Hai cô bé giàu nghị lực

24/07/2013 - 16:59

PNO - PN - Gia đình nghèo khó, các em đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, không chỉ học giỏi mà còn đảm đang việc nhà.

TÁM TUỔI LÀM… CHỦ QUÁN!

Hai co be giau nghi luc

Hơn một năm trước, gượng dậy sau cơn bạo bệnh, lo sợ sớm qua đời sẽ bỏ con, không ai chăm sóc, chị Nguyễn Thị Bích Liễu, mẹ của Nguyễn Thị Thùy Trang (Trường tiểu học Kim Đồng Q.12, TP.HCM) đã quyết định vay vốn về mở quán nước trước nhà cho con gái kiếm sống. Khi ấy, bé Trang chỉ vừa lên tám.

Quán có một cái bàn, vài cái ghế. Cạnh nơi pha chế là một tủ kính nhỏ đựng chục gói mì tôm, vài chai nước ngọt. Khi chúng tôi đến, Trang đang lăng xăng lau dọn tủ kính, kệ bàn. Xong đâu đấy, cô bé lấy sách ra học. Nhìn cô bé nắn nót viết bài tập làm văn tả về chuyến đi chơi mùa hè trong tưởng tượng, thấy thật xót lòng. Ba năm học qua, chưa một chuyến tham quan, dã ngoại nào của trường Trang được tham gia.

Trang vừa đầy tháng tuổi, anh Tấn, ba em đi làm thợ hồ, ngã bị chấn thương. Trang bốn tháng tuổi, chị Liễu bị suy thận cấp. Anh Tấn làm việc cật lực kiếm tiền chạy gạo cho cả nhà lẫn tiền lo thuốc thang cho vợ.

Trang vào lớp 1, vì con, chị Liễu cố gượng dậy đi làm. Sức yếu, nên chị chỉ làm được mỗi nghề vuốt rau nhút. Mỗi ngày làm từ trưa tới tối, chị được trả công 40.000đ, nhờ đó, bữa cơm nhà Trang có thêm chút thịt, cá.

Cuộc sống có vẻ như yên ả ấy kéo dài vỏn vẹn hai năm, cuối năm 2011, anh Tấn lại bị ngã từ trên giàn giáo xuống, gãy tay, gãy vai… Trang suýt phải nghỉ học, may nhờ cô Võ Thị Ngọc, Chi hội trưởng Phụ nữ ở khu phố xin giúp Trang một suất học bổng Báo Phụ Nữ. Cô Ngọc nói: “Đến nhà ngay lúc cả hai vợ chồng cùng bệnh, con gái mới tám tuổi lăng xăng bán quán, thấy con bé hiếu thảo, lanh lợi, lại học giỏi, chúng tôi nghĩ, phải tiếp sức cho cháu đến trường. Điều làm chúng tôi cảm thấy rất vui là Trang ngày càng học giỏi và chăm ngoan”.

“ĐÔI TAY” CỦA MẸ

Hai co be giau nghi luc

Cái máy giặt ấy nằm ở vị trí trang trọng nhất, nổi bật nhất trong căn nhà của cô bé Lê Lâm An Khương (Trường THCS Phước Vĩnh An, H.Củ Chi, TP.HCM).

Nhìn chiếc máy giặt, chúng tôi không nén nổi tò mò… Nào ngờ khi vừa nghe hỏi đến, Khương đã khóc òa, anh Lê Văn Quý, ba của em đứng cạnh, mắt cũng rớm lệ, anh nói: “Đó là kỷ niệm buồn về mẹ cháu Khương. Mấy năm trước, vợ tôi phát hiện bị hở van hai lá, rung nhĩ độ 3. Buồn là mãi đến ngày vợ bị ngất xỉu ở xưởng may phải đưa đi cấp cứu, tôi mới hay cô ấy bệnh. Bác sĩ chỉ định mổ, nhưng nghe ca mổ hơn 100 triệu, vợ tôi nằng nặc đòi về. Về nhà, cô ấy cứ gượng dậy nấu cơm, rửa chén, giặt đồ. Mấy lần thấy mẹ nằm ngất bên sàn nước, con tôi khóc, đòi mua cho mẹ máy giặt. Không ngờ sau đó, vợ tôi âm thầm bớt đi tiền thuốc, mua cái máy giặt trả góp này về… Chưa đầy năm tháng thì cô ấy đã vĩnh viễn ra đi vì thuốc thang không đầy đủ”.

Anh Quý kể, đi học về, Khương bắt tay vào dọn dẹp nhà. Buổi tối, xong hết công việc, Khương hướng dẫn bài cho em và tự học. Khương nói: “Làm việc nhà, khó nhất là giặt đồ thì con có chiếc máy này. Nó như đôi tay của mẹ. Mỗi lần dùng nó, con lại thương nhớ mẹ. Con sẽ cố gắng học hành cho thành đạt”.

Khi tìm đường vào nhà Khương, chúng tôi nghe những người trong xóm nhỏ ấy kể rằng: “Con nhỏ đó mới học lớp 7, nhỏ xíu hà, nhưng nghị lực lắm. Nhà nghèo mà học giỏi, nhiều lần được nhận học bổng, phần thưởng”.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI