Hai người phụ nữ Mỹ, một tình yêu Việt Nam

24/04/2025 - 12:55

PNO - Bà Lady Borton và bà Virginia B.Foote đến Việt Nam với những lý tưởng riêng, nhưng bằng trái tim và sự thấu cảm, họ đều chọn gắn bó với Việt Nam như một phần máu thịt. Từ những năm tháng đất nước chìm trong lửa đạn đến khi bị bao vây cấm vận rồi vươn mình hội nhập - họ luôn hiện diện.

Biểu tượng sống động của ngoại giao nhân dân

Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc giới thiệu: Nhà văn Lady Borton là một người bạn lớn của Việt Nam, một chứng nhân đặc biệt của chiến thắng 30/4/1975. Trong những năm chiến tranh, bà làm tình nguyện viên y tế tại Quảng Ngãi. Sau thống nhất, bà tiếp tục gắn bó với Việt Nam, là tác giả dịch giả về Việt Nam, tiêu biểu là cuốn sách After Sorrow: An American Among the Vietnamese” (Sau nỗi buồn: Một người Mỹ giữa người Việt).

Bà cũng là người dịch hồi ký của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Anh… Bà là một nhịp cầu, là sứ giả đưa văn hóa Việt Nam đến Mỹ và thế giới. Bà được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị năm 1998. Và tên Việt Nam của bà là Út Lý.

Bà Út Lý - Lady Borton (trái) và bà Vini - Foote Virginia (phải). Ảnh: Giang Hồng
Nhà văn Lady Borton (trái) và bà Virginia B.Foote (phải) - phó Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Giang Hồng

Còn bà Virginia B.Foote, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - “chúng tôi gọi thân mật là Vini, đã gắn bó với Việt Nam hơn 30 năm. Bà vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là người có những đóng góp lịch sử - trong việc xóa bao vây cấm vận, trao đổi hàng hóa và phát triển quan hệ Việt - Mỹ. Năm 2016, bà được trao tặng Huân chương Hữu nghị. Cũng giống như Út Lý, Vini ở Việt Nam nhiều hơn ở Mỹ và nghiện đồ ăn Việt Nam hơn đồ ăn Mỹ. Tôi rất tự hào khi có một người bạn, và cũng là đối tác hiệu quả như Vini” - ông Hà Kim Ngọc chia sẻ.

Cả bà Út Lý và bà Vini đều là những biểu tượng sống động của ngoại giao nhân dân, có sức mạnh lan tỏa sâu rộng. Họ không chỉ làm việc với các cơ quan chính phủ mà còn tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, góp phần xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau.​

Ngoại giao Việt Nam toàn diện, nhân văn và đầy trí tuệ

Từ năm 1967, bà Lady Borton đã làm y tá ở Quảng Ngãi, “thấy người dân quá nghèo, quá khổ do ảnh hưởng bởi chiến tranh”. Với bà, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ đến từ sức mạnh vũ trang, mà còn là kết quả của một chiến lược ngoại giao khôn ngoan, chủ động và mang tính nhân văn sâu sắc.

“Tôi tin rằng chính sức mạnh từ chiến thắng của Việt Nam đã huy động được một phong trào ngoại giao nhân dân sâu rộng và mạnh mẽ, điều chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Ngoại giao Việt Nam không chỉ vận động chính giới, mà còn kể một câu chuyện - câu chuyện về một dân tộc khát vọng hòa bình và tự chủ”, bà nói bằng tiếng Việt rất súc tích.

Bà Út Lý - Lady Borton
Bà Út Lý - Lady Borton

Bà chia sẻ: Trong những năm kháng chiến, các đại diện của Việt Nam đã bí mật đi đến ít nhất 13 quốc gia để vận động dư luận, kết nối bạn bè quốc tế, kể cả khi chưa có cơ quan ngoại giao chính thức. Đây là những “đại sứ không tên”, những người âm thầm mở đường cho phong trào đoàn kết quốc tế với Việt Nam lan rộng khắp năm châu.

Từ Hội nghị Paris đến các hoạt động ngoại giao nhân dân trên khắp thế giới, vai trò của những người làm công tác đối ngoại, cả chính thức và không chính thức - chính là một phần không thể tách rời trong Chiến thắng 30/4/1975. Những phong trào đoàn kết với Việt Nam, những người bạn khắp thế giới đã đứng lên phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình - đó là minh chứng cho sức mạnh của lòng tin và công lý.

Bà khẳng định: “Việt Nam đã giành chiến thắng không chỉ bằng sức mạnh quân sự mà còn bằng một chiến lược ngoại giao toàn diện, giàu tính nhân văn và đầy trí tuệ”.

Lúc dẫn lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời 21 câu hỏi của nhà báo Mỹ Arthur B. Steele bằng tiếng Anh vào năm 1949 - một động thái được xem là chiến lược truyền thông đối ngoại sớm, giúp thế giới hiểu đúng về bản chất cuộc kháng chiến của Việt Nam; bà nhận định: Ngoại giao Việt Nam thời kỳ đầu không chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại đơn thuần mà đã tiên phong trong việc kiến tạo hình ảnh quốc gia.

Và Việt Nam - đã định hình mình là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đấu tranh cho độc lập dân tộc, chứ không đơn thuần là một điểm nóng của chiến tranh lạnh như một số tuyên truyền phương Tây từng mô tả.

Bà Út Lý chia sẻ: “Tôi là người nghiên cứu, từng tiếp xúc rất nhiều với người dân Việt Nam. Chính lời kể, ký ức, trải nghiệm của họ đã giúp tôi hiểu sâu hơn, rộng hơn. Ban đầu tôi không biết gì cả - từ văn hóa, chính trị, hay ngoại giao Việt Nam. Nhưng bạn bè người Việt đã luôn sẵn lòng giúp đỡ, giải thích tận tình những điều tôi chưa hiểu. Nhờ thế, tôi có động lực để tìm hiểu thêm, rồi gắn bó luôn với đất nước này”.

Nỗ lực vì nền tảng ngoại giao hòa bình, vững chắc

Nếu bà Út Lý - Lady Borton là người kể câu chuyện Việt Nam (đặc biệt là giai đoạn chiến tranh) ra thế giới, thì bà Virginia B.Foote - Vini là người bạn sát cánh cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển kinh tế.

Bà Virginia B.Foote - Vini chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”
Bà Virginia B.Foote - Vini chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”

Bà Vini đã dành phần lớn cuộc đời mình cho những khu vực cần đến đối thoại. Từ chính trường, bàn đàm phán, đến các diễn đàn quốc tế.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”, bà chia sẻ:

Chúng ta không chỉ kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh, mà còn là 30 năm của điều tôi thích gọi là “sự khởi đầu của hòa bình” - khi Việt Nam và Mỹ bắt đầu xây dựng một tương lai và một mối quan hệ mới.

Với bà, Hiệp định Paris không chỉ là kết thúc của một cuộc chiến mà là khởi đầu cho một tiến trình dài, tiến trình kiến tạo lòng tin.

Bà chia sẻ: Khi đó, cấp trên của tôi - trưởng đoàn đàm phán cho Henry Kissinger và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam là những người đã đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán. Các mối quan hệ được hình thành trong quá trình đó đã trở thành nền tảng cho giai đoạn kế tiếp. Phải mất rất nhiều năm, nhưng đó chính là điểm khởi đầu cho công cuộc xây dựng một mối quan hệ mới.

Từ những cựu binh như John Kerry, John McCain - những người sẵn sàng đặt quá khứ phía sau - cho đến các nhà đàm phán, lập pháp, doanh nhân… tất cả đã cùng nhau tạo nên một mạng lưới quan hệ đan xen giữa hai quốc gia.

“Gia nhập WTO là một phần trong tiến trình đó. Sau đó là thiết lập “Đối tác toàn diện”, và giờ là “Đối tác chiến lược toàn diện” - cấp độ cao nhất trong quan hệ song phương”, bà nói.

Bà không né tránh thách thức hiện tại: Chúng ta hiện đang ở trong thời điểm khó khăn trong lĩnh vực thương mại. Chúng tôi đang cố gắng để không áp thuế với Việt Nam, không thay đổi quy tắc xuất xứ nhằm giữ thương mại song phương mạnh mẽ và lành mạnh.

“Sẽ cần điều chỉnh, và tất cả chúng ta đang cùng làm việc vì điều đó - các nhà ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp đều đang nỗ lực”, bà Virginia B.Foote - Vini khẳng định.

Bích Ngọc

 
TIN MỚI