Nước sinh hoạt dễ ô nhiễm do qua bể ngầm
Công nghệ xử lý nước sinh hoạt từ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm hiện cơ bản đang hoạt động hiệu quả, tin cậy. Tuy nhiên, chất lượng nước sau khi xử lý vẫn có thể bị ảnh hưởng. Khả năng tái ô nhiễm, nhiễm khuẩn có thể do mạng lưới phân phối nước cũ, hỏng hoặc bị rò rỉ, dẫn đến bị tác nhân bên ngoài xâm nhập.
Nước sạch ở chung cư trước khi phân phối đến các căn hộ thường được dự trữ ở bể ngầm. Đây là nơi nước sạch dễ bị tái nhiễm nếu bể chứa không được xây dựng và quản lý đúng chuẩn.
Để khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm, nhiễm khuẩn, chưa đạt chuẩn cần phải khảo sát, phân tích, đánh giá cụ thể từng nơi, từng địa điểm. Tuy nhiên, có 3 nhóm giải pháp chính.
Giải pháp về hành chính: tuân thủ nghiêm pháp luật hiện hành về sản xuất, phân phối, tiêu thụ nước sạch; hoàn thiện các quy định về quản lý theo hướng làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
Giải pháp kinh tế - kỹ thuật: tiếp tục hiện đại hóa công nghệ sản xuất nước sạch theo hướng tự động hóa giám sát, điều khiển quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ.
Cuối cùng, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thế Đồng - Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam
Phải lấy mẫu kiểm định ở nhiều vị trí
Qua nội kiểm - ban quản lý chung cư tự kiểm tra chất lượng nước định kỳ hoặc khi người dân phản ánh - chúng tôi cũng chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan về màu sắc, mùi vị. Kết quả chính xác hơn cần ngoại kiểm bởi các đơn vị chuyên môn. Với quy định 6 tháng kiểm định 1 lần, ban quản lý phải lấy mẫu nhiều vị trí. Đầu tiên, chúng tôi lấy mẫu nước thủy cục trước, rồi lấy mẫu trong hồ ngầm, hồ trên mái và mẫu bất kỳ từ vòi tại căn hộ.
Qua các lần kiểm định mẫu nước sinh hoạt từ tháng 5 đến tháng 7/2024, chúng tôi nhận thấy cùng vị trí lấy mẫu, kết quả ngoại kiểm các mẫu “đạt” rồi lại “không đạt”, mâu thuẫn nhau. Sự khác biệt này do phương pháp thử nghiệm giữa các đơn vị khác nhau.
Ví dụ, Viện Pasteur TPHCM thực hiện bằng phương pháp thử nghiệm TCVN 6187-1:2019. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quatest 3) kiểm định bằng phương pháp thử ISO 9308-1:2024/Amd 1:2016. Trong khi đó, Sở Y tế TPHCM lại kiểm định bằng phương pháp xét nghiệm TCVN 6187-1:2019 và TCVN 8881:2011.
Kết quả đợt 4 ngày 9/7, nước tại bể ngầm đạt tiêu chuẩn theo kiểm định của Viện Pasteur TPHCM và một số mẫu chưa đạt, cụ thể là bồn nước sân thượng và tầng 10 block A2.
Do đó, ban quản lý có cơ sở đề xuất ban quản trị thay thế gấp đường ống luân chuyển nước cấp ngang từ block A1 sang A2 bằng ống nhựa PPR thay cho ống sắt tráng kẽm hiện hữu. Đường ống này đã sử dụng lâu năm, trong thành ống có nhiều cặn bám. Đồng thời, lắp đặt van khóa giữa 2 bồn nước để tiện dụng khi vận hành, dễ khóa cô lập 1 bên.
Ban quản lý cũng đề xuất thay thế đường ống sắt dẫn nước từ bể ngầm lên bồn sân thượng block A1; đồng thời mời đơn vị chuyên môn nội soi hình ảnh bên trong đường ống cấp vào bể ngầm, trục ống cấp lên, hệ ống luân chuyển ngang, trục ống cấp xuống. Theo các chuyên gia, đường ống trong 1 năm không được vệ sinh sẽ có lớp cặn bẩn bám dính dày từ 0,5 - 1mm trong thành ống. Chính lớp cặn bẩn này là nơi lý tưởng cho các loại vi khuẩn như coliform phát triển.
Thạc sĩ Phạm Thị Nhớ - Trưởng ban quản lý chung cư The Mansion, TPHCM
Siết chặt công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu
Việc cải thiện chất lượng nước sinh hoạt tại chung cư cần có sự chặt chẽ, minh bạch trong quản lý, giám sát từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung cấp nước có đủ năng lực vốn, nghiệp vụ. Đồng thời, việc thay đổi và nâng cấp các bồn chứa nước cũ, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật là điều cần thiết.
Có thể áp dụng một số giải pháp. Thứ nhất, siết chặt công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu hệ thống cấp nước. Cần có tiêu chuẩn rõ ràng, gồm việc chọn vật liệu an toàn, thiết kế đường ống chống rò rỉ và bảo đảm an toàn vệ sinh. Bảo đảm các nhà thầu thi công tuân thủ đúng quy trình và tiêu chuẩn an toàn.
Cần có quy định bắt buộc việc kiểm tra định kỳ trong quá trình thi công và sau khi hoàn thành, đặc biệt đối với các đường ống và thiết bị lưu trữ nước.
Công tác nghiệm thu sau khi hoàn thành phải chặt chẽ, bảo đảm hệ thống cấp nước đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng. Đơn vị nghiệm thu cần độc lập và có chuyên môn để đánh giá một cách khách quan.
Thứ hai, cần thay đổi cách quản lý hệ thống cấp nước tại chung cư. Thay vì để ban quản trị hoặc ban quản lý chịu trách nhiệm phân phối và cấp nước, có thể xem xét để các đơn vị cung cấp nước chuyên nghiệp thực hiện. Điều này sẽ bảo đảm chất lượng nước được kiểm soát và xử lý bởi đơn vị có chuyên môn.
Các đơn vị cung cấp nước chuyên nghiệp có kinh nghiệm và quy trình bảo đảm chất lượng nước, bao gồm kiểm tra định kỳ chất lượng nước, vệ sinh bồn chứa, bảo trì hệ thống. Họ cũng có thể nhanh chóng phát hiện và khắc phục sự cố khi có phát sinh.
Ban quản trị, ban quản lý nên tập trung vào việc giám sát, đánh giá dịch vụ của nhà cung cấp nước, đồng thời báo cáo và yêu cầu cải thiện nếu có vấn đề.
Thứ ba, tăng cường giám sát và minh bạch thông tin. Các báo cáo kiểm tra định kỳ về chất lượng nước nên được công khai cho cư dân. Ban quản trị dành ngân sách để đầu tư trang thiết bị hiện đại phát hiện sớm các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý trực tuyến là điều cần thiết. Xây dựng quy trình cấp nước an toàn cũng cần được tính đến.
Ngoài ra, cần từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại chung cư, bổ sung chế tài xử lý nghiêm nhằm tăng sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, ngành y tế địa phương đối với công tác ngoại kiểm định kỳ và kiểm tra đột xuất chất lượng nước sinh hoạt. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sự cố liên quan.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM
Hướng dẫn cư dân cách xử lý khi gặp vấn đề về nước sạch
Ngoài đơn vị vận hành, cư dân tại chung cư nên vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị như máy lọc nước, bồn cầu, bồn tắm, máy nước nóng... để loại bỏ cặn bẩn và tăng hiệu suất hoạt động của thiết bị. Người dân cũng cần kiểm tra, sửa chữa các đường ống nước bị rò rỉ để tránh mất nước, nguy cơ ô nhiễm nước, bảo đảm nước máy trong căn hộ luôn sạch sẽ, an toàn.
Cư dân cần được hướng dẫn cách xử lý, thông báo cho đơn vị vận hành khi phát hiện các vấn đề liên quan đến chất lượng nước, từ đó có biện pháp khắc phục, cải thiện một cách hiệu quả, nhanh chóng.
Việc phổ biến những biện pháp sử dụng nước tiết kiệm cũng góp phần bảo vệ chất lượng nước nên ban quản lý cần có các buổi sinh hoạt, cũng như có tài liệu hướng dẫn sử dụng nước đúng cách. Cung cấp đầu mối liên hệ để cư dân liên lạc khi phát hiện hoặc nghi ngờ nguồn nước có vấn đề, nhằm xử lý sớm, tránh gây bất tiện, ảnh hưởng sức khỏe cư dân.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, để kiểm soát an toàn nguồn nước sinh hoạt tại chung cư cần tăng cường giám sát và quản lý chất lượng nước.
Trước hết, cần siết chặt công tác thiết kế, giám sát quá trình thi công, xây dựng và nghiệm thu công trình cấp nước tại chung cư sao cho đủ về lưu lượng, áp lực, chất lượng nước theo nhu cầu sử dụng của tòa nhà, cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng và quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Bên cạnh đó, ban quản lý, ban quản trị, chủ đầu tư... cần quan tâm công tác giám sát chất lượng nước trong suốt thời gian vận hành chung cư. Theo đó, vệ sinh đường ống cấp nước sinh hoạt, bể chứa nước hằng tháng, phối hợp với y tế địa phương, thực hiện nội kiểm chất lượng nước sinh hoạt, sau đó thông báo công khai cho người dân, người quản lý.
Cơ quan quản lý cần hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng nước sinh hoạt, thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các chung cư, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi cố tình làm ô nhiễm nguồn nước.
Quốc Ngọc - Phạm An - Hoàng Minh