'Hai Đức Giáo hoàng' và một cái nhìn Vatican hoàn toàn mới

02/01/2020 - 18:18

PNO - Phim "The Two Popes" (Hai Đức Giáo hoàng) của đạo diễn Fernando Meirelles đã hé mở những điều đặc biệt về Vatican và hai Đức Giáo hoàng đậm chất người hơn.

Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị trong sự bàng hoàng, đầy bất ngờ của các Hồng y và hơn 1,2 tỷ tín đồ năm ấy. Đây là câu chuyện xưa nay hiếm, suốt 700 năm mới xảy ra lần thứ hai. Sau đó, như chúng ta đã biết, cũng trong năm này, Đức Giáo hoàng Francis lên ngôi. Ông là Giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên và không đến từ châu Âu mà từ châu Mỹ - Argentina.

Đức Giáo hoàng Francis đã mang lại một luồng sinh khí mới cho Vatican, cho Giáo hội khi thời điểm ấy, Vatican bị chỉ trích vì im lặng trước những thông tin lạm dụng tình dục trẻ em của linh mục, khiến nhiều tín đồ quay lưng.

Một góc nhìn mới

Phim The Two Popes (Hai Đức Giáo hoàng) của đạo diễn người Brazil - Fernando Meirelles được Netflix công chiếu vào tháng 12 vừa qua đã hé mở những điều đặc biệt về Vatican và hai Đức Giáo hoàng dưới một cái nhìn khác hơn, đời thật và đậm chất người hơn.


Cũng là lần đầu tiên, những hình ảnh uy nghiêm, lộng lẫy của Vatican được thể hiện sinh động, đẹp nhưng không khô cứng. Ở đó, hai Đức Giáo hoàng cùng nhau ăn pizza, uống nước ngọt sau những lần thầm kín xưng tội bên trong thánh đường của tòa thánh này.

Một Vatican đẹp đẽ, ở đó, Đức Giáo hoàng cũng là một con người. Họ đại diện cho Chúa nhưng không là Chúa; vì là con người nên có lúc cả hai Giáo hoàng đều cảm thấy bản thân mình có tội, không xứng đáng. Và với bí tích rửa tội, họ như được nhẹ nhõm để tiếp tục những trọng trách nặng nề mà Giáo hội giao cho.

Bộ phim bắt đầu bằng việc Giáo hoàng Francis - khi vẫn còn là Hồng y đến gặp Giáo hoàng Benedict XVI để xin từ chức. Qua một đoạn đường ngắn họ cùng dạo trong khu vườn, hai người tranh luận về những điều mà Giáo hoàng Francis đã làm như một cách chống đối lại Giáo hội mà như ngày nay ta biết, là sự văn minh và khoan hồng của Giáo hội dành cho những giáo dân phạm tội: ly hôn, ngoại tình…

Họ cùng xem phim, uống rượu Champagne, nghe Giáo hoàng Benedict XVI đàn piano, sau đó là bàn luận, thậm chí là kể chuyện cười nhưng ông không đá động vào lá đơn xin nghỉ hưu của Hồng y Jorge Mario Bergoglio – người sau này trở thành Giáo hoàng Francis cũng nhờ vào sự bác bỏ đơn xin nghỉ hưu kia.

 

Một hình ảnh đời thường và cảm động trong phim Hai Đức Giáo hoàng. Cảnh từ phim.
Một hình ảnh đời thường và cảm động trong phim Hai Đức Giáo hoàng

Góc nhìn mới luôn vấp phải sự chỉ trích

Bộ phim được đón nhận và chia sẻ nồng nhiệt của giáo dân, thậm chí là cả những người không có đạo. Bởi lẽ, họ bắt gặp những hình ảnh vừa triết lý vừa đơn giản nhưng sâu sắc đến kinh ngạc từ cách giải thích vấn đề vì sao Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị, đến những tính cách đặc biệt của Giáo hoàng Francis mà nhờ vào điều này, tình cảm của giáo dân đã hướng về Giáo hội nhiều hơn trong suốt thời gian ông làm Giám mục từ tháng 3/2013 đến nay.

Nhưng không có nghĩa bộ phim không nhận phải những chỉ trích. Đầu tiên, với diễn viên Anthony Hopkins bởi ngoại hình không giống với Giáo hoàng Benedict XVI và tính cách khá mạnh mẽ trong khi ngoài đời, Đức Giáo hoàng nhẹ nhàng và từ tốn hơn.

Thầy phó tế Steven Greydanus - một nhà phê bình phim và cũng là vị sáng lập trang webfilms.com đã nói với CAN (Catholic News Agency) rằng: “Khi giản lược Đức Giáo hoàng Benedict XVI như một nhân vật phản động cứng nhắc và Đức Giáo hoàng Francis tương lai như một nhà cách mạng cải tổ, có nghĩa đã giảm thiểu sự thật về nhân vật, để chỉ phục vụ cho nhu cầu cần phải tạo ra những xung đột kịch tính, thỏa mãn sở thích muốn kể về những cải cách cấp tiến sẽ vượt thắng chủ nghĩa truyền thống hẹp hòi.”

Vatican tuyệt đẹp và cuộc nói chuyện đậm chất triết học và thần học của Hai Đức Giáo hoàng. Hình trích từ film
Vatican tuyệt đẹp và cuộc nói chuyện đậm chất triết học, thần học của hai Đức Giáo hoàng

Bên cạnh đó, như cách bộ phim lý giải, Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã có thời gian không thể nghe được các dấu hiệu của Chúa, không thể nghe Ngài và đây được xem như một sự xúc phạm vì Đức Giáo hoàng Benedict XVI vẫn còn sống.

Như một món quà Giáng sinh

Phim được công chiếu trên kênh Netflix vào ngày 20/12, trước lễ Giáng sinh 4 ngày. Đây được xem như một món quà xinh xắn để những ai quan tâm đến Giáo hội, đến Chúa cũng như những màu nhiệm đẹp đẽ. Những bộ phim về tôn giáo, Giáo hoàng, Hội thánh, Vatican thường rất ít nhưng hiếm khi người ta xem một bộ phim về tôn giáo lại cảm thấy nhẹ nhàng và vương vấn như vậy.

Soundtrack (nhạc phim) được sáng tác bởi nhạc sỹ Bryce Dessner cũng là một điểm nhấn đặc biệt của The Two Popes. Việc sử dụng tài tình giữa các loại nhạc như nhạc folk đánh bằng guitar Nam Mỹ, nhạc nhà thờ hay cả nhạc của ABBA đã khiến bộ phim trở nên nhẹ nhàng và sâu lắng, dễ dàng đến với mọi con tim yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hoàng. 

Thật trùng hợp, Giáng sinh vừa qua, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi Giáo hội và toàn thể giáo dân bày tỏ sự thương xót đối với những bất công, biến đổi khí hậu và tình yêu – cũng là thông điệp xuyên suốt trong phim The Two Popes: yêu mến Chúa và yêu thương con người. 

Như trong bộ phim có trích dẫn lời của Giáo hoàng Francis: "Đừng xây tường, hãy xây cầu!".

Đoàn Kim Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI