Hai liều vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca có hiệu quả cao trong việc chống lại biến chủng Delta

22/07/2021 - 08:50

PNO - Hai liều vắc xin COVID-19 của Pfizer hoặc AstraZeneca đều đạt hiệu quả cao trong việc chống lại biến thể Delta.

Các quan chức cho biết, hai liều vắc xin có hiệu quả cao đối với biến thể Delta - hiện là biến thể thống trị trên toàn thế giới - đồng thời nhắc lại rằng một mũi vắc xin không đủ để bảo vệ cá nhân khỏi COVID-19.

Nghiên cứu công bố hôm 21/7 trên Tạp chí Y học New England xác nhận những phát hiện do Bộ Y tế công cộng Anh đưa ra hồi tháng 5 về hiệu quả của vắc xin COVID-19 do Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca sản xuất, dựa trên dữ liệu thế giới thực.

Báo cáo cho thấy, hai liều tiêm Pfizer có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa ca bệnh có triệu chứng do nhiễm biến thể Delta, giảm nhẹ so với mức 93,7% đối với biến thể Alpha (biến thể được phát hiện lần đầu tại Anh).

Hai mũi vắc xin AstraZeneca có hiệu quả 67% đối với biến thể Delta và 74,5% đối với biến thể Alpha, cao hơn so với ước tính ban đầu lần lượt là 60% và 66%.

“Chỉ có sự khác biệt khiêm tốn về hiệu quả của hai liều vắc xin khi so sánh giữa biến thể Alpha và biến thể Delta”, các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo.

Dữ liệu từ Israel cho thấy hiệu quả thấp hơn của mũi tiêm Pfizer đối với ca bệnh có triệu chứng, mặc dù khả năng bảo vệ chống lại ca bệnh nặng vẫn khá cao.

Cá nhân cần tiêm đủ hai liều vắc-xin Pfizer hoặc AstraZeneca để được bảo vệ trước biến thể Delta
Cá nhân cần tiêm đủ hai liều vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca để được bảo vệ trước biến thể Delta

Cơ quan Y tế công cộng Anh trước đây ước tính liều đầu tiên của một trong hai loại vắc xin trên có hiệu quả khoảng 33% đối với ca bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta. Riêng nghiên cứu đầy đủ mới công bố cho thấy một liều vắc xin Pfizer có hiệu quả 36% và một liều vắc xin AstraZeneca có hiệu quả khoảng 30% đối với biến thể Delta.

Các tác giả cho biết thêm: “Phát hiện của chúng tôi về việc hiệu quả của vắc xin sẽ giảm sau liều đầu tiên sẽ hỗ trợ nỗ lực tối đa hóa việc tiêm đủ hai liều vắc xin đối với các nhóm dân cư có nguy cơ lây nhiễm cao, trong bối cảnh biến thể Delta lưu hành rộng rãi”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, biến thể Delta là nguyên nhân gây ra 83% tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiết lộ, biến thể Delta được xác định đã có mặt ở 124 quốc gia và dự kiến ​​sẽ là chủng virus thống trị trên toàn thế giới trong vòng vài tháng tới.

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI