Hai điều bất thường ở 15% bệnh nhân COVID-19 thể nặng

05/10/2020 - 06:30

PNO - Các nghiên cứu mới công bố cho thấy bất kể độ tuổi nào cũng có khả năng nhiễm COVID-19 thể nặng và nguy cơ tử vong cao nếu mang những đột biến trong gen liên quan.

 

Tại sao có các phản ứng rất khác nhau trên từng cá nhân nhiễm SARS-CoV-2? Một nhóm nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu y học và sức khỏe quốc gia Pháp (Inserm), Đại học Paris, Đại học Rockefeller, các bệnh viện công ở Paris, Viện Y học Howard Hughes phối hợp với Trung tâm Miễn dịch học - bệnh truyền nhiễm của Đại học Sorbonne đã tìm ra câu trả lời. 

Đây là bằng chứng khoa học giúp phát hiện sớm các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ diễn tiến nặng, đồng thời, dự đoán và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp. Kết quả được đăng trên tạp chí Science của nhóm nghiên cứu do Laurent Casanova và Laurent Abel đứng đầu đã xác định hai nguyên nhân bất thường liên quan đến di truyền và hệ miễn dịch ở 15% ca bệnh nặng.

Các bệnh nhân này có điểm chung là thiếu hụt Interferon (IFN) nhóm 1 - vốn là các sản phẩm của hệ miễn dịch mang tính kháng vi-rút rất mạnh mẽ. Các nghiên cứu xác định có sự bất thường về di truyền ở những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng liên quan đến 13 gen chi phối phản ứng miễn dịch của IFN nhóm 1.

Hậu quả, những đột biến này đã khiến cho việc sản xuất IFN nhóm 1 bị thiếu hụt. Có nghĩa là, bất kể ở độ tuổi nào, những người có đột biến gen như đã đề cập đều có khả năng nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 thể nặng và nguy cơ tử vong cao. Cách đơn giản để phát hiện sớm những trường hợp này là tiến hành xét nghiệm huyết thanh IFN nhóm 1.

Việc cho bệnh nhân sử dụng sớm IFN nhóm 1 có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả. Rất may, những chế phẩm IFN nhóm 1 đã được sản xuất từ 30 năm nay và không có tác dụng phụ nào đáng kể nếu dùng trong thời gian ngắn.

Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học phát hiện có sự hiện diện của kháng thể “kháng IFN nhóm 1” được tìm thấy ở hơn 10% bệnh nhân viêm phổi nặng do COVID-19. Các kháng thể này có thể vô hiệu hóa khả năng kháng vi-rút SARS-CoV-2 của IFN nhóm 1. Điều thú vị là kháng thể “kháng IFN nhóm 1” đã được phát hiện từ trước khi đại dịch xảy ra. Các nhà khoa học đặt vấn đề sử dụng phương pháp điều trị Plasmaphérèse cho những bệnh nhân này.

Đây là phương pháp nhằm loại bỏ thành phần máu có chứa các tế bào bạch cầu và các kháng thể “kháng IFN nhóm 1” hoặc sử dụng tế bào limpho B hòng ức chế việc cơ thể sản xuất ra các kháng thể “kháng IFN nhóm 1”. Phân tích máu của 1.227 người hoàn toàn khỏe mạnh thuộc nhóm chứng, có 0,33% người mang kháng thể “kháng IFN nhóm 1”.

Tỷ lệ này ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 thể nặng cao hơn 15 lần. Như vậy, cần phải có biện pháp sàng lọc quần thể để phát hiện những người mang kháng thể “kháng IFN nhóm 1”.

Laurent Casanova và Laurent Abel kết luận, cho dù các biến thể di truyền làm giảm khả năng sản xuất IFN nhóm 1 hay các kháng thể “kháng IFN nhóm 1” thì những bất thường này đều có trước sự xuất hiện và lây lan của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hai nguyên nhân đã giải thích cho những ca nặng ở bệnh nhân COVID-19 và đề cao hơn vai trò của IFN nhóm 1 trong việc chống lại vi-rút. 

Nam Anh (theo Futura Sciences)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI