Hài hước cho vui nhà

17/12/2023 - 06:26

PNO - Bất kỳ chuyện gì xảy ra trong gia đình, kể cả xung đột, anh luôn soi rọi, đối diện bằng góc nhìn hài hước và cách nói chuyện “xàm xí đế”.

 

Gia đình anh Quốc Huy - chị Mỹ Tiên và con gái
Gia đình anh Quốc Huy - chị Mỹ Tiên và con gái

Trong mắt nhiều người, anh Đặng Quốc Huy - 30 tuổi, nhân viên một bệnh viện - là người ít nói, nghiêm túc. Thế nhưng khi ở nhà, anh lại là “thánh hài”. Bất kỳ chuyện gì xảy ra trong gia đình, kể cả xung đột, anh luôn soi rọi, đối diện bằng góc nhìn hài hước và cách nói chuyện “xàm xí đế” - như lời chị Trương Thị Mỹ Tiên -  vợ anh nói. 

Anh Huy có 3 cái mê mà vợ anh rất ghét: nhậu, nuôi gà đá và đá banh. Sự trái khoáy này đã bao lần đẩy đôi vợ chồng trẻ vào tình thế đối đầu. Vậy mà, bằng cái sự “xàm xàm” của người bạn đời, vợ chồng họ đã lướt qua xung đột nhẹ tênh.

Sáng thứ Sáu, trước khi đi làm, anh Huy nhận cảnh báo của vợ: “Tối nay chở Muối đi coi phim đó, làm sao coi được thì làm nghen”. Huy tỉnh bơ: “Mỹ Tiên ơi, em đã sâu sắc rồi em đừng liếc như vậy. Mẹ con em muốn đi tới thiên đường anh cũng ok, nói chi coi phim”. Chị Tiên lại liếc nhẹ: “Bạn Huy nói được thì làm được nghen”.

Tối đó, tới giờ xem phim, anh Huy đến Hùng Vương Plaza và gọi điện cho vợ: “Mỹ Tiên, anh tới rạp và mua vé sẵn. Em chở con tới, coi phim xong chở anh về nghen Mỹ Tiên. Em may mắn lắm mới được chở chồng nghen. Còn nếu em muốn anh chở em về thì em mang theo 7,5 triệu đồng nộp phạt công an, lỡ họ kêu vô thổi nồng độ cồn nghen”. 

Nhà phố chật chội nhưng anh Huy thích nuôi gà, chăm sóc, trò chuyện với gà như con. Thấy vợ liếc và lầm bầm “tối ngày gà gà”, anh Huy tỉnh rụi: “Ngày xưa anh chỉ có Mỹ Tiên, còn nay anh có Mỹ Kê (gà). Em đừng nói em ghen với chiến kê của anh nghen Mỹ Tiên”. Những lúc đó, chị Tiên chỉ biết cười trừ. 
Cũng như bao gia đình khác, bất đồng, mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân của vợ chồng chị Tiên cũng xuất hiện.

Có những tháng không cuối tuần nào anh Huy ở nhà - lúc thì đi trực, lúc đi học nâng cao, lúc đi nhậu, lúc “đi thi đấu” (đem gà đi “xổ” đá thử) khiến chị Tiên bực bội: “Chỉ có mỗi ngày cuối tuần mà không ở nhà phụ vợ con gì hết”. Anh Huy đáp trả: “Mỹ Tiên ơi, cả ngày anh có làm gì đâu. Anh đưa đón con đi học, anh quét nhà, lau nhà, giặt đồ, phơi đồ, xếp quần áo. Mỹ Tiên muốn anh làm gì nữa? Mỹ Tiên muốn anh bồng bế Mỹ Tiên đi siêu thị luôn không? Mỹ Tiên nói một tiếng anh làm liền”. 

Mỗi lần đối diện với sự hờn trách, cáu giận của vợ, anh Huy vẫn giữ vẻ bình thản và đối đáp tỉnh bơ. Khi chị Tiên trách chồng về ôm điện thoại, ít chơi với con, anh Huy đáp: “Mỹ Tiên có biết bữa nay con ăn cơm đổ mấy hột và cơm dính trên áo hay trên quần không Mỹ Tiên? Chớ anh biết hết nghen. Anh hỏi nhẹ Mỹ Tiên, Mỹ Tiên biết trường mới của con ở đâu không?”. Chị Tiên cười lỏn lẻn: “Tại mình đi làm xa, đi sớm, về muộn, chứ không phải đi làm gần như bạn, bạn ơi”. 

Kế nhà chị Tiên là vợ chồng chị Phương - anh Thịnh, chị họ của anh Huy (cũng ở quận Bình Tân, TPHCM). Đôi vợ chồng này siêu khắc khẩu. Anh Thịnh đặt vợ là “chằm dằm chúa” vì hay giận và thường thể hiện nét mặt không vui. Nhưng anh Thịnh cũng có thuốc giải hiệu nghiệm là… xàm. Chị Phương luôn khó chịu với đam mê đá banh của chồng, vì anh Thịnh thường đi đá banh, có khi đá giao hữu ở tỉnh; trong khi chị Phương phải chăm 2 con nhỏ - đứa 26 tháng, đứa 10 tháng.

Mỗi lần xin “quota” đi đá banh, anh Thịnh “diễn tiểu phẩm”: “Mẹ Cám ơi, mẹ Cám trộn hạt thanh long với hạt mè đi, Tấm lựa xong rồi cho Tấm đi đá banh nghen”. Chị Phương hứ: “Đi đá banh miết giờ chân cẳng dấu chấm, dấu phẩy mà không sợ”. Anh Thịnh bĩu môi nhìn vợ, giọng cường điệu: “Ngày xưa bà mê tui, vì tui là cầu thủ đẹp trai, phong độ. Giờ lấy xong bà chê tui chấm, phẩy. Bà định qua đường hả?”.

Chị Phương dù đã quá quen với anh chồng xàm, nhưng mỗi tình huống anh Thịnh lại có cách diễn khác nhau khiến chị bất ngờ bật cười, quên cả cơn giận. Có lần, chị Phương không cho anh Thịnh đi đá banh ở Vũng Tàu, anh Thịnh bỗng ngồi phịch xuống, quơ tay, giậm chân “sao y bản chánh” nết ăn vạ của cậu con trai hơn 2 tuổi: “Em không cho anh đi, anh giãy tới mai luôn”.

Ảnh mang tính minh họa - Master1305
Ảnh mang tính minh họa - Master1305

Vừa nói, anh Thịnh vừa ra bộ giãy đành đạch. Chừng 5 phút sau, thấy cơn ăn vạ của chồng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chị Phương lắc đầu: “Diễn sâu quá ông ơi, muốn đi đâu thì đi, nhớ đừng về trễ quá”. Anh Thịnh bật dậy như lò xo, hôn 2 cậu con trai, nói nhỏ: “Làm đàn ông sợ vợ vất vả lắm con ơi”. Chị Phương bật cười: “Tối ngày đi đá banh là sợ dữ chưa?”. 

Áp lực công việc, nỗi lo cơm áo gạo tiền, chăm sóc con nhỏ, mỗi người có thú đam mê riêng… là những khó khăn, thử thách với nhiều gia đình trẻ. Những sự chưa thấu hiểu, đôi khi mất kết nối tạm thời giữa vợ chồng anh Huy, anh Thịnh đều được đôi bên đặt ra và giải quyết. Điểm khác biệt của anh Huy, anh Thịnh là giải quyết mâu thuẫn, sự khác biệt bằng cái “xàm hài hước” của mình.

Họ không tranh cãi, giải thích, thuyết phục hoặc bỏ qua khi vợ chưa hiểu mình, mà dùng sự hài hước để thay lời muốn nói. Trên hết, 2 người vợ hiểu được, ẩn sau cái xàm của 2 ông chồng là con người nghiêm túc, trách nhiệm với gia đình nên những va đập trong hôn nhân được họ vượt qua nhẹ nhàng. 

Thùy Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI