Hai mặt của lá cần sa

01/08/2016 - 21:02

PNO - Tạp chí nhi khoa JAMA Pediatrics số ra tuần qua đã công bố một kết quả khảo sát đáng lo ngại: từ năm 2014, khi bang Colorado hợp pháp hóa việc mua và sử dụng cần sa, số trẻ em bị ngộ độc đã tăng đáng kể.

Trong hai năm 2015-2016, có 87 trẻ em từ chín tuổi trở xuống nhai nuốt, hít phải khói cũng như các loại phơi nhiễm khác khi tiếp xúc với cần sa trong gia đình. Trong khi đó, tính chung bốn năm trước khi hợp pháp hóa cần sa, chỉ có 76 trường hợp tương tự. Những triệu chứng trẻ gặp phải là buồn ngủ và ngủ lịm (49%), chóng mặt (12%), kích động (8%), nôn ói (5%) và co giật (3%).

Hai năm đầu sau khi hợp pháp hóa cần sa, có 32 ca nhập viện tại BV nhi Colorado, trong khi suốt bốn năm trước đó chỉ có 30 ca. Một nghiên cứu khác, công bố tại Colorado năm 2015 ghi nhận sự gia tăng các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến cần sa, gia tăng các ca nhập viện, học sinh phải nghỉ học, các vụ nổ phòng thí nghiệm và ngộ độc vật nuôi. Chưa kể, các ca cấp cứu liên quan đến cần sa cũng tăng 57% từ năm 2011 đến 2013.

Colorado là một trong ba tiểu bang, gồm Washington và Oregon, đã hợp pháp hóa việc bán cần sa cho mục đích tiêu khiển. Người Mỹ còn có thể hút cần sa hợp pháp ở Alaska và thủ đô Washington D.C., vốn là những nơi chưa cho phép bán tự do cần sa. Thực tế, cần sa y tế đã được hợp pháp hóa sử dụng ở 24 tiểu bang (có Colorado và Washington D.C.). Việc sử dụng cần sa đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi ở Mỹ. Thậm chí, một khảo sát mới đây đối với học sinh trung học cho thấy, số thiếu niên dùng cần sa còn nhiều hơn so với hút thuốc lá. Tình trạng này xuất phát từ việc nhận thức cần sa không có hại. Người ta đã phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia y tế rằng, người hút cần sa từ tuổi thiếu niên bị quên nhiều từ vựng hơn trong sử dụng ngôn ngữ khi bước vào tuổi trung niên.

Hai mat cua la can sa
Kẹo có thành phần cần sa được trưng bày tại Viện điều trị bệnh bằng cần sa ở Denver - Ảnh: DENVER POST

Trước tình hình trên, năm 2015 tiểu bang Colorado đã ban hành luật buộc các sản phẩm cần sa phải được bán trong bao bì kín, tránh cho trẻ em tiếp xúc trực tiếp. Năm nay, Thống đốc tiểu bang John Hickenlooper lại ký một dự luật cấm sản xuất cần sa dưới hình dạng người, động vật hoặc trái cây - một nỗ lực nhằm ngăn chặn trẻ em hiểu lầm đó là kẹo dẻo. Tiến sĩ George Sam Wang, Phó giáo sư ĐH Colorado cho biết: “Các tiểu bang khác, nếu thông qua luật hợp pháp hóa cần sa, thì trước tiên phải nghĩ đến các biện pháp bảo vệ trẻ em”.

Trên phạm vi liên bang, cần sa vẫn là sản phẩm bất hợp pháp, bị cấm vận chuyển giữa các tiểu bang. Theo Cơ quan quốc gia về cải cách luật cần sa (NORML), tháng 11 tới, năm tiểu bang California, Nevada, Arizona, Massachusetts và Maine sẽ bỏ phiếu hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa trong dân chúng. Việc hợp pháp hóa này cũng giống như tự do mua bán súng đạn ở Mỹ, đều có hai mặt, nạn nhân vẫn chính là gia đình những người đòi hỏi tự do cá nhân.

Cần sa, tên khoa học là Cannabis (tên khác là gai dầu, tài mà, gai mèo, lanh mèo, lanh mán, đại ma, hỏa ma, bồ đà) là một chi thực vật có xuất xứ Trung Á, tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng lân cận. Đây là loại cây có hoa bao gồm ba loài: Cannabis sativa L., Cannabis indica Lam. và Cannabis ruderalis Janisch. Cannabis từ lâu đã được gieo trồng để lấy sợi, hạt, dầu gai dầu và được dùng để trị bệnh hoặc sử dụng như một loại chất ma túy.

Thanh Vân (Theo CNN, Denver Post, USA Today, New York Times, Norml.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI