Tiếp tục bàn luận về thời gian nghỉ lễ, Tết năm 2017 với hai phương án nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày hoặc 10 ngày, ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Alpha Books cho rằng, quan điểm nên cho nghỉ Tết Âm lịch dài ngày là những tư duy không đúng trong thời đại ngày nay.
Làm rõ quan điểm của mình, ông Bình phân tích: "Nếu trong 2 phương án Bộ LĐTB-XH đang đưa ra 7 ngày hay 10 ngày, thì tôi nghĩ chỉ nên nghỉ 7 ngày. Nhưng trong tương lai xa, thì Chính phủ, Nhà nước cần tính đến việc hoạch định rõ ràng văn hóa nghỉ lễ của VN.
Thứ nhất, chỉ cần nhìn sang một số quốc gia khác xung quanh chúng ta, như Nhật Bản từ năm 1873, 5 năm sau khi bắt đầu cuộc canh tân văn hóa, Nhật Hoàng đã tuyên bố chuyển ngày lễ nghỉ Tết của Nhật Bản về ngày Tết dương lịch theo phương Tây. Còn ngày Tết truyền thống của đất nước này, giống như của Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam..., thì Nhật Bản chỉ nghỉ 1 ngày, tức là làm nhỏ lại.
Hàn Quốc cũng đang đi theo hướng làm như vậy, duy nhất hiện nay chỉ còn Trung Quốc, Việt Nam là nghỉ nhiều.
Thứ hai, đi theo tiến trình văn minh của thế giới, dần dần người Việt Nam phải hội nhập. Nói ngay ở góc độ tổng thể, Việt Nam đang hội nhập dần với tiêu chuẩn văn minh thế giới, trong đó, người Việt 100 năm nay đã hội nhập cả về ăn mặc, ăn uống, cách giao tiếp, bản thân đang sử dụng công cụ máy móc như máy tính, điện thoại của phương Tây.
Thực ra, ngay bản thân Hà Nội, quá trình văn minh hóa vẫn đang diễn ra ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của người Việt Nam trong vòng 10-20 năm qua.
Người dân ở thành phố ngày càng ít khi đến thăm nhau, văn minh dần lên; họ hướng đến các hoạt động văn hóa chất lượng hơn, chứ không dồn vào những ngày nghỉ Tết, suốt ngày ăn uống, tụ tập.
Tuy nhiên, có 2 điều Việt Nam chưa làm được, đó là, chưa di chuyển được kỳ nghỉ Tết vào ngày mùng 1/1 dương lịch hàng năm. Cùng với đó, chất lượng và thời gian vẫn còn kéo dài".
Theo ông Bình việc nghỉ Tết Nguyên Đán sẽ sinh ra nhiều ảnh hưởng. Đầu tiên, là vênh với nước ngoài, vì họ nghỉ vào dịp Noel và năm mới, mất khoảng 1 tuần, khi đó, phía Việt Nam có muốn làm việc với họ thì cũng không ai trả lời.
Sau một thời gian thì lại mất 1 tuần với lịch nghỉ Tết của Việt Nam. Trong khi, ở Việt Nam cứ nói nghỉ 1 tuần, nhưng với mô hình công sở, ăn uống, lễ hội ít cũng mất tháng giêng.
Ông Bình cho rằng, trách nhiệm thay đổi là của những người có hiểu biết, gồm 2 dòng: dòng thứ nhất là Chính phủ, Nhà nước; dòng thứ hai là những học giả, những người nghiên cứu, có văn hóa, hiểu biết. Họ phải điều chỉnh, cải tiến các lễ nghi, dịp nghỉ lễ của Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam qua nền văn minh của thế giới.
Nếu chưa thay đổi được ngay, trong vòng 5-10 năm tới, thì phải rút ngắn thời gian nghỉ lễ lại.
Đồng quan điểm, Ths Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Đầu tư Du lịch PhucGroup nhận định, lâu nay chúng ta nghỉ nhiều quá.
"Nói thực lòng, năng suất và hiệu quả lao động của người Việt Nam cơ bản không cao, thiếu tính chuyên nghiệp, và một phần không nhỏ lắm khi còn làm việc theo kiểu đối phó, chưa hết mình.
Với nghỉ tết truyền thống, chúng ta nghỉ 6-7 ngày là hợp lý, còn 10 ngày là quá dài và không phù hợp. Nó ảnh hưởng đến hoạt động chung của toàn xã hội, nhất là tác động ghê gớm đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp", ông Bắc chia sẻ.
Theo ông Bắc, so với các quốc gia ASEAN, Việt Nam chúng ta thuộc dạng quốc gia có nhiều ngày nghỉ lễ và số ngày nghỉ vào loại cao nhất khu vực. Những ngày Quốc lễ của Thái Lan, Lào, Singapore - Malaysia cũng chỉ nghỉ 4-5 ngày.
Ngoài ra, ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Alpha Books phân tích rõ thêm: "Trước đây, chúng ta có lý do phải kéo dài thời gian nghỉ Tết, vì những người Việt Nam đi lao động ở vùng quê, vùng văn hóa, kể cả Hà Nội, đa phần họ không sinh ra ở đây, 50% ở quê, ở các tỉnh thành khác... nên cả năm chỉ có dịp Tết là cơ hội cho họ về đoàn tụ với gia đình.
Nếu chỉ nghỉ ngắn ngày, thời gian di chuyển lâu thì không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, đặc biệt, càng khó với nước có diện tích rộng như Trung Quốc.
Nhưng gần đây, phương tiện giao thông đã vận chuyển thuận tiện hơn, nhanh hơn trước, nếu trước phải đi mất 1 ngày, thì bây giờ chỉ nửa ngày. Còn cha mẹ chuyển sang một thế hệ mới, thích ra ở với con cái, số lần gặp gỡ đã dần dần được nâng lên.
Vì thế, không nên kéo dài thời gian nghỉ Tết quá, thậm chí, nó sẽ làm năng suất, chất lương hậu quả công việc kém đi, thậm chí giảm 10% GDP. Cùng với đó là tệ nạn kéo dài, nhậu nhẹt, thậm chí là ảnh hưởng mối quan hệ của Việt Nam với đối tác nước ngoài".
Điều quan trọng hơn
Về một số ý kiến cho rằng, cần phải nghỉ nhiều để có thời gian tái tạo lại sức lao động, ông Bình khẳng định, vẫn là nghỉ 1 tuần, nhưng chắc chắn phải tái tạo, dịch chuyển về Tết Dương lịch, cho đúng với các nước.
Trên thực tế, trong năm người Việt Nam nghỉ rất nhiều, ngoài Thứ 7, Chủ nhật, còn nhiều kỳ nghỉ lễ khác để tái tạo sức lao động, không riêng nghỉ Tết.
Ông Bình lấy một ví dụ, cách đây 20-30 năm, người Hàn Quốc khi đang trong giai đoạn phát triển, 1 ngày thậm chí họ làm việc 8h, nhiều hơn thế. Còn Việt Nam thực tế chỉ làm việc 6h, và không làm gì quá nặng nhọc.
Với những suy nghĩ, Tết mang ý nghĩa thiêng liêng, là thời gian gia đình sum vầy, mang đậm truyền thống người phương Đông, ông Bình nói rõ: "Gốc của mọi vấn đề là sự phát triển thứ bậc nền văn minh, con người và xã hội, không phải phong tục cổ truyền.
Nếu như không phải 100 năm qua, chúng ta xóa bỏ rất nhiều phong tục của quá khứ, thì sẽ không có Việt Nam hội nhập như ngày này.
Nói ngay như việc kinh khủng nhất thời Phan Châu Trinh, Phan Khôi, năm 1913 - 1920 là thay đổi tư duy cắt đi búi tóc dài. Ban đầu ai cũng phản đối, tóc của cha mẹ không được cắt đi, còn bây giờ cắt tóc ngắn là đi theo đúng xu hướng thế giới, sạch sẽ hơn.
Thiết nghĩ, Việt Nam hãy học theo người Nhật, Nhật Bản là nơi vẫn giữ được và bảo tồn được văn hóa, họ làm tốt hơn chúng ta nhiều, dù không ăn Tết như VN, nhưng văn hóa, lễ nghi, bộ quần áo kimono, lễ chùa chiền của đất nước này còn văn minh hơn chúng ta rất nhiều".
Trước vấn đề hòa nhập nhưng không hòa tan, ông Bình tiếp tục phân tích: Việc chúng ta đi theo văn minh thế giới không có nghĩa phá bỏ toàn bộ lễ nghi, nhưng lễ nghi con người cũng cần được dịch chuyển, điều chỉnh theo thế giới.
Trước đây, người Việt Nam không bao giờ có chuyện đi hỏa táng, mà lúc nào cũng phải chôn dưới đất rồi cải mả, nhưng sau này họ biết đó là vệ sinh, là sự phát triển tất yếu theo tiến trình khoa học và chấp nhận nó.
''Khi nền văn minh càng cao, càng có giá trị, thì càng phải bảo tồn sâu sắc hơn giá trị tinh thần chứ không phải làm điều ngược lại.'' ông Bình nhấn mạnh.
Hà Lan