Đội hoa kiểng, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công viên Gia Định, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây xanh - Hoa kiểng, Giám đốc Xí nghiệp Hoa kiểng. Hiện tại, chị là Chỉ huy trưởng gói thầu cỏ, hoa, cây cảnh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Năm 2013, chị nên duyên vợ chồng với anh Đỗ Ngọc Hiếu. Anh Hiếu vốn là công nhân Xí nghiệp Hoa kiểng. Từ khi lập gia đình, anh về vườn nhà trực tiếp quán xuyến mọi chuyện. Nhờ vậy, chị Thùy bớt phần vất vả, có thời gian chăm sóc mẹ già.
Hỏi dự tính, chị cho hay đang hướng tới mục tiêu làm du lịch, mở cửa cho mọi người vào tham quan, chụp hình, tìm hiểu kỹ thuật trồng các loại hoa nền. Chị tâm sự: “Những năm đầu khởi nghiệp, tôi chỉ trồng hoa vào dịp tết, kiểu có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu. Năm 2004, Hội Nông dân phường hướng dẫn tôi vay 20 triệu đồng vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất. Tới năm 2007, tôi mới thuê người làm quanh năm. Trồng hoa nền không quá khó, cốt yếu là phải xuống giống đúng thời điểm. Loại hoa càng ngắn ngày càng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong bón phân, tưới nước. Gần 20 năm, chưa tết nào tôi có mặt ở nhà đúng khoảnh khắc giao thừa, năm nào cũng lo chở hoa đi bán. Bây giờ thì kinh tế gia đình khá ổn rồi. Anh chị em làm việc cho tôi thu nhập cũng vào khoảng 220.000 - 250.000 đồng/ngày”.
Mẫn Nhi
Chị Thanh Thùy vừa được Hội Nông dân TP.HCM vinh danh là cá nhân có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và Hội Nông dân TP.Thủ Đức tuyên dương gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 - 2021. Không chỉ vượt khó làm ăn, chị còn nhiệt tình tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chủ động tìm hiểu, kết nối tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Kha - Chủ tịch Hội Nông dân P.Long Bình, TP.Thủ Đức
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.