Hai học sinh tử vong tại Nghệ An: Nghi ngờ kết luận do liên cầu khuẩn

23/02/2017 - 12:58

PNO - Liên quan đến 2 học sinh tử vong do suy thận cấp, 18 em học sinh khác nhập viện tại tỉnh Nghệ An, một số chuyên gia về Thận niệu và chuyên khoa Nhi nghi ngờ về nguyên nhân đưa ra là do liên cầu khuẩn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Tôi không tin vào nguyên nhân tử vong do liên cầu khuẩn như báo chí thông tin. Nhiều trẻ như vậy không thể do nguyên nhân liên cầu khuẩn”.

Một số ý kiến khác cho rằng ở vùng miền núi, khi người dân sử dụng nước từ khe núi chảy ra để uống thì người dân ở đó hay bị sốt rét và bị bệnh về thận, nhất là ở khu vực gần rừng gỗ lim.

Cũng có ý kiến khác cho rằng có thể do các em học sinh nín tiểu quá lâu đã dẫn đến viêm cầu thận cấp. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh bác bỏ quan điểm này vì theo ông, nếu nín tiểu thì chỉ có thể nhiễm trùng tiểu chứ không thể dẫn đến mức độ nặng hơn là suy thận như vậy.

Trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, GS BS Trần Ngọc Sinh, Tổng thư ký Hội Tiết Niệu-Thận Học Việt Nam, Chủ tịch Hội Niệu – Thận học TP.HCM cũng cho biết, ông rất bất ngờ về 2 trường hợp tử vong này. Vì đa phần các trường hợp viêm cầu thận cấp thì không có nặng đến mức tử vong như vậy. Thông thường là đi tiểu ra các ty thể. Khi lượng nước tiểu không suy giảm nhiều thì không bị suy thận.

Hai hoc sinh tu vong tai Nghe An: Nghi ngo ket luan do lien cau khuan
Nhiều học sinh ở Nghệ An đang hoang mang với bệnh viêm cầu thận cấp

Theo ông, cần có cử thêm các chuyên gia, trong đó có Thận học về khám trực tiếp các em học sinh. Đồng thời phải thực hiện các xét nghiệm khác, kể cả về nguồn nước, về các vết loét ở vùng họng thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác nguyên nhân gây tử vong.

BS Trần Ngọc Sinh cho biết: “Tất nhiên liên cầu khuẩn là có tác động gây viêm cầu thận, suy thận. Nhưng không chỉ có nguyên nhân này mà có nhiều nguyên nhân khác, phải xem xét các yếu tố khác như thức ăn, nguồn nước nữa".

Theo BS, các trường hợp bị viêm cầu thận không chỉ xuất phát từ các vết loét ở họng mà còn có thể do ngộ độc nữa. Còn 2 trường hợp tử vong do suy thận cấp, ngoài nguyên nhân nghi ngờ là viêm cầu thận cấp thì cần nghĩ đến nguyên nhân là do  hoại tử ống thận cấp. Cho nên cần xem xét kỹ lại, xem thật sự có phải là do viêm cầu thận cấp hay là một lí do khác.

BS Trần Ngọc Sinh cho biết thêm nếu suy thận cấp mà vô niệu, không đi tiểu trong 1 - 2 ngày thì có thể tử vong: “Khi đó phải có những máy lọc thận nhân tạo để lọc máu. Tuy nhiên, những máy lọc máu của trẻ em thì chỉ có ở những bệnh viện chuyên về nhi thì mới thực hiện được. Tôi không biết ở khu vực miền trung có không. Chỉ biết là ở Bệnh viện Nhi TW  ngoài Hà Nội và các bệnh viện Nhi đồng tại TP.HCM mới có hệ thống này. Đây là chuyên khoa sâu, nếu mình chuyển bệnh nhân đi kịp thời thì mới hy vọng cứu được”.

Theo y văn thì viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà là một hội chứng gọi là hội chứng cầu thận cấp. Bệnh phát sinh không chỉ do liên cầu mà có thể sau nhiễm tụ cầu, phế cầu, virus. Hội chứng viêm cầu thận cấp còn biểu hiện thứ phát sau các bệnh như lupus ban đỏ hệ thống, ban dạng thấp, viêm quanh động mạch dạng nút.

Từ tháng 11/2016 đến nay, trên địa bàn xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An  xuất hiện các ca bệnh bị suy thận, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh cấp 1 và 2. Có 2 học sinh tử vong với triệu chứng suy thận cấp, 18 em học sinh nhập viện được chẩn đoán viêm cầu thận cấp.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI