Hai người mẹ "chia nhau thở" giành sự sống

04/02/2022 - 16:03

PNO - Mỗi máy ECMO giúp trao đổi ô-xy cho một bệnh nhân, nhưng từng có hai người phụ nữ phải “chia nhau thở” qua thiết bị ấy vào thời điểm đối diện cửa tử. Họ lấy lại sự sống một cách đầy ngoạn mục…

Buổi chiều của ngày cuối năm, Trinh đưa tay vuốt mái tóc lởm chởm, lúi húi nấu bữa tối trong căn nhà nhỏ tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM. Mấy tháng trước, chỗ tay của Trinh là những sợi tóc dài óng mượt. COVID-19 đã lấy đi suối tóc ấy, lấy luôn của cô một số ngày không còn chi tiết nào ghi lại trong vỏ não ngoài tiếng “tút tút” phát ra từ chiếc monitor theo dõi chỉ số sinh tồn. Ngày đó, chồng và gia đình nội, ngoại của Trinh gần như đã chuẩn bị tinh thần mất cô mãi mãi…

“Em vẫn tỉnh chị ạ, em sợ lắm. Trong miệng em có một cái ống thở, em cố liếc nhìn sang bên thì thấy đủ thứ máy móc, dây nhợ đang cắm vào người mình. Em không biết lúc nào là ngày, lúc nào là đêm. Em nhận ra mình sắp chết rồi, mệt quá, đau quá, chỉ thở thôi mà sao cũng đau và nặng nề tới thế”, Trinh kể, nước mắt vẫn lăn dài trên má dù ngày ấy đã trôi qua tròn năm tháng. 

Chị Nguyễn Thị Thu Trinh  bên bé Huỳnh Diệp Chung Ân
Chị Nguyễn Thị Thu Trinh bên bé Huỳnh Diệp Chung Ân

Ý định buông xuôi đã có lần chạy dọc người Trinh, nhưng mỗi lần cảm nhận sữa non chảy ướt tấm khăn phủ trên người, cô dường như nghe có tiếng gọi mình ở đâu đó. “Mình phải sống”, cô tự nhẩm trong đầu hàng ngàn lần điều ấy, cô phải sống để còn về với con, đứa con mà cô chưa từng gặp. Bốn năm hiếm muộn, chạy chữa khắp nơi, cuộc đời ấy mới đến với vợ chồng cô. Vậy mà vào những ngày cô háo hức vì sắp gặp được con mình, thì COVID-19 ập đến. Cả nhà cô đều dương tính. Ba ngày sau khi trở thành F0, cô rơi vào nguy kịch. Đứa trẻ trong bụng cô khi ấy chỉ mới 35 tuần tuổi, được các bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương mổ đem ra ngoài, lúc Trinh đã rơi vào hôn mê sâu… 

Cuối tháng 7/2021, TP.HCM bước vào đợt cao điểm của dịch bệnh, đi cùng số người nhập viện không đếm xuể là sự thiếu thốn về thiết bị chuyên dụng. Trung tâm điều trị COVID-19 - Bệnh viện Quân y 175 khi ấy chỉ có hai máy ECMO (sử dụng tuần hoàn và trao đổi ô-xy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc hô hấp nặng), đều có “chủ nhân”, trong đó có Trinh. Vậy nhưng, Trinh không phải là sản phụ duy nhất của bệnh viện đang đứng giữa lằn ranh cái chết. F0 Ngô Thị Ngọc Hoài vừa gặp rối loạn đông máu, vừa bị nhiễm trùng, sử dụng ECMO là cách cuối cùng để giằng cô khỏi tay tử thần. Các bác sĩ đã đi đến một quyết định táo bạo, sau khi tham vấn ý kiến của chuyên gia hồi sức tích cực về ECMO của Bệnh viện Chợ Rẫy, là tách đường ống thở ECMO ra làm đôi, dùng cho hai sản phụ. Nếu như nỗi đau đớn của Trinh hiện diện qua từng lần thở, thì với Hoài là sáu cuộc phẫu thuật và tiếp nhận số máu nhiều gấp bảy lần máu trong cơ thể chị.

Nhưng có lẽ, hai người phụ nữ cùng chung mục đích đấu giành sự sống, chung nỗi nhớ đứa trẻ mà mình vừa sinh ra, để vỗ về nhau, tiếp thêm nhau sức mạnh… Sức sống mãnh liệt của hai người phụ nữ hai lần đối diện cửa tử, vượt cạn và đấu tranh với COVID-19, làm ngạc nhiên chính những người đang ngày đêm điều trị cho họ. Ngày Ngọc Hoài xuất viện, các bác sĩ đùa: “Cái Hoài bây giờ chấp tất cả các loại cô-vít”. 

Xuất viện, nếu dấu ấn COVID-19 để lại trên người Hoài là mái tóc lởm chởm thì với Trinh là những bước đi xiêu vẹo cần phải có người dìu, không thể tự vệ sinh cá nhân. Đến hai tháng sau, Hoài mới có thể ăn được những món ăn mềm, nhiều nước như bún, cháo, phở… Thế nhưng, cả hai tràn đầy cảm giác sống và lòng biết ơn. Trước khi trở về với gia đình nhỏ, vợ chồng Trinh đã đặt tên cho con trai là Huỳnh Diệp Chung Ân - ghép từ tên của các bác sĩ đã điều trị cho cô. Theo Trinh, đây là cái tên nhắc nhở cô về sự sống và biết ơn người đã hồi sinh mình, đồng thời hàm chứa một khởi đầu mới, cuộc sống mới. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI