Giải phóng rồi, cứ ngỡ là mơ
“Tiến về Sài Gòn! Phải tiến về Sài Gòn! Dù có chết tôi cũng cam lòng. Trong đầu tôi chỉ có viên đạn nhỏ xíu (bị thương ngày 18/4/1975 khi hỗ trợ du kích vào “ấp tân sinh” mua lương thực - PV), tôi còn đủ sức, tôi không thể về tuyến sau khi mọi người đều tiến về Sài Gòn… Làm sao tôi có thể vắng mặt trong thời khắc lịch sử có một không hai này chứ!” - trước lời thiết tha của ông Hồ Ngọc Anh, vị chỉ huy ngập ngừng giây lát rồi gật đầu chấp thuận.
|
Ông Hồ Ngọc Anh năm 1972 |
Từ đầu tháng 4/1975, đại đội của ông Hồ Ngọc Anh được lệnh ém quân ở Tân Thạnh Đông, Củ Chi, chờ lệnh tổng tiến công. Ban đêm, các đồng chí phối hợp với du kích địa phương diệt ác phá kìm, kêu gọi bà con trong “ấp tân sinh” vận động con em là binh sĩ, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa bỏ ngũ, về với gia đình. Nỗi nôn nao, mong mỏi độc lập tự do, sum họp gia đình hừng hực trong lòng ông và đồng đội.
Nhờ những thắng lợi liên hoàn trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Quân giải phóng, ngày 29/4 quân ta đánh chiếm Đồng Dù, Củ Chi, khiến bộ máy chính quyền, đồn bốt nơi đây tự động tan rã.
Trưa 30/4, đại đội hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Tòa hành chánh tỉnh Gia Định (khu vực Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM ngày nay) và Tân Cảng (cầu Sài Gòn).
Ông Hồ Ngọc Anh hồi tưởng lại không khí rộn rã, hân hoan, mừng rơi nước mắt trong vòng tay quân dân giữa lòng Sài Gòn. Ông cùng đồng đội ân cần giải đáp hàng loạt những thắc mắc chất chứa từ lâu của bà con, đặc biệt là nỗi sợ của những gia đình có con em đi lính quốc gia, liệu họ có bị trả thù không?
Đêm đầu tiên giữa Sài Gòn giải phóng, đất nước tự do; sau bảy năm biền biệt nơi chiến trường, ông không sao chợp mắt, cứ ngỡ là giấc mơ… Ông gọi tên từng đồng đội, đồng chí đã ngã xuống vì bom đạn khi chỉ đứng cách ông một bước chân, có sá gì thương tích của ông với viên đạn trong đầu và bàn tay trái dập mất ba ngón.
Từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, ông gửi lại chiếc áo học trò để lao vào khói lửa đạn bom. Lần đi hành quân qua Long An, ông ghé thăm nhà, mẹ đã quay đi, giấu hai hàng nước mắt. Còn ba ông chỉ dặn: “Con nên suy nghĩ kỹ, đây là chuyện sống chết, không phải chuyện chơi. Đi là phải đi đến cùng, không được bỏ về. Nếu bỏ thì đừng nhìn mặt ba má!”.
Ghi nhớ câu nói của ba để vững vàng suốt dọc đường chiến đấu nhưng ông vẫn hiểu và bao dung với những người vì hoàn cảnh mà phải theo Mỹ - ngụy, bị bắt bớ, xúi giục. Tất cả chỉ bởi sự tàn bạo, khốc liệt của chiến tranh…
Khi lịch sử sang trang, là cán bộ tuyên huấn, ông được phân công trình bày những chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực chung tay xây dựng chính quyền cách mạng.
Lấy chồng thương binh
Trải qua nhiều vị trí công tác, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM Khối Tuyên huấn T4, ông Hồ Ngọc Anh vẫn tất bật ở tuổi 73, vừa tuyên truyền chính sách của Nhà nước, vừa chăm lo đời sống đồng đội, vừa góp công biên soạn những bộ sách quý, điển hình như bộ Một thời kháng chiến do Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM biên soạn và phát hành (trung bình mỗi năm một tập, từ năm 2012 đến nay).
Vợ ông, bà Trần Ngọc Điệp, cũng là thành viên, là thư ký biên tập đảm nhiệm rất nhiều khâu, từ kết nối các tác giả cựu chiến binh, nhập liệu, biên tập, dàn trang… Không bài viết nào của ông mà không có dấu ấn của bà. Bà là độc giả đầu tiên, nghiêm khắc nhưng đồng điệu.
Bà là cháu của thủ trưởng ông, từng gặp mặt lần ông đến thăm lúc hòa bình lập lại, nhưng mãi đến năm 1978, hai người mới có cơ hội tiếp xúc khi bà nghỉ dạy học vì lý do sức khỏe và chuyển về làm cùng cơ quan ông - Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh).
Hỏi ấn tượng về bà lúc đó, ông chỉ cười: “Thấy bả hiền, cũng đi biểu tình trong phong trào học sinh - sinh viên như tui, gia đình hai bên đều nuôi giấu cán bộ cách mạng nên chắc hợp duyên”.
|
Ông Hồ Ngọc Anh và bạn đời Trần Ngọc Điệp trước tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ |
Hỏi ấn tượng về ông, bà tái dựng một tình tiết cách đây 43 năm, đôi mắt vẫn long lanh, giọng vẫn bồi hồi, xao xuyến. Bà kể bà thường giở lon Guigoz cơm đem theo ăn trưa, đặt ở cửa sổ cạnh bàn làm việc. Đến trưa định lấy ra ăn thì đâu mất tiêu. Mấy em gái chung phòng khúc khích cười.
Hồi lâu một người “bật mí”: “Anh Ba lấy đem đi hâm cho nóng và bỏ thêm thức ăn để chị bồi dưỡng kìa. Ảnh để ý chị lâu rồi, bộ chị hổng biết hả?”.
Cô gái chỉ nặng 40kg giật mình ngẫm lại: “Ờ hén! Đâu phải ngẫu nhiên mà ca trực đêm ở cơ quan của ảnh thường được xếp trùng với mình. Rồi lần mình và một đồng nghiệp nữ đi công tác ở Long An, xe cơ quan đi công tác ngang qua mà quên rước, ảnh đã cự nự, dù bản tính thường ngày hiền lành…”.
Trong công việc, bà nể trọng ông, nhưng khi bà chia sẻ quyết định chọn ông làm chồng, mẹ của bà đã khóc. Mẹ thương con gái, sợ con sẽ cực khổ khi lấy chồng thương binh. Bà thuyết phục mẹ rằng ông tốt, chịu khó và rất chân tình.
Sự chân tình, chịu khó ấy là chất keo gắn chặt ông bà suốt hơn 40 năm qua, từ mùa xuân 1979. Nỗi mặc cảm của ông không chỉ ở đôi tay thương tật mà còn vì cái nghèo, nên ông rất chăm chỉ lao động, sản xuất cải thiện bữa ăn.
Khoảnh đất trống phía sau cơ quan, cứ làm việc xong là ông đào xới, trồng tỉa. Có đợt thu hoạch đến ba mươi mấy trái bầu, ông chia cho các đồng nghiệp xách về.
Khi chuyển về làm rạp trưởng rạp Thanh Vân, ông mượn tạm một góc bãi xe, xin tôn sửa rạp bỏ ra để chắp vá thành chỗ che mưa nắng cho cả nhà. Thế là cứ vài năm, nhà ông bà lại được tân trang nhờ mớ phế liệu từ rạp Thanh Vân.
Hồi ức của bà về đoạn đời đó vẫn còn nguyên dòng nước mưa dột ướt giường. Để có thêm tiền lo cho vợ con, dù là rạp trưởng, ông vẫn không ngại đến nơi sản xuất kem đá chở về cho căng-tin bán, dù đồng lời mỗi cây kem chỉ… hai cắc.
Hai con gái đầu lòng của ông bà, vì ra đời non tháng nên chỉ còn một, nhưng cũng nhẹ cân, đau ốm liên miên. Lương tháng hai vợ chồng chỉ hơn 100 đồng, nhưng muốn con khỏe, ông cắn răng mua sữa loại tốt lúc đó giá… 45 đồng/hộp. Mua đến hộp thứ tư thì chịu hết xiết.
Cô bé chỉ nặng 1,5kg khi chào đời ngày ấy, nay đã thành thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, nhiều năm công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tiếp bước truyền thống gia đình, nâng niu, lưu giữ những giá trị thiêng liêng của lịch sử.
Cuộc sống chung đầy ắp những buồn vui, nhưng mỗi đêm nhìn ông chìm vào giấc ngủ sau ngày làm việc mệt nhoài, nhìn bàn tay “hai ngón” của ông, lòng bà cuộn lên tình thương…
“Để có nền độc lập, thống nhất, cha ông mình, đồng bào mình đã đổ xương máu quá nhiều. Chồng hy sinh một phần thân thể, mình càng thương nhiều hơn. Vậy nên đâu có gì là không bỏ qua được. Nhờ hiểu nhau, nhường nhịn nhau nên gia đình tôi mấy mươi năm qua chưa bao giờ có cảnh vợ ôm con về nhà ngoại” - bà Trần Ngọc Điệp nói vui mà nước mắt chực trào…
TÔ DIỆU HIỀN