Bồn chứa không đạt chuẩn gây ô nhiễm
Số liệu năm 2023 của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, thành phố có khoảng 1.521 chung cư (chưa bao gồm quận 3 và 8 do không gửi báo cáo). Hiện không thiếu quy định về quản lý chất lượng nguồn nước, bao gồm quy định về quản lý nguồn nước sạch sinh hoạt chung cư. Trong đó, Thông tư 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 14/12/2018 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sinh hoạt quy định nước sinh hoạt ở chung cư phải nội kiểm mỗi tháng 1 lần và ngoại kiểm mỗi năm 1 lần.
|
Bên dưới một bể chứa nước ngầm của chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân) - Ảnh: H.L. |
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - việc quản lý chất lượng nước sinh hoạt của chung cư trên thực tế có thể không đạt do thiếu sự chặt chẽ và minh bạch trong quản lý. Nội kiểm thường do các doanh nghiệp cung cấp nước hoặc đơn vị quản lý chung cư thực hiện. Việc giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều chung cư không tuân thủ quy định.
Quy chuẩn bồn chứa nước ở chung cư bao gồm việc sử dụng vật liệu chất lượng cao như thép không gỉ, inox hoặc composite lớp ghép; bồn chứa cần được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nhưng thực tế, nhiều chung cư vẫn sử dụng bồn chứa nước không đạt tiêu chuẩn, dẫn đến nhiều vấn đề về chất lượng nước.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Hợi - Phó giám đốc Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ đầu tư Song Ngọc - cho hay, hiện nay, việc thực hiện nội kiểm nguồn nước sinh hoạt ở chung cư do ban quản trị hoặc đơn vị quản lý vận hành, chủ đầu tư (đối với chung cư chưa bàn giao cho ban quản trị) thực hiện, lấy mẫu nước đưa đi kiểm nghiệm tại các trung tâm, viện… Theo quy định, tần suất nội kiểm thử nghiệm đối với thông số chất lượng nước sạch nhóm A không ít hơn 1 lần/tháng, với nhóm B là không ít hơn 1 lần/6 tháng. Tuy nhiên, việc quản lý lấy mẫu nội kiểm chưa có quy định rõ ràng, chưa có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, vì vậy vẫn còn nhiều bất cập…
Việc thiết kế, xây dựng các bể ngầm, bể trên mái chứa nước được thực hiện theo Thông tư số 03/2021 của Bộ Xây dựng và Quy chuẩn Việt Nam 04: 2021/BXD (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư), Quy chuẩn Việt Nam 01:2021/BXD (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng), các yêu cầu về kỹ thuật quy định trong Quy chuẩn hệ thống cấp thoát nước cho nhà và công trình. Thế nhưng, việc giám sát chất lượng công trình xây bể chứa nước tập trung tại các khu chung cư, nhà cao tầng, khu đô thị có phần bị buông lỏng.
Quá trình thẩm định phê duyệt và nghiệm thu các công trình bể chứa nước tập trung mới được nhìn nhận ở góc độ công trình xây dựng. Trong khi những công trình này mang tính chất đặc thù của đơn vị cấp nước.
Thực tế, có nhiều bể ngầm được xây dựng bằng vật liệu không phù hợp, dễ bị rò rỉ, không có mái che. Đặc biệt, công tác duy tu, bảo trì bảo dưỡng định kỳ bể chứa và hệ thống đường ống chưa được thực hiện thường xuyên, tích tụ nhiều cặn bẩn, bùn đất, không bảo đảm chất lượng.
Quan tâm giám sát chất lượng nước
Kỹ sư Đặng Vĩnh Lượm - Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật giải pháp An Gia - cho biết, quy trình cấp nước từ thủy cục vô hầm chứa, từ đó bơm lên bồn chứa sân thượng rồi dẫn xuống từng căn hộ phải theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, còn có quy định súc rửa vệ sinh 6 tháng/lần đối với hầm ngầm, bồn nổi, nhiệm vụ này là của ban quản lý. Nhưng do quá trình này quá khó khăn về mặt kỹ thuật nên đa số chung cư chỉ thực hiện 1 năm/lần.
Theo ông, đa số bồn chứa nước đặt trên sân thượng dùng chất liệu inox ít nguy cơ, chính các hầm chứa nước ngầm mới nhiều vấn đề. Chung cư nào có hầm chứa được lát gạch men thì chất lượng nước sẽ ổn hơn những nơi có hầm chứa được đổ bê tông hoặc ốp gạch nung vì rất dễ nhiễm vi sinh do bị thấm ngược từ bên ngoài. Với các hầm, bể hay bồn chứa nước bị nhiễm vi khuẩn E coli thì kinh nghiệm cho thấy Coliform chính là vi khuẩn sản sinh ra từ hệ thống đường ống nước bằng kim loại bị gỉ sét. Các chung cư sau này dùng ống nhựa nguy cơ ít hơn. Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan hệ thống phòng cháy chữa cháy. Các ống nước bằng kim loại thường khoảng 10 năm là có dấu hiệu hoen gỉ trong khi việc cải tạo không dễ, phải làm đồng bộ toàn chung cư.
Một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước là kết cấu công trình. Hồ chứa ngầm có khi bị nứt, gãy do kết cấu, chất lượng thi công, nền móng… Tất cả phụ thuộc khâu tư vấn giám sát thi công, năng lực nhà thầu. Vấn đề kết cấu còn là hệ thống xử lý nước thải. Nhiều chung cư đặt bể xử lý nước thải gần hầm chứa nước sinh hoạt nên nguy cơ nhiễm bẩn luôn hiện hữu. Về lý thuyết, nước thải sẽ không thấm qua nhưng điều đó chỉ đúng khi chất lượng thi công cao.
Nếu cơ quan chức năng giám sát tốt, chủ đầu tư làm đúng các quy chuẩn của Nhà nước thì các hạn chế nói trên đã được giải quyết ngay từ đầu. Vấn đề là trong giai đoạn thi công đã không đúng quy chuẩn nhưng vẫn được nghiệm thu, đưa vào vận hành.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Hợi cho rằng, các chủ đầu tư, ban quản trị hay đơn vị quản lý vận hành cần có trách nhiệm đối với hệ thống đường ống, đặc biệt quan tâm giám sát chất lượng nước sinh hoạt. Định kỳ hằng tháng phải thực hiện nội kiểm và thông báo công khai kết quả cho cư dân. Trung tâm y tế quận, huyện thực hiện đánh giá ngoại kiểm ít nhất 1 lần/năm.
Ngoài ra, chủ đầu tư, ban quản trị các tòa nhà phải định kỳ thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng, vệ sinh các bể chứa nước tập trung. Súc rửa, ngâm Clo hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt, đặc biệt sau những lần dịch bệnh hay sửa chữa hệ thống. Tránh tình trạng chỉ khi xảy ra sự cố mới tiến hành xử lý, sửa chữa…
Có quy định, nhưng đơn vị quản lý có tuân thủ hay không? Nhiệm vụ bên cung ứng nước chỉ đến đồng hồ nước của chung cư, và sau đồng hồ nước là nhiệm vụ của chủ đầu tư, ban quản trị/ban quản lý chung cư (khoản 1 điều 39 Nghị định 117/ 2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch). Bộ Xây dựng đã ban hành các yêu cầu về quy định kỹ thuật rất cụ thể trong việc thiết kế, xây dựng các bể ngầm, bể trên mái chứa nước, cũng như cách vận hành đường nước trong chung cư. Thông thường, các ban quản trị chung cư sẽ thuê một đơn vị đứng ra quản lý, vận hành và phân phối nước sinh hoạt đến các hộ dân. Trong trường hợp các bể chứa ngầm và bể chứa nước ở trên cao của các chung cư không được che đậy kín, công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ các bể chứa nước và hệ thống đường ống cấp nước bên trong chung cư không được thực hiện thường xuyên sẽ dẫn đến đường ống đóng cặn, phát triển các màng vi sinh, thậm chí có xác côn trùng hay sinh vật chết… khiến chất lượng nước kém đi và dễ bị thâm nhập thêm các mầm bệnh, dịch bệnh nhất là sau khi có dịch bệnh hay các hoạt động sửa chữa. Có quy định, nhưng đơn vị quản lý, vận hành có tuân thủ hay không? Đó là một chuyện khác. Ông Trần Công Lễ - Phó giám đốc kinh doanh Công ty Cấp nước Phú Hòa Tân Thu Lê (ghi) |
Bài cuối: Giải pháp bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt ở chung cư
Quốc Ngọc