PNO - Đi qua khói lửa chiến tranh với những vết thương không thể lành, họ đã dành trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc. Sau cuộc chiến, trở lại đời thường, họ vẫn sống can trường để chống chọi với nghịch cảnh.
Rút chốt lựu đạn, sẵn sàng hy sinh
Căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Bưng Ông Thoàn, P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM, nữ thương binh 4/4 Lê Thị Liên (thường gọi là Ba Liên), 70 tuổi, ngồi lật từng trang sách và hồi tưởng về những người bạn chiến đấu một thời, cùng bà nếm trải bao khốc liệt của chiến tranh.
Nữ thương binh Lê Thị Liên ngồi xem lại những trang tin về một thời chiến đấu hào hùng
Năm 1960, ở miệt Thủ Đức, ngoại thành Sài Gòn, chứng kiến cảnh cha mình, liệt sĩ Lê Văn Xướng, bị địch kéo lê trên đường, cô bé 11 tuổi đã nung nấu quyết tâm theo cách mạng. Cuối năm 1964, 15 tuổi, Liên thoát ly vào căn cứ Vùng bưng 6 xã làm giao liên. Nhỏ con, nhanh nhẹn, ngày ngày Liên luồn rừng, bơi sông, vượt qua những đầm lầy đầy ô rô để đưa thư, dẫn đường cho bộ đội. Và ba năm sau, tròn 18 tuổi, cô giao liên ấy đã là dũng sĩ diệt Mỹ sau trận đánh kiên cường để bảo vệ căn cứ ngày 28/8/1967. Lần ấy, địch bố ráp và nhả đạn suốt từ 9g đến 16g, nhưng anh em giao liên vẫn kiên trì cầm chân địch để quân ta có đủ thời gian rút ra ngoài an toàn.
Năm 1968, trong lúc Ba Liên đang cùng một đồng đội chèo xuồng qua sông Tắc thì địch phát hiện. Chúng gọi máy bay quần thảo trên đầu và cho lính bao vây lùng sục dưới đất. Ba Liên nhảy xuống sông bơi đến một rặng bần giấu tài liệu, rồi rút chốt lựu đạn quyết sống mái với địch nếu chúng phát hiện, đến gần. “Chúng quần thảo từ trưa đến tối mịt mới chịu rút quân. Tui thả mình trôi một đoạn rồi trèo lên một cây bần khác ngồi chờ đồng đội. Anh em tới kêu í ới, bảo đang đi kiếm xác hai em”, bà Ba Liên nhớ lại.
Cùng năm 1968, sau khi được điều động đi học quân chính ở Trung ương Cục miền Nam về, Ba Liên được giao phụ trách đội nữ pháo binh cánh Thủ Đức, trực tiếp chỉ huy chị em sử dụng súng cối 82mm phối hợp cùng các đơn vị hỏa lực đánh hai trận tại ngã ba Thái Lan và khu Lồng Chảo (Đồng Nai) tiêu diệt nhiều xe tăng, xe quân sự địch. Ngày 14/4/1971, trên đường về Huyện đội Thủ Đức để nhận công tác mới, Ba Liên bị địch bắt và bắt đầu những ngày tháng bị giam cầm, tra tấn tàn bạo qua các trại tù Biên Hòa, Cần Thơ, Phú Tài. Vết thương chiến tranh hằn sâu lên cơ thể bà, có nhiều chỗ sẹo chồng lên sẹo.
Đầu năm 1973, được trao trả sau Hiệp định Paris, Ba Liên trở về Thủ Đức cầm súng chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 4. Ngày 28/4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tiểu đoàn 4 nhận lệnh đánh chiếm cầu - xa lộ Sài Gòn. Địch phản kích dữ dội. Dưới đất có biệt động quân rải đạn, dưới sông tàu chiến bắn lên, trên trời trực thăng dội xuống, nhưng Tiểu đoàn 4 của bà vẫn chiến đấu ngoan cường. Bà rưng rưng nhớ lại người đồng đội luôn sát cánh với bà đã hy sinh trong trận chiến đấu ấy: “Nên bị bắn, ruột đổ ra ngoài. Tui chạy vô nhà dân mượn cái tô sạch úp lên rồi lấy khăn quấn lại cho bạn. Nhưng Nên còn nhỏ, không cầm cự nổi, đã hy sinh ngày 29/4, chỉ còn một ngày nữa là Sài Gòn được giải phóng”.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ba Liên trải qua nhiều cương vị công tác ở Thủ Đức, Bộ Tư lệnh thành, rồi về làm Phường đội trưởng P.11, Q.Phú Nhuận. Từng được cấp nhà ở Q.Phú Nhuận nhưng bà đã từ chối để nhường cho những anh em cần hơn. Tôi hỏi vui “có tiếc không?”, bà cười thủng thẳng: “Đi chiến đấu, tuổi trẻ còn chẳng tiếc, của cải vật chất chỉ là phù du thôi con ơi”.
Ở tuổi 70 với 52 năm tuổi Đảng, bà Ba Liên hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến P.Phú Hữu, thỉnh thoảng vẫn đi nói chuyện với học sinh về một thời hoa lửa. Bà tâm tình: “Mình có cơm ăn áo mặc là vẫn còn may mắn. Nhiều đồng đội không được thấy ngày hòa bình và nhiều người bây giờ vẫn còn cơ cực. Mong sao thế hệ trẻ luôn nhớ và dành nhiều sự chăm lo hơn cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng”.
Một đời kiên cường
Suốt tám năm qua, bên bếp cơm nghĩa tình P.Bình Trưng Đông, Q.2 luôn có bóng dáng bà Võ Thị Kim Em, 69 tuổi, nữ thương binh 3/4. Bà là một trong số sáu cán bộ, hội viên phụ nữ đặt nền móng cho bếp nghĩa tình từ những đồng tiền ít ỏi nhờ thu gom ve chai vào cuối năm 2011.
Ban đầu, bếp chỉ đỏ lửa vào sáng thứ Bảy hằng tuần với khoảng 100 suất cháo phục vụ người già neo đơn, trẻ suy dinh dưỡng. Về sau, nhiều nhà hảo tâm biết đến, chính quyền địa phương ghi nhận và hỗ trợ nên bếp chuyển sang nấu cơm vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần với số lượng tăng dần lên đến 300 suất/bữa.
Trải qua nhiều năm, giờ đây bếp (đặt tại Ban Điều hành khu phố 5, P.Bình Trưng Đông, Q.2) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của anh phụ hồ, chị ve chai, em bé bán vé số và bà Kim Em cũng trở thành người quen thuộc. Nhìn vóc dáng cùng nụ cười luôn thường trực trên môi, khó ai hình dung được cuộc đời nữ thương binh này đã trải qua biết bao giông tố, thậm chí có lúc gia đình đã phải chuẩn bị hậu sự cho bà.
Bà Kim Em trồng, chăm sóc các loại cây, rau để quên đi những cơn đau thể xác
Bà Kim Em là con thứ tám trong gia đình có chín người con gái ở xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ba bà mất sớm. Để nuôi giấu bộ đội, mẹ bà phải ngụy trang thành người buôn bán hàng rong. Cũng nhờ vậy, từ bé Kim Em đã quen theo chân mẹ gánh hàng rong với cơm nắm bó chặt vào hai chân để tiếp tế cho bộ đội.
Bà kể, hồi đó, ám hiệu của mỗi nhà, mỗi xóm đều khác nhau. Riêng nhà bà, tối nào địch tới thì má đón đằng trước, con ra đằng sau cầm đèn pin bấm ba lần. Là giao liên nằm vùng, Kim Em phải tỏ tường đặc điểm của từng nhà, có bao nhiêu người với già trẻ, gái trai, dâu rể… để lỡ khi gặp lính thì cứ thong dong xách giỏ “thưa má, thưa ngoại con đi chợ về”.
Năm 1968, sau khi chuyển thư khẩn vào cứ, Kim Em bị thương phải cắt bỏ một khúc ruột và khâu tám mũi trên cánh tay phải.
Gia đình bà Kim Em có nhiều thế hệ theo cách mạng. Bà ngoại bà là Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Sảnh, có ba con trai hy sinh cho đất nước. Mẹ bà là Nguyễn Thị Hai, bảy lần bị địch bắt giam, tra tấn. Bản thân bà cũng bị địch bắt năm 1974 cùng với mẹ, chị thứ năm và em thứ chín.
Đất nước thống nhất, Kim Em trở về địa phương chỉ huy bao thanh niên đi nạo vét kênh mương, làm đường giao thông nông thôn rồi nên duyên với một anh bộ đội.
Năm 1982, vợ chồng bà lên Sài Gòn mua mảnh ao nhỏ ở P.Thảo Điền, Q.2, rồi lấp đất cất nhà. Chồng xin làm thủ kho. Còn bà, ngày làm việc trong nhà máy, tối về lại đan giỏ cói, bán đồ ăn ở các chợ chồm hổm. “Nghĩ mình cố gắng bền bỉ rồi sẽ có ngày vui, nào ngờ năm 2001 lại mắc bệnh ung thư. Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị đã nếm trải hết rồi. Nhà bên Thảo Điền phải bán để chữa bệnh, còn chút ít thì về P.Bình Trưng Đông mua miếng đất, cất nhà. Nhưng nỗi đau vẫn không buông tha. Năm 2005, lúc tui đang kiệt sức, thì đứa con trai 23 tuổi bị tai nạn mất. Tôi suy sụp hoàn toàn, vào bệnh viện cấp cứu liên miên. Chồng con đã nghĩ đến việc lo mộ phần cho tôi…” - bà Kim Em nghẹn ngào.
Bà bị ung thư vú, còn chồng bị ung thư đại tràng, nhưng vợ chồng họ vẫn đang gồng gánh nuôi hai cháu nội, ngoại và sống đầy lòng tự trọng. Hằng ngày bà Kim Em vẫn đi phụ bán hàng quán, giúp việc, trồng rau, nuôi gà… để kiếm thêm thu nhập. Những lúc rảnh rỗi bà lại sang phụ bếp cơm nghĩa tình. Chị Nguyễn Thị Bảy - người em tại bếp cơm tình nghĩa - nói: “Bà Kim Em là một phụ nữ kiên cường mà chữ nghĩa không thể diễn tả nổi”. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội LHPN Q.2 - bộc bạch: “Nữ thương binh Kim Em là tấm gương mà thế hệ đi sau soi vào để dặn lòng phải sống tốt hơn, làm nhiều việc ý nghĩa hơn cho đời”.