Hái lá được tiền

13/01/2025 - 14:38

PNO - Bọn trẻ con không quan tâm những mối lo được hay thất mùa như người lớn. Chúng chỉ biết sắp đến những ngày kéo nhau ra đồng hái lá tính tiền.

Lặt lá mai mùa tết - Ảnh do nhân vật cung cấp
Lặt lá mai mùa tết - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tháng Chạp, xe tải đã ngày đêm rầm rộ chở mai trên con đường trước nhà. Khách ở xa lâu lâu đến chơi khen làng hoa nhộn nhịp. Dân trong xóm thở dài, nói năm nay đã vào mùa lâu rồi vẫn chưa thấy đông thương lái hỏi thăm. Bao nhiêu công sức, vốn liếng cả năm gom góp đổ dồn hết vào mai. Đưa được cây hoa lên phố càng nhiều thì tết ở đây càng vui. Ngày xuân mà thấy hoa mai nở vàng rợp trời khắp đầu thôn cuối xóm là biết nhà nhà đã trải qua một năm khốn khó.

Để giúp mai bung cánh đồng loạt đúng dịp tết, mọi người cần thúc nhanh quá trình rụng lá bằng cách vặt trụi lá vào đúng ngày đã định. Thời gian lặt lá mai chỉ diễn ra chóng vánh trong khoảng 1 tuần, tùy tình trạng mỗi cây. Cả xóm phải huy động già trẻ lớn bé chung tay mới mong kịp tiến độ. Công lao động tính theo giờ hoặc theo từng gốc mai. Nếu chịu khó làm thêm vào ban đêm sẽ được trả cao hơn. Đây là dịp ai cũng có thể kiếm ít tiền nên làng xóm vui như hội.

Bọn trẻ con không quan tâm những mối lo được hay thất mùa như người lớn. Chúng chỉ biết khi gió lạnh thổi về là sắp đến mùa cây mai trút lá đơm hoa, sắp đến những ngày kéo nhau ra đồng hái lá tính tiền. Hôm nào tan trường sớm, cả đám mặc nguyên đồng phục, ùa xuống các ruộng mai, rộn rã nói cười, chỉ một loáng là góc ruộng xanh mênh mông chỉ còn trơ những cành nâu. Mọi người gọi đùa các em là “đàn châu chấu”.

“Đàn châu chấu” làng mai ngày xưa như thế và bây giờ vẫn vậy. Mỗi mùa tết đến, tôi và đám bạn trang lứa lặt lá mai thuê cho vườn nhà mình và các nhà lân cận. Người lớn bận bịu thu hoạch lúa ngoài đồng nên họ treo mảnh giấy tiền công vào từng gốc mai rồi mở sẵn cửa cổng. Tùy theo cây nhỏ hay lớn, lá ít lá nhiều mà chủ nhà cân nhắc giá công lặt lá.

Sau bữa sáng vội, chúng tôi ghé từng nhà, mỗi đứa tự chọn cây mai yêu thích, ghi tên mình vào mảnh giấy giá tiền rồi vừa chơi vừa làm, thi nhau xem ai lặt lá giỏi hơn. Biết lũ con nít háo hức với tiền do chính chúng kiếm được, người lớn thường để dành những tờ bạc bóng sáng, mới tinh trả cho chúng tôi. Có mấy đứa còn quá nhỏ để biết giá trị của tiền. Chỉ mấy tờ bạc lẻ mà chúng vẽ ra kế hoạch sẽ theo mẹ mua hết cả cái chợ tết.

Mùa mai năm nào tôi cũng bị gia đình chọc cho phát khóc. Chăm chỉ lặt hết lá mai vườn nhà xong mà đợi mãi không có ai tính chuyện tiền nong. Hỏi má, má nói ăn cơm nhà, làm việc nhà, sao phải lấy tiền. Hỏi bà, bà bảo sẽ giữ giùm, đợi khi nào cháu 18 tuổi mới trả. Phải kiên trì, năn nỉ, giận hờn, trách móc và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc tôi mới có thể… đòi được tiền công. Rất nhiều năm sau, khi lớn lên, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm xúc ngây thơ chân thật đó. Cho nên, khi mẹ tôi lặp lại trò chơi với cháu, tôi liền nhắc ngay chuyện cũ. Người lớn nghĩ đó là lời ghẹo vui, trẻ con vô tư tổn thương thật. Mấy đứa cháu được giải tỏa tâm lý, năm nào cũng háo hức đợi mùa về.

Thời tiết và tình hình kinh tế có vẻ không thuận lợi đối với mùa hoa mai năm nay. Nhưng dù sao thì đến hẹn lại lên, các chủ vườn vẫn phải “thay áo mới” cho cánh đồng. Bọn trẻ con làng mai vẫn vô tư bàn tính kế hoạch làm thêm ngoài giờ. Đứa cháu tôi ấp ủ mong ước năm nay sẽ mua được 2 bộ đồ chơi lắp ráp từ tiền công lặt lá. Từ mấy tháng trước, cháu đã lên kế hoạch, xung phong chịu trách nhiệm 4 chậu mai ở sân nhà. Cháu cười tít mắt: “Con muốn tự kiếm tiền và cũng muốn được thưởng”. Tết ở đây luôn đến sớm, bắt đầu rộn ràng từ những ngày chưa chớm vào xuân như thế.

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI