Hai miền Triều Tiên nhất trí mở cửa lại KCN Kaesong

07/07/2013 - 10:57

PNO - PNO – Nhà chức trách Hàn Quốc hôm 7/7 cho biết, hai miền Triều Tiên đã đồng ý về nguyên tắc việc mở cửa trở lại KCN chung Kaesong – biểu tượng cuối cùng của sự hòa giải liên Triều. Thỏa thuận này đạt được sau cuộc đàm phán...

Hai mien Trieu Tien nhat tri mo cua lai KCN Kaesong

Ông Suh Ho (phải), Trưởng đoàn đàm phán cấp chuyên viên của Hàn Quốc, gặp đối tác Triều Tiên Park Chol-Su
tại làng đình chiến Panmunjom ngày 6/7 - Ảnh: AFP

Các quan chức đàm phán đã đồng ý "phục hồi hoạt động của các công ty" trong KCN Kaesong "khi hoàn tất công việc chuẩn bị”, theo một thỏa thuận được hai bên cùng ký sau cuộc đàm phán gấp rút vừa kết thúc sáng sớm Chủ nhật (7/7).

KCN Kaesong được xây dựng năm 2004 và nằm sâu trong lãnh thổ Triều Tiên, cách giới tuyến khoảng 10km. KCN này được coi như một biểu tượng hiếm hoi của sự hợp tác liên Triều, vẫn duy trì hoạt động qua những thăng thầm trong mối quan hệ giữa hai miền.

Kaesong bị đóng cửa sau khi miền Bắc rút 53.000 người lao động khỏi 123 nhà máy do Seoul đầu tư trong KCN giữa lúc căng thẳng quân sự leo thang hồi tháng 4/2013.

Hai bên sẽ thảo luận cách thức mở cửa trở lại Kaesong, cũng như biện pháp ngăn ngừa một bên đơn phương đóng cửa KCN này, tại cuộc đàm phán dự kiến tổ chức vào ngày 10/7 tại KCN, thỏa thuận chung nêu rõ.

Hai bên cũng đồng ý cho phép các doanh nhân Seoul đến thăm nhà máy của họ ở Kaesong để kiểm tra máy móc nhà xưởng từ 10/7 tới, bên cạnh việc lấy thành phẩm và nguyên liệu cũng là một yêu cầu quan trọng của các chủ doanh nghiệp.

Triều Tiên sẽ đảm bảo an toàn đi lại cho các nhà quản lý Hàn Quốc và xe cộ của họ khi thực hiện việc kiểm tra KCN, thỏa thuận nói.

Một quan chức giấu tên dẫn lời hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết: "Hầu hết các nhu cầu Hàn Quốc đưa ra đều được phản ánh trong thỏa thuận đã ký".

Ông Suh Ho, trưởng đoàn đàm phán của Seoul nói với Yonhap rằng, các quan chức Triều Tiên "rất nhiệt tình" trong cuộc đàm phán làm sống lại KCN Kaesong - một nguồn ngoại tệ quan trọng đối với Bình Nhưỡng.

VIỆT HƯNG (Theo AFP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI