Bỏ phố về quê
Cho đến nay, chị Ngọc Linh, 32 tuổi, đã phủ xanh 3ha đồi trọc ở thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, H.Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, bằng cả trăm loại cây rừng, dược liệu bản địa, cây ăn quả, cây lương thực... Trong mắt dân bản Thổ Thanh Xuân, việc làm của chị Linh từng bị xem là điên rồ, bởi ở một xã miền núi nghèo, đất cũng “nghèo”, trời nắng, lưỡi cuốc bập xuống gặp sỏi đá lại nảy lên, trời mưa thì dính bết, phần đông dân cư phải “thoát ly” để kiếm sống.
Cũng vì thế, lời răn dạy “cố học giỏi để thoát nghèo” đã bám vào cô gái bản Thổ, cho nên Linh đã cố gắng học và trở thành chuyên viên của một công ty truyền thông có tiếng ở Hà Nội. Thế nhưng, khi đã đạt được những mơ ước giữa thủ đô hoa lệ chị vẫn không vơi đi nỗi đau đáu với quê nhà. Chị bảo mỗi lần nhắm mắt lại thì những quả đồi trợ trụi nơi quê nhà lại hiện lên, rồi hình ảnh bố mẹ, người thân đang chật vật kiếm miếng ăn nơi đất khách quê người.
|
Chị Hương, chị Linh (thứ nhất và thứ hai từ phải qua) giới thiệu sản phẩm từ vườn rừng tại chợ phiên do nhóm Sản xuất bền vững xứ Thanh tổ chức |
Ở làng Lú Khoen (xã Quang Trung, H.Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), vườn rừng Senka của chị Mai Hương, 37 tuổi, mang ý nghĩa vô cùng lãng mạn: Senka - Sen ca - bài ca của những đóa sen.
Chị Hương tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội. Mười năm làm kỹ sư giúp chị có dịp nay đây mai đó. Yêu rừng nên chị muốn sau này nghỉ hưu sẽ về sống với rừng. Rồi tính chất công việc khiến chị ngày càng thấy trăn trở nhiều hơn với những quả đồi, dãy núi trơ trụi. Chị chia sẻ: “Tôi luôn thấy lạc lõng giữa công sở nơi chốn thị thành. Và tôi nhận ra cuộc sống của mình ngày càng nhạt nhẽo, tựa như đang cố gắng để tồn tại chứ không phải là sống”.
Rồi một lần, chị Hương có ba ngày lưu lại Kon Tum. Chị choáng ngợp trước những cánh rừng bạt ngàn, rồi thảng thốt khi thấy rừng bị tàn phá. Sau khi nghỉ việc, chị dành trọn một năm rong ruổi khắp Tây Nguyên để học, để trải nghiệm, đúc rút những gì cần cho việc trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Chị Linh muốn con mình được chạy nhảy, vui đùa cùng thiên nhiên với những cánh rừng xanh ngút ngàn, được hít thở khí trời cùng nắng gió như tuổi thơ của chị; muốn người thân có thể sống vui, sống khỏe, sống tốt, quây quần trên chính mảnh đất quê hương của mình; muốn bản thân, con cháu mình và những em bé dân tộc Thổ có thể ngẩng cao đầu, cầm tay du khách mà chỉ cho họ thấy, kể cho họ nghe về dân tộc của mình.
Và giấc mơ sinh kế bền vững
Hợp tác xã Bản Thổ và Vườn rừng Senka chính thức vận hành được một thời gian ngắn thì COVID-19 xuất hiện. Nhưng ngoài thiệt hại thì cả chị Ngọc Linh và chị Mai Hương đều nhìn thấy được cơ hội trong đại dịch: COVID-19 khiến con người phải sống chậm lại, phải quan tâm đến sức khỏe và thiên nhiên hơn; người dân tìm mua những sản phẩm an lành và tốt cho sức khỏe nhiều hơn; hoạt động mua sắm cũng chuyển hướng dần sang online… Các kênh bán hàng của Bản Thổ và Senka như Facebook cá nhân, fanpage, YouTube… đều được các chị xây dựng trong thời gian này.
Cây sắn dây trên đất nghèo, thay vì chế biến nguyên cục truyền thống, chị Hương đã tìm cách nghiền thành bột mịn, thêm đường, thêm các hương vị tự nhiên tốt cho sức khỏe như bột bạc hà, bột dừa, bột quất (tắc) sấy… Sản phẩm từ vườn rừng được chị chế biến thành những loại gia vị đặc trưng của vùng cao như lá sả và mẻ sấy, khế chua và hạt dổi… Đậu phộng cũng được chế biến thành bơ lạc để vừa dễ tiêu thụ, vừa cho giá trị kinh tế cao hơn.
Ở chốn đồng rừng Ngọc Lặc, Senka một mình một lối đi. Việc liên kết, nhân rộng mô hình, nguyên liệu và kiểm soát chất lượng đầu vào diễn ra không suôn sẻ do những hạn chế trong tư duy của bà con nông dân. Nhưng trong thời đại số, chị Hương và Senka lại nhận được sự đồng hành từ nhóm Sản xuất bền vững xứ Thanh, Liên minh nông nghiệp tử tế… Senka non trẻ còn khó khăn mọi bề, nhưng đã nhận được sự tin tưởng của những nhóm khách hàng ở cả ba miền - họ đặt niềm tin vào con đường nông sản minh bạch gắn với kinh tế rừng bền vững mà chị Hương đang gầy dựng.
|
Từ độc canh cây keo nhiều năm, vườn rừng Bản Thổ đã đa dạng hóa cây rừng bản địa kết hợp cây ăn trái, cây dược liệu, cây lương thực… |
Ở Bản Thổ, chị Ngọc Linh đã chọn bộ đồ bảo hộ để gánh nước chăm sóc từng gốc cây mới trồng trên đất rừng quê hương. Vườn rừng Bản Thổ đã có gần trăm loại cây rừng bản địa như dổi, trám, dẻ, bồ hòn, tai chua, các loại cây ăn trái, cây dược liệu và đa dạng cây lương thực làm thức ăn chăn nuôi… Từ vườn rừng Bản Thổ, chị chủ động cả nguồn phân bón hữu cơ (thân đậu, thân chuối, cá tạp, cỏ lau…) và thuốc trừ sâu bằng nguồn vi sinh vật bản địa. Nhờ có bảy năm làm việc tại Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm, Linh đã chuyên nghiệp hóa và hoàn thiện sản phẩm mật ong lên men Bản Thổ, làm tiền đề cho các nông sản chế biến kết hợp cùng mật ong lên men.
Tuy nhiên, ở nơi núi rừng, mọi chuyện chẳng hề dễ dàng với chị Linh. Riêng chuyện tìm nhân công có thể đóng gói hàng hóa phục vụ thương mại điện tử cũng khó hơn cả… lên trời. Cho nên có những ngày Linh phải chạy như con thoi để lo chuyện nhỏ, chuyện lớn. Chị bảo: “Tìm nhân sự ở đây khó vô cùng, dù mình trả lương cao hơn mặt bằng. Công nhân hiện có của tôi không biết chữ, không biết đi xe máy, tới đồ ăn thức uống hằng ngày tôi vẫn phải đi mua cho mọi người”.
Dự án “Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo sinh kế bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cho đồng bào dân tộc Thổ tại xã Hóa Quỳ, H.Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa” của chị Ngọc Linh đã giành giải đặc biệt trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2020. Tới đây, mô hình của chị sẽ lan ra thêm 4ha tại H.Như Xuân và 3ha tại H.Ngọc Lặc. Trên con đường làm kinh tế gắn với phát triển rừng bền vững của xứ Thanh, những người tiên phong như chị Linh, chị Hương chắc chắn còn gặp nhiều gian khó, nhưng chắc rằng sẽ vươn xa bởi đó là con đường đúng.
Ngọc Minh Tâm