edf40wrjww2tblPage:Content
Jaime FlorCruz, cựu phóng viên của tạp chí Time tại Bắc Kinh, chuyên gia về xã hội và chính trị Trung Quốc, sống tại nước này từ năm 1971 và tốt nghiệp khoa Lịch sử Đại học Bắc Kinh, mới đây có bài viết về hai phiên tòa đều được mệnh danh là "phiên tòa thế kỷ" của Trung Quốc.
Hai "phiên tòa thế kỷ" xét xử Giang Thanh và Bạc Hy Lai cách nhau 32 năm. Ảnh: CNN
Phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, chính trị gia sáng giá một thời ở Trung Quốc, gợi nhớ đến một phiên tòa khác mà FlorCruz từng theo sát để đưa tin.
Đó là phiên tòa vào đầu những năm 1980, xét xử "bè lũ bốn tên". Phiên tòa xét xử Giang Thanh, vợ của cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, và ba tay chân. Từ một diễn viên , Giang Thanh vươn lên ngang hàng với các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc vì mối quan hệ thân mật với chủ tịch Mao.
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi ông Mao qua đời năm 1976, "bè lũ bốn tên" và các cấp dưới bị bắt rồi bị cáo buộc những tội danh nghiêm trọng, bao gồm âm mưu ám sát chủ tịch Mao cũng như tổ chức cuộc nổi dậy vũ trang.
Phải mất hơn 4 năm, "bè lũ bốn tên" mới được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, với các nhà quan sát, nó lại rất đáng để chờ đợi. Đây được coi là phiên tòa tầm cỡ thế kỷ với những tình tiết liên quan đến âm mưu chính trị đầy kịch tính và có những câu nói vô cùng đáng nhớ.
Hơn 600 người, phần lớn là các quan chức chính phủ, đại diện người dân, gia đình bị cáo và số ít các phóng viên được lựa chọn của Trung Quốc được gửi giấy mời tới dự phiên tòa. Các phóng viên quốc tế không được phép tham dự. Tuy nhiên, đây vẫn thực sự là phiên tòa lớn và vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Nó được đưa tin khắp thế giới.
Đây là lúc Trung Quốc chưa thoát khỏi bóng tối của thời kỳ trước, hệ thống chính trị vẫn rối rắm và truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ.
Phiên xét xử kéo dài gần hai tháng. Các phóng viên quốc tế phải phụ thuộc rất nhiều vào những thông tin chính thức chỉn chu đến từng câu chữ mà báo chí nhà nước Trung Quốc đưa ra, cùng với một số hình ảnh hiếm hoi trên truyền hình.
Cựu phóng viên của Time nhớ đã thức rất nhiều đêm để xem những trích đoạn của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) về quá trình xét xử, cùng với những đồng nghiệp người Trung Quốc. Họ đã dành nhiều thời gian để phân tích những gì thực sự diễn ra đằng sau phiên tòa, nhằm tìm đến những nguồn tin không chính thức và cung cấp những thông tin hấp dẫ, bên cạnh nguồn tin nhà nước.
Cũng giống như vụ xử Bạc Hy Lai mới đây, phiên xử "bè lũ bốn tên" đã thu hút sự chú ý hơn cả dự kiến ban đầu và nhiều bất ngờ. Tại phiên tòa, nữ diễn viên một thời tự biện hộ cho mình chống lại tội phản quốc bằng cách tuyên bố rằng mọi thứ mà bà làm đều được chủ tịch Mao cho phép.
"Tôi là con chó của chủ tịch Mao", Giang Thanh hét lên trước vành móng ngựa. "Ông ấy nói tôi cắn ai là tôi cắn".
Khi được nói lời nói cuối cùng trước tòa, người phụ nữ 66 tuổi nói bà đã "chuẩn bị chết" để chiến đấu cho chồng và là lãnh tụ của bà.
Đầu năm 1981, Giang Thanh bị tuyên án tử hình nhưng được hoãn thi hành án hai năm, sau đó giảm xuống còn chung thân. Vài năm sau, bà tự vẫn khi bị quản thúc tại gia.
Minh bạch hay không?
Ông Bạc Hy Lai tại tòa sáng 22/8. Ảnh: Weibo
Theo dõi vụ xét xử Bạc Hy Lai tuần vừa rồi, FlorCruz băn khoăn không rõ cách thức xử án có gì thay đổi so với vụ án của Giang Thanh ba thập kỷ trước đây..
"Đây là phiên tòa cởi mở của Trung Quốc, cho Bạc Hy Lai cơ hội được phản bác các công tố viên và trình bày về vụ án của mình trước công chúng", David Zweig, chuyên gia tại một đại học ở Hong Kong nói.
Trên thực tế, phiên tòa kéo dài 5 ngày này hấp dẫn và thực chất hơn tưởng tượng. Đa số mọi người đều đã dự đoán phiên tòa sẽ đóng khung trong những bản luận tội và lời lẽ định sẵn. Nhưng bị cáo Bạc được phát biểu nhiều lần và được đối chất với các nhân chứng trong khoảng thời gian khá dài. Về việc này, chính bản thân Bạc cũng gửi lời cảm ơn tòa án, đặc biệt là chủ tọa phiên tòa.
"Thẩm phán lần này là một chuyên gia có bằng luật chính quy, không giống như chủ tọa Giang Hoa trong vụ xét xử bè lũ bốn tên, là một cựu quân nhân trong cuộc Trường chinh", Li Weijia, một nhà sản xuất phim nói. "Ngoài ra, Bạc cũng có các luật sư bào chữa do chính ông và gia đình thuê chứ không phải là được chỉ định. Điều này không xảy ra trong phiên tòa 30 năm trước".
Nhà chức trách Trung Quốc ca ngợi đây là phiên tòa "cởi mở và công khai" với việc đăng tải những hình ảnh, đoạn video và các trích dẫn diễn biến phiên tòa trên tài khoản mạng xã hội Sina Weibo cho tất cả mọi người theo dõi.
"Đây là một bước tiến lớn", nhà phân tích chính trị Victor Gao nói. "Nó thể hiện sự tích cực của chính quyền, cho thấy họ không có gì phải giấu. Nó giúp tăng cường tính minh bạch và là dấu hiệu tốt cho những cải cách tư pháp và cải cách chính trị lớn hơn".
Sự thật được chọn lọc
Tuy nhiên, các nhà quan sát lại cho rằng trình tự của phiên tòa chỉ được công khai một phần, và những công bố trên Weibo đã được kiểm duyệt chặt chẽ.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang được theo dõi một sự thật có chọn lọc", Donald Clarke, giáo sư Học viện Luật thuộc Đại học George Washington, Mỹ, nói. "Những nội dung đăng trên Weibo không phải là bản đầy đủ".
Clarke cũng cho rằng việc công bố diễn biến phiên tòa trong ngày đầu tiên đầy đủ và phong phú hơn so với ngày thứ hai và những ngày về sau. "Dường như có ai đó ở một nơi nào đó quyết định rằng nên cung cấp ít thông tin hơn", ông nói.
Phóng viên chen chúc chụp lại hình ảnh đầu tiên của ông Bạc Hy Lai qua màn hình chiếu tài khoản weibo của tòa án. Ảnh: SCMP
Chỉ có 19 phóng viên Trung Quốc "đáng tin tưởng" được cho phép vào phòng xử án. Các phóng viên quốc tế và nhiều người quan tâm khác lại một lần nữa phải tìm những nguồn tin ở bên ngoài để lấp đầy những khoảng còn trống từ thông tin trên Weibo của tòa án.
Thông tin được tòa công bố chính thức thực ra cũng là tốt cho Bạc Hy Lai. Vào phiên xét xử cuối cùng sáng 26/8, Bạc được nói lời cuối cùng trong gần nửa tiếng, thời lượng nhiều hơn nhiều so với bản công bố của tòa.
Bạc giải thích việc phản cung là bởi ông phải chịu "áp lực lớn" trong suốt 17 tháng bị quản thúc và thẩm vấn. Sau khi Bạc nói, 5 thành viên trong gia đình ông đứng dậy, vỗ tay và nói: "Rất tốt, Hy Lai. Chúng ta sẽ luôn ủng hộ em".
Tuy không thể biết toàn bộ sự thật qua Weibo, nhưng Li Weijia cho rằng phiên tòa cũng mở ra những hy vọng mới. "Chúng ta có thể cảm nhận được một phần những việc diễn ra bên trong phòng xét xử, đặc biệt là việc Bạc nói không với những tội danh chống lại mình trước mặt thẩm phán và những người thân".
Như cũ
Tuy nhiên, một số điều vẫn không thay đổi ở Trung Quốc, dù ngành tư pháp đã đạt được nhiều tiến bộ và cải cách trong những năm qua.
Ví dụ, năm 1981, tòa án Trung Quốc rất thờ ơ với việc công bố quy trình tố tụng mang tính bước ngoặt khi "Phiên tòa xét xử bè lũ phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh", và tuyên bố các bị cáo phạm tội "phản cách mạng" trước cả khi xét xử.
Hơn ba thập kỷ sau, hiện không có ai dám dự đoán Bạc Hy Lai được trắng án. Phiên tòa hiển nhiên là sẽ công bố có tội vì các điều tra trước đó đều khẳng định như vậy.
Trong vụ án của Bạc Hy Lai, các nhà quan sát nói nhà chức trách Trung Quốc tỏ ra rất thận trọng. "Họ muốn Bạc sẽ phải hổ thẹn trong quãng đời còn lại và không có cơ hội nào để quay lại chính trường. Nhưng họ không muốn bị mang tiếng và họ chỉ muốn nhanh chóng kết thúc việc này để bắt đầu một trang mới", Gao nói.
Đến thời điểm này, mọi chuyên gia đều nhận định, tòa án sẽ công bố bản án có tội. "Khoan hồng cho những người thú nhận, phạt nặng với những người chống đối", đó là nguyên tắc chỉ đạo trụ cột của hệ thống tư pháp Trung Quốc.
Với thái độ thách thức và tuyên bố không nhận tội của Bạc, câu hỏi duy nhất còn được đặt ra là mức án sẽ như thế nào mà thôi.
VŨ HÀ - VNExpress (theo CNN)