Hãi hùng nước sinh hoạt ở chung cư - Bài 1: Nước “sạch” nhưng không đạt chuẩn chất lượng

13/11/2024 - 06:01

PNO - Sau đợt ngoại kiểm (kiểm tra độc lập) chất lượng nước chung cư ở TPHCM vào tháng 9 và 10/2024, nhiều cư dân hoảng hốt khi biết lâu nay mình xài nước bẩn. Tự kiểm tra, họ bàng hoàng khi thấy đường ống dẫn nước bị gỉ sét, bồn chứa nước đóng lớp cặn dày…

Các mẫu kiểm tra của cơ quan y tế xác định, nguồn nước sinh hoạt ở chung cư không đạt chất lượng, không an toàn. Bằng mắt thường, cư dân cũng dễ dàng nhận thấy nước mà họ dùng hằng ngày có màu vàng khè.

Nước uống vàng như nước trà

Mấy tháng qua, cư dân ở chung cư Akari City (quận Bình Tân, TPHCM) hết sức bức xúc về chất lượng nước sinh hoạt ở đây. Một số cư dân đã kêu gọi bãi nhiệm ban quản trị, tẩy chay ban quản lý chung cư. Theo kết quả kiểm định nước do Trung tâm Y tế quận Bình Tân công bố hồi tháng 9/2024, nước ở chung cư này không đạt chỉ số pseudomonas aeru (trực khuẩn mủ xanh). Thế nhưng, từ lúc có kết quả đến nay (giữa tháng 11/2024), nước sinh hoạt ở một số hộ vẫn vàng như nước trà.

Dùng khẩu trang bịt vòi nước sinh hoạt trong căn hộ của mình rồi xả nước, 15 phút sau, anh V. - ở tòa nhà AK1, chung cư Akari City - chìa cho chúng tôi xem lớp vải trắng bị chuyển sang màu vàng và sau 40 phút, miếng vải chuyển sang màu nâu đậm, có cặn đọng lại. “Cư dân kêu cứu mấy tháng qua nhưng không bên nào giải thích nguyên nhân nước sinh hoạt có màu vàng như nước pha trà” - anh nói.

Những thứ bên trong bồn chứa nước ở chung cư Ehome 3, quận Bình Tân, TPHCM khiến nhiều người rùng mình ẢNH: H.L.
Những thứ bên trong bồn chứa nước ở chung cư Ehome 3, quận Bình Tân, TPHCM khiến nhiều người rùng mình - Ảnh: H.L.

Cư dân ở chung cư Picity High Park (phường Thạnh Xuân, quận 12) cũng liên tục phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt có màu lạ và gây kích ứng da. Chị Hoài Thương - cư dân ở đây - cho biết, trước đây, gia đình chị dùng nước máy để nấu ăn, nấu uống, 2 con nhỏ thường xuyên bị ngứa, viêm da mà chị không hiểu tại sao. Nghe hàng xóm phàn nàn về chất lượng nước, chị lấy bông vải trắng bọc vào vòi nước xem thử thì sau 1 ngày, miếng bông chuyển sang màu nâu đen. Do đó, từ tháng 8/2024, chị phải lắp hệ thống lọc vào đường cấp nước chính của căn hộ, lại còn gắn thêm bộ lọc riêng ở từng vòi và mua thêm 1 máy lọc để có nước nấu ăn, nấu uống.

Quan sát bộ lọc tổng ở nhà chị Thương, chúng tôi thấy lõi lọc đen ngòm, bên trong có một số côn trùng như lăng quăng, trùn. Chị cho biết, cứ 2 tuần, chị thay lõi lọc 1 lần nhưng hiện tượng này vẫn thường xuyên tiếp diễn. Mỗi lần thay lõi lọc nước, gia đình chị tốn 300.000 đồng, nghĩa là tiền thay lõi lọc hằng tháng cao hơn nhiều so với tiền sử dụng nước.

Lõi lọc nước trước khi thay (bên trái) và sau khi lắp vào bộ lọc vài ngày (bên phải) của một hộ trong chung cư Picity High Park có màu khác hẳn nhau - ẢNH: VŨ QUYỀN
Lõi lọc nước trước khi thay (bên trái) và sau khi lắp vào bộ lọc vài ngày (bên phải) của một hộ trong chung cư Picity High Park có màu khác hẳn nhau - Ảnh: Vũ Quyền

Anh H.Q. - cư dân ở Picity High Park - cho hay, tình trạng nước bị vàng khá phổ biến nhưng mẫu nước do ban quản lý chung cư gửi đi kiểm tra vẫn đạt chuẩn chất lượng. Ngược lại, khi dân tự lấy nước nhà mình đi kiểm định thì kết quả không đạt.

Đại diện ban quản lý chung cư này khẳng định, thường xuyên vệ sinh bồn chứa, ống nước và gửi báo cáo công khai cho cư dân, thậm chí còn súc rửa đường ống nước cho từng căn hộ: “Ban quản lý đã hỗ trợ hết sức mình cho tất cả cư dân rồi. Không có một ban quản lý nào làm được điều đó hết”. Thế nhưng, theo một số hộ, đến tháng 11/2024, nước sinh hoạt vẫn có màu vàng đục và chưa được giải thích thỏa đáng.

Ống nước gỉ sét, bồn nước đóng cặn

Trung tâm Y tế quận Bình Tân xác nhận, qua ngoại kiểm chất lượng nước ở 3 cụm của chung cư Ehome 3, quận Bình Tân hồi cuối tháng 8/2024, kết quả đều không đạt chất lượng, cụ thể là về chỉ số coliform tổng (chỉ số độ tinh khiết dựa trên lượng vi khuẩn chứa trong phân) và pseudomonas aeru. Cùng với việc công bố kết quả kiểm tra, Trung tâm Y tế quận Bình Tân cũng yêu cầu các ban quản trị, ban quản lý ở chung cư này súc rửa hồ chứa trên mái và dưới đất theo hướng dẫn và kiểm nghiệm lại.

Cư dân chung cư Akari City lắp đầu lọc ở vòi nước và rất lo lắng khi thấy đầu lọc chuyển sang màu vàng nâu chỉ sau 1 tuần, có khá nhiều tạp chất ẢNH: TRẦN NINH
Cư dân chung cư Akari City lắp đầu lọc ở vòi nước và rất lo lắng khi thấy đầu lọc chuyển sang màu vàng nâu chỉ sau 1 tuần, có khá nhiều tạp chất - Ảnh: Trần Ninh

Sau khi cho súc rửa các bồn chứa nước, ban quản lý các cụm của chung cư Ehome 3 đã gửi mẫu nước đến Viện Pasteur TPHCM kiểm định. Kết quả, nước ở bể chứa ngầm và nhà dân đều có các chỉ tiêu đạt quy chuẩn. Thế nhưng, không lâu sau đó, cư dân ở chung cư này lại thấy nước sinh hoạt ở đây có màu vàng. Cư dân ở cụm C cho biết, đường ống dẫn nước tại đây bị gỉ sét. Ban quản lý cụm đã gửi công văn đề nghị chủ đầu tư thay đường ống dẫn nước trong chung cư nhưng đến ngày 10/11, đường ống vẫn chưa được thay.

Ngoài chung cư Ehome 3, Trung tâm Y tế quận Bình Tân cũng lấy 70 mẫu để ngoại kiểm nước tại 35 điểm chung cư. Kết quả, có đến 48 mẫu (68,5%) không đạt. Có 29 điểm chung cư chất lượng nước không đạt, chủ yếu là các chỉ số như coliform tổng, pseudomonas aeru, escherichia coli (E.coli)…

Lõi lọc nước của một hộ dân sống trong chung cư Picity High Park đổi màu chỉ sau vài ngày - ẢNH: VŨ QUYỀN
Lõi lọc nước của một hộ dân sống trong chung cư Picity High Park đổi màu chỉ sau vài ngày - Ảnh: Vũ Quyền

Từ tháng 8 - 10/2024, trung tâm y tế cấp quận ở TPHCM đồng loạt cho ngoại kiểm nước với kết quả là chất lượng nước ở nhiều chung cư không đạt.

Đại diện Trung tâm Y tế quận 10 cho biết, qua kiểm định 28 mẫu nước từ hồ chứa ngầm chung cư và căn hộ, kết quả, có 2 mẫu nước không đạt chỉ số pseudomonas và coliform. Trung tâm Y tế quận Tân Phú ngoại kiểm 12 mẫu nước lấy từ 12 chung cư, kết quả là 5/12 mẫu không đạt chất lượng. Trung tâm Y tế quận 12 ngoại kiểm 20 mẫu nước lấy từ 10 chung cư, kết quả là 9/20 mẫu nước của 5 chung cư không đạt chất lượng. Lấy 4 mẫu nước từ 2 chung cư để ngoại kiểm, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè cho biết, mẫu nước từ khu lưu trú công nhân khu công nghiệp Hiệp Phước không đạt chỉ tiêu coliform tổng.

Tháng 9/2024, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cũng ngoại kiểm nguồn nước sinh hoạt, bao gồm kiểm tra độ pH, độ đục, đo clo dư và 4 thông số vi sinh bao gồm coliform, E.coli, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh. Kết quả, 48 mẫu thử nghiệm đều có các chỉ số đạt chuẩn. Tuy nhiên, đa số mẫu nước hồ lấy từ các chung cư không đạt thông số đo tại hiện trường về clo dư tự do. Trung tâm đã yêu cầu ban quản lý các chung cư phải súc xả hồ nước định kỳ và súc xả đột xuất nếu có sự cố về chất lượng nước.

Chị Hoài Thương - ở tòa C3.2, chung cư Picity High Park - chỉ cho chúng tôi xem giun, lăng quăng đang ngọ nguậy trong bộ lọc nước mới thay lõi lọc được 2 tuần - ẢNH: VŨ QUYỀN
Chị Hoài Thương - ở tòa C3.2, chung cư Picity High Park - chỉ cho chúng tôi xem giun, lăng quăng đang ngọ nguậy trong bộ lọc nước mới thay lõi lọc được 2 tuần - Ảnh: Vũ Quyền

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - cho biết, các chung cư được khảo sát thuộc nhóm ngẫu nhiên, được khảo sát định kỳ hằng năm. Với những chung cư có mẫu nước chưa đạt chuẩn, trung tâm sẽ hướng dẫn cách xử lý, cụ thể là vệ sinh định kỳ, đậy nắp kỹ, kiểm tra bồn chứa thường xuyên. Trường hợp chung cư sử dụng nước thủy cục, nếu nguồn nước này không đạt chuẩn thì phải báo cáo ngay để được xử lý. Nhưng dù nước có đạt chuẩn hay không, cư dân cũng nên “ăn chín, uống sôi” để phòng ngừa vi sinh vật có hại cho sức khỏe.

Tác hại và cách ứng phó khi nước sinh hoạt bị bẩn

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TPHCM - trong nguồn nước thường có rất nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh cho người. Tuy nhiên, việc xét nghiệm tìm tất cả các loại vi khuẩn gây bệnh là rất tốn kém, nên người ta thường chọn ra một số loài vi sinh vật như E.coli, coliform, clostridium và pseudomonas để xác định nguồn nước bị nhiễm bẩn. Ngoài ra, trong nguồn nước, có thể có các loài vi sinh vật gây bệnh đường ruột khác như salmonella, campylobater, vi khuẩn gây bệnh dịch tả...

Trong đó, các vi khuẩn như coliform, pseudomonas ít nguy hiểm đối với người khỏe mạnh nhưng có thể gây bệnh về đường tiêu hóa cho người suy giảm miễn dịch hoặc trẻ em. Vi khuẩn clostridium thường chỉ có khả năng sinh sản ở môi trường kị khí, nhưng do trẻ nhũ nhi có sức đề kháng yếu, vi khuẩn này vẫn có thể sinh sản trong đường ruột của trẻ và tiết ra độc tố gây nguy hiểm cho trẻ. Như vậy, để đảm bảo sức khỏe, người dân cần phải đun sôi nước trước khi sử dụng, nhằm tránh các loài vi khuẩn gây bệnh.

Ngoài các vi sinh vật trên, trong nước cũng có các ion kim loại như sắt, chì, đồng… Sắt là nguyên tố cần thiết cho cơ thể nhưng thừa sắt lại không tốt. Chỉ số sắt cao trong nước cho thấy nước sinh hoạt chưa được xử lý tốt hoặc đã được xử lý nhưng vẫn còn bị nhiễm bẩn trong quá trình chảy từ nơi cung cấp đến khu dân cư. Ngoài ra, ion sắt hóa trị 2 khi bị ô xy hóa sẽ thành ion sắt có hóa trị 3, làm cho nước có màu gỉ sét, có vị tanh, làm thay đổi mùi vị của nước uống và thức ăn.

Nếu trong gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, trẻ nhũ nhi, người có bệnh lý suy giảm miễn dịch hoặc người đang mắc các bệnh nền, cần quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng nước sạch bởi việc uống phải nước bị ô nhiễm rất dễ dẫn đến bệnh lý đường ruột, nhiễm trùng. Sau khi sử dụng, nếu có người bị buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Thông thường, nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh là nguồn nước chưa được xử lý tốt hoặc bị nhiễm bẩn trên đường vận chuyển từ bể chứa, nhà máy đến các hộ gia đình. Vì vậy, trong quá trình sử dụng, nếu nhận thấy nước bị đục, có màu, có mùi hôi bất thường (riêng mùi của hóa chất khử khuẩn clo là bình thường), cư dân nên báo với ban quản lý, ban quản trị hoặc đơn vị quản lý tòa nhà để yêu cầu kiểm tra chất lượng nguồn nước. Đơn vị quản lý tòa nhà cần chủ động lấy mẫu nước tại vòi, trong bể chứa để xét nghiệm định kỳ.

Khi có sự cố về nguồn nước, trong thời gian chờ kiểm tra, xử lý, nếu nước quá đục, nặng mùi, người dân không nên dùng hoặc phải nấu thật kỹ, hoặc có thể dùng bộ lọc nước để xử lý tạm thời. Để đảm bảo nước máy trong căn hộ chung cư luôn sạch và an toàn, người dân cần vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ các thiết bị như máy lọc nước, bồn cầu và bồn tắm. Việc làm sạch và thay thế các bộ lọc định kỳ giúp loại bỏ cặn bẩn và tăng hiệu suất hoạt động của các thiết bị.

Ngoài ra, đơn vị quản lý tòa nhà cần tăng cường giám sát, quản lý chất lượng nước, cũng như kiểm tra và sửa chữa các đường ống nước bị rò rỉ để tránh mất nước, ô nhiễm nước. Nhà máy nước phải xử lý tốt để nước đạt chuẩn trước khi đến các hộ dân. Theo đó, nước phải đạt nồng độ clo dư tiêu chuẩn (0,3 - 0,5mg/l), đường ống nước phải được bảo quản, bảo trì nghiêm ngặt để đường ống trong tòa nhà không bị nứt, vỡ hay rò rỉ khiến các vi khuẩn có điều kiện sinh trưởng. Bên cạnh đó, cần đặt áp lực nước cao để trong tình huống đường ống bị nứt, bể thì nước sạch đi từ bên trong ra ngoài đường ống, không cho nước bẩn từ bên ngoài đi vào dòng nước sạch. Quan trọng, các đơn vị quản lý cần vệ sinh đường ống nước thường xuyên, tránh vi khuẩn tạo thành màng vi sinh (biofilm) bám trên lòng ống, gây ô nhiễm vi sinh.

Các đơn vị quản lý căn hộ cần đảm bảo có quy trình giám sát chất lượng nước định kỳ và đáng tin cậy, bao gồm việc thu thập mẫu nước định kỳ từ các điểm khác nhau trong hệ thống cung cấp nước để kiểm tra, đánh giá chất lượng nước. Ngoài việc giám sát chất lượng nước, cần thiết lập những tiêu chuẩn và quy định rõ ràng về chất lượng nước cho căn hộ chung cư. Các tiêu chuẩn này cần tuân thủ quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng, tổ chức y tế để đảm bảo nước máy đáp ứng các yêu cầu an toàn và sức khỏe.

Phạm An

Nhóm phóng viên

Kỳ tới: Quản lý lỏng lẻo làm giảm chất lượng nước ở chung cư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI