Đứng trên căn gác của ngôi mới vào ở cạnh Nhà văn hóa Làng Rồng (thị trấn Thuận An huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) nếu bạn đặt tầm mắt nhìn về phía con đường bê tông nhỏ dẫn vào ngôi làng Rồng sẽ thấy có một sự “thay da đổi thịt” ở ngôi làng này.
Không như trước đây, cứ đến mỗi mùa lũ ở xứ Huế, dân làng Rồng thường bỏ xứ vào Nam mưu sinh. Bây giờ đời sống bà con đã khấm khá, có nhiều hộ còn cất được căn nhà mới khai trang. Nhiều chị em phụ nữ ngày trước theo nghề buôn thúng bán bưng bên bãi biển Thuận An nay đã chuyển sang làm nghề bánh ép tại nhà.
|
Đường vào làng Rồng ở thị trấn Thuận An |
Nhớ lại ký ức đau thương của 20 năm trước, chị Đinh Thị Vẫn - người đàn bà mất chồng trong đợt lũ lịch sử nghẹn lời. Lau vội nước mắt khi đón đoàn do ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghé thăm vào sáng 3/1, chị Vẫn xúc động kể: “Năm đó con em mới 26 tuổi, vợ chồng đã có một cháu nhỏ, lũ dữ đã cuốn chồng em ra biển, rồi không hẹn này về."
"May mắn nhờ bà con xóm làng đùm bọc, hôm nay cuộc sống gia đình tái định cư ở làng Rồng đã bước qua những tháng ngày khốn khó. Dù làm nghề thợ hồ rồi đi thêm bước nữa, nhưng hiện tại cũng đủ lo áo, cho mấy đứa con đi học. Có đứa lớn đã đi làm xa cũng biết chung tay gánh vác việc nhà, giúp mẹ nuôi em”- Chị Vẫn chia sẻ.
|
Đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế ghé thăm nhà chị Vẫn trong sáng 3/11 |
Riêng đối với gia đình chị Hường, anh Trần Thu, một hộ dân “đặc biệt” ở làng Rồng khi gia đình này có 12 người chết trong đêm định mệnh năm ấy. Thời gian đã lùi xa, song ký ức về đêm 2/11/1999 khi đập Hòa Duân bị vỡ vẫn day dứt, ám ảnh đối với hai anh chị.
Đêm đó nhà anh chị mất 12 người thân trong gia đình gồm bố mẹ, bốn anh em trai, hai chị dâu và bốn người cháu. Phải mất một khoảng thời gian dài, chị Hường, anh Thu mới tìm được đầy đủ thi thể của người thân bị sóng biển cuốn trôi dạt vào bờ để đưa về quê hương an nghỉ.
|
Chị Hường xúc động khi nhớ về cảnh mất 12 người thân trong đêm mưa lũ khi đập Hòa Duân bị vỡ |
Trận lũ đi qua để lại nỗi đau quá lớn đối với gia đình anh Trần Văn Thu và các hộ dân từng sống trên đập Hòa Duân. Mọi người ở đây mất hết nhà cửa, tài sản tích góp lao động suốt bao năm, chỉ còn lại bộ quần áo để mặc ở trên người.
Căn nhà tái định cư ở làng Rồng được nhà nước cấp sau lũ, nay là nơi chị Hường và anh trai Trần Thu thờ 12 người thân trong gia đình.
|
Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thắp nén nhang lòng tại nhà anh Trần Văn Thu ở Khu tái định cư làng Rồng, gia đình có 12 người chết trong đợt lũ lịch sử 1999 |
Hôm nay đi giữa làng Rồng thấy được những người như anh Thu, Chị Hường sau 20 năm đã tạm quên những giọt nước mắt đau buồn trong quá khứ để hướng về cuộc sống trong hiện tại ai cũng phấn khởi.
Bởi những con người ở làng biển, trước mặt phá Tam Giang luôn hiện hữu sự chân tình, hiền hòa. Trong khó khăn luôn biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Vượt lên những mất mát, thiếu thốn của những ngày đầu, cuộc sống của người dân làng Rồng hôm nay đã có những khởi sắc với những ngôi nhà mới vươn cao.
Toàn bộ Làng Rồng hiện có 64 hộ gia đình với 276 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
|
Một góc làng Rồng nhìn từ trên cao |
Trở lại thăm bà con làng Rồng ngày hôm nay, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng nhắc đến trận lũ lịch sử năm 1999 đối với mỗi người dân Thừa Thiên-Huế là một ký ức buồn. Trong đó câu chuyện về làng Rồng với nhiều kỷ niệm thương đau nhưng cũng đầy sự khâm phục trước ý chí vươn lên của bà con nơi đây.
Tên làng Rồng do cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đặt vì làng được hoàn thành vào năm Canh Thìn 2000 và cũng gửi gắm niềm tin, mong muốn người dân Hòa Duân sẽ mạnh mẽ vượt qua những mất mát đau thương, hướng về một tương lai tươi sáng hơn.
|
Thắp nhang kính viếng AHLLVTND Đại Úy Phạm Văn Điền và Trung sĩ Lê Đình Tứ tại Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế, hai liệt sĩ đã hy sinh khi tham gia cứu người trong đợt lũ lịch sử 1999 tại đập Hòa Duân |
Trải qua một biến cố lớn như thế, nhìn thấy bà con có cuộc sống ổn định như hôm nay là điều rất đáng mừng. Cơn lũ năm 1999 là một bài học lớn trong công tác phòng chống bão lũ, thiên tai cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vì vậy trong những năm qua, tỉnh đã luôn nỗ lực và triển khai nhiều phương án phòng chống, chủ động ứng phó với thiên tai. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, luôn coi trọng việc lồng ghép xây dựng phát triển KTXH gắn với phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Cách đây 20 năm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trải qua một trận lũ lịch sử diễn ra từ ngày 1 đến 4/11 năm 1999 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Toàn tỉnh có 373 người chết, 2556 căn nhà bị nước cuốn trôi, bình quân lúc cao điểm mỗi giờ nước lũ dâng 1m. Riêng đập Hòa Duân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang trước đây chỉ là một eo nhỏ với bề mặt rộng khoảng 15m, chiều dài khoảng vài trăm mét, nằm giữa khu đầm phá Tam Giang và biển Đông. Sinh sống trên thân đập thời điểm đó có 64 hộ dân với 274 nhân khẩu. Chỉ trong một đêm, trận lũ xảy ra vào đầu tháng 11/1999 đã cuốn trôi tất cả nhà cửa, tài sản và 14 người dân sống trên đập Hòa Duân ra biển. Nước lũ đã “xóa sổ” con đập tạo thành một cửa biển lớn. |
Thuận Hóa