Hai mẹ con bị “giam lỏng” tại Việt Nam chờ… xử ly hôn

26/07/2016 - 13:48

PNO - Không được thông báo về việc mình bị cấm xuất cảnh, nên khi đến sân bay Tân Sơn Nhất để qua Singapore làm việc và học tập, chị B.T.T.G. và con gái đã bị chặn lại ở sân bay.

Do không được thông báo về việc mình bị cấm xuất cảnh, nên khi đến sân bay Tân Sơn Nhất để qua Singapore làm việc và học tập sau thời gian nghỉ hè ở Việt Nam, chị B.T.T.H. và con gái đã bị chặn lại ở sân bay. Sự việc bất ngờ này đã khiến phải mất tiền vé máy bay, bị kẹt lại ở VN, nguy cơ mất việc làm và con gái chị bị lỡ khóa học hè dù đã đóng tiền.

Chờ ly hôn, bị cấm xuất cảnh

Chị H. kết hôn với ông Q. năm 2003, sinh được một con gái. Do mâu thuẫn, cuối năm 2011 hai người ly thân, tách bạch tài sản. Tài sản chung cũng đã được thỏa thuận êm xuôi và chia trong thời điểm này. Tháng 10/2015, chị H. được một tập đoàn hàng tiêu dùng (nơi chị làm giám đốc vùng) cử sang Singapore làm việc ba năm. Tháng 12/2015, chị đưa con gái sang Singapore sinh sống và học tập.

Trong thời gian này, ông Q. vẫn tỏ thái độ hòa nhã với chị H., thường xuyên qua Singapore thăm con. Khoảng tháng 4/2016, ông Q. qua nhà chị H. ở Singapore, phát hiện được chứng từ cho thấy chị H. có một khoản tiền lớn trong tài khoản. Tháng 5/2016, ông Q. nộp đơn ở TAND Q.1 xin đơn phương ly hôn, đồng thời đề nghị tòa cấm chị H. xuất cảnh với lý do “đang trong thời gian chờ ly hôn, chị H. đã tẩu tán tài sản chung ra nước ngoài và đang rao bán hai căn nhà, đang hoàn tất thủ tục xuất cảnh, trốn tránh nghĩa vụ phân chia tài sản”.

Hai me con bi “giam long” tai Viet Nam cho… xu ly hon
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Thực tế, số tiền lớn ông Q. nêu trên là số dư tài khoản của chị H. từ tháng 12/2014, trong tài khoản trung chuyển mà chị H. đứng tên, một phần được chuyển đi ngay trong vòng vài tháng sau đó thông qua một hợp đồng phụ với đối tác tại Việt Nam và một phần là tiền vay mượn để đầu tư của chị H. Đồng thời, đó là khoản tiền được chuyển vào tài khoản ở Singapore, nên không thể khẳng định chị H. tẩu tán tài sản từ VN qua Singapore. Các chứng từ của ngân hàng cho thấy rõ điều đó. Đó không phải là tiền của chị H., càng không phải là tiền được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân nên ông Q. không có căn cứ liên quan đến số tiền này. Riêng hai căn nhà mà ông Q. cho là chị H. đang rao bán cũng chẳng liên quan đến ông Q., vì là hai căn nhà chị H. sở hữu riêng, có đầy đủ giấy tờ chứng minh điều đó.

Thế nhưng, chẳng hiểu sao, ngay sau yêu cầu của ông Q., TAND Q.1 đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm xuất cảnh đối với chị H., theo khoản 12, điều 102 và điều 115 Bộ luật Tố tụng dân sự. Quyết định này được ban hành ngày 14/6, nhưng mãi đến 22/6 mới đến được tay chị H. Vì không biết mình bị cấm xuất cảnh, ngày 17/6, chị cùng con gái ra sân bay và bị giữ lại.

Quyết định của tòa có phù hợp?

Bức xúc, ngày 24/6, chị H. gửi đơn khiếu nại đến TAND Q.1 về việc cấm xuất cảnh. Không thấy trả lời, ngày 4/7, chị tiếp tục nộp đơn khiếu nại nhưng mãi đến ngày 15/7, TAND Q.1 mới mời chị lên làm việc. Theo luật sư Lê Thị Hoài Giang (Đoàn Luật sư TP.HCM), khoản 2, điều 125 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, đơn khiếu nại phải được trả lời trong vòng ba ngày.

Điều 115 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án được tòa án giải quyết”.

Tuy nhiên, chưa có căn cứ nào cho thấy đương sự (chị H.) thực hiện hoặc không thực hiện điều gì ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Q. trong vụ án. Đến thời điểm này, ông Q. cũng không trưng ra được bằng chứng nào về việc có chuyển tiền cho chị H. hoặc bằng chứng về việc chị H. tẩu tán tài sản. Chị H. bức xúc: “TAND Q.1 ra quyết định cấm tôi xuất cảnh mà không hề liên lạc với tôi để lấy lời khai hay xác minh gì cả ”.

Tập đoàn hàng tiêu dùng, nơi chị H. làm việc cũng đã gửi công văn đến thẩm phán TAND Q.1 yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm xuất cảnh để chị H. quay lại Singapore làm việc. Tài khoản ngân hàng của chị H. cũng được minh bạch. Dù chị H. đã gửi đủ chứng cứ về việc vừa nêu đến TAND Q.1 nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Chị chua xót: “Tôi không vi phạm pháp luật, đây đơn thuần chỉ là vụ kiện về hôn nhân gia đình, nhưng việc bị cấm xuất cảnh đã khiến tôi có nguy cơ bị mất việc ở Singapore, con gái tôi thì bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề vì không được quay lại học hè, gặp gỡ bạn bè cũng như có nguy cơ không được nhập học ngôi trường cháu yêu thích chỉ vì mẹ cháu bị buộc phải ở lại Việt Nam”.

Trong buổi làm việc với chị H. vào chiều 15/7, dù chị H. cam kết với tòa, nếu được xuất cảnh qua Singapore, chị sẽ có mặt bất cứ lúc nào khi tòa triệu tập; nếu sợ việc chị đưa con đi sẽ ảnh hưởng đến thi hành án (nếu ông Q. giành được quyền nuôi con) thì chị chấp nhận để con lại, qua Singapore một mình; nếu sợ khó triệu tập chị trong phiên tòa ly hôn, tòa có thể xử vắng mặt chị và trong thời gian này, tòa có thể phối hợp với chị để xác minh tài sản, phong tỏa tài sản (nếu cần), gửi thư triệu tập qua Singapore cho chị hoặc gửi thư đến luật sư của chị tại TP.HCM, nhưng thẩm phán Mai Xuân Bình (Chánh án TAND Q.1) vẫn không chấp thuận rút quyết định cấm chị H. xuất cảnh.

Ngày 15/7, trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, thẩm phán Mai Xuân Bình cho rằng, sau khi nhận được yêu cầu của ông Q., tòa đã gửi thư mời đến chị H. nhưng không nhận được phản hồi, nên buộc phải khẩn cấp ra quyết định tạm cấm chị H. xuất cảnh để xác minh, thu thập thông tin phục vụ cho phiên tòa xử ly hôn, chia tài sản. Khi được hỏi: “Tại sao chị H. đã trưng ra nhiều chứng cứ cho thấy chị không có dấu hiệu tẩu tán tài sản cũng như không phải bỏ trốn ra nước ngoài, nhưng tòa không xem xét để chọn một phương án ít ảnh hưởng đến cuộc sống mẹ con chị H. hơn”, thẩm phán Bình nói gọn: “Chúng tôi chỉ làm theo pháp luật”.

Ông Bình cũng chỉ cam kết, sẽ cố gắng tiến hành vụ xử ly hôn, chia tài sản trong thời gian sớm nhất để chị H. được xuất cảnh trở lại. Thực tế ai cũng biết, khó có thể xử nhanh gọn một vụ ly hôn, chia tài sản, nếu xử xong mà một trong hai bên kháng cáo, cần phải xử ở cấp cao hơn, khi đó, chị H. chẳng khác nào bị “giam lỏng” ở VN với lệnh cấm xuất cảnh, khả năng mất việc đã thấy ngay trước mắt.

Tòa có quyền đưa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong trường hợp trên, tòa không sai, nhưng với thực tế vụ việc, theo tôi, tòa không cần đưa ra quyết định này. Bởi, việc xuất cảnh qua Singapore của chị H. là rõ ràng, hợp pháp. Chị ấy xuất cảnh để làm việc, không có dấu hiệu bất thường, không ảnh hưởng đến tiến độ hoặc gây cản trở đến phiên tòa tranh chấp tài sản giữa chị H. và ông Q.

Đến ngày 4/7, chị H. cũng đã nộp giấy ủy quyền cho luật sư riêng của mình tại VN, nên tòa hoàn toàn có thể làm việc trực tiếp với luật sư (người đại diện) của chị ấy. Riêng phiên tòa xử ly hôn giữa chị H. và ông Q., tòa vẫn có thể xử vắng mặt chị. Như vậy, dù đã đưa ra quyết định tạm thời ngăn chặn chị H. xuất cảnh, căn cứ vào điều kiện thực tế hiện thời, tòa có thể rút lại quyết định đó.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI