Hải chiến Gạc Ma trong ký ức những chiến binh sống sót trở về

14/03/2018 - 10:18

PNO - Đã 30 năm trôi qua nhưng hình ảnh 64 đồng đội hi sinh trong trận hải chiến năm ấy vẫn khắc sâu trong tâm khảm, in đậm trong ký ức của mỗi chiến binh Gạc Ma sống sót trở về...

Trận hải chiến lịch sử

Vào mỗi năm, cứ đến ngày 14/3, những cựu binh còn sống sót trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 trên quần đảo Trường Sa lại cùng nhau thắp nén hương tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh. Những chiếc vòng hoa và hoa đăng được họ kết lại thả xuống giữa biển khơi, ước mong cho linh hồn các anh, 64 chiến sĩ Gạc Ma được an nghỉ.

Hai chien Gac Ma trong ky uc nhung chien binh song sot tro ve
Đồng đội kết vòng hoa thả xuống biển viếng anh linh 64 liệt sĩ hy sinh.

Là một trong ít chiến binh sống sót trở về, ông Lê Hữu Thảo (SN 1965, trú phường Thạch Linh TP.Hà Tĩnh) kể lại, thời điểm đó, anh là lính chiến đấu thuộc lữ đoàn 146 được giao nhiệm vụ ra đảo Gạc Ma để xây dựng, bảo vệ đảo.

Người cựu chiến binh hồi tưởng, vào khoảng 2h sáng 13/3/1988, khi thủy triều xuống, những người lính công binh ra đảo cắm cọc để treo cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Đến 5h sáng cùng ngày, ông được cấp trên chỉ đạo cùng 2 người đồng đội mang súng xuống vị trí để bảo vệ cờ.

Bất ngờ lúc này, tàu của Trung Quốc áp sát đảo. Chúng thả xuồng máy chuyển từng tốp lính, bao vây quân ta theo thế vòng cung men theo bãi san hô. Những chỗ vòng vây gần nhất, 2 bên chỉ cách nhau chừng 1m. Lúc này, các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Ngậm ngùi, ông Thảo tiếp lời: “Sau một hồi giằng co và uy hiếp tinh thần, một tên sĩ quan chỉ huy Trung Quốc bắn một phát súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng vào bụng trung úy Trần Văn Phương bóp cò. Anh Phương ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ Tổ quốc. Một tên khác xông lên chĩa thẳng súng vào đầu trung úy Phương nhả đạn.

Lúc  này, 3 tàu chiến của Trung Quốc tăng tốc áp sát đảo, cách tàu HD 604 của hải quân Việt Nam chỉ chừng 300m. Giữ vòng vây quân thù, binh nhất Nguyễn Văn Lanh vừa đỡ lá cờ trên tay trung úy Phương vừa đá văng khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc.

Một tên lính Trung Quốc đứng gần đó đâm lưỡi lê vào binh nhất Lành. Anh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ. Liền sau đó, tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng súng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo. Cùng lúc, tàu chiến Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin cách đó khoảng 5km và HQ 605 phía đảo Len Đao cách 12km. Trúng đạn quân địch, tàu HQ 604 bị chìm dưới biển sâu”.

Hai chien Gac Ma trong ky uc nhung chien binh song sot tro ve
Họ cùng nhau ra biển, nhớ lại trận chiến Gạc Ma lịch sử.

“Lúc này, thủy triều đã lên ngang thắt lưng, chúng tôi tìm đồng đội trong biển nước. Tôi may mắn chỉ bị thương còn anh Hoàng Bùi Hải, hiện nay là đại tá, giữ chức phó chỉ huy trưởng tỉnh đội tỉnh Thanh Hóa bị thương rất nặng. Toàn bộ anh em chiến sĩ trên đảo chỉ còn lại khoảng 30 người. Chúng tôi dìu những chiến sĩ bị thương nặng lên chiếc xuồng nhỏ cũng đã bị chúng bắn thủng nhiều lỗ, dùng tay tát nước ra còn những người bị thương nhẹ thì bám vào thành xuồng chèo về đảo Cô Lin”, anh Thảo nhớ lại.

Nỗi đau ngự trị...

Vượt hàng trăm km từ thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để ra dự lễ tưởng niệm 64 đồng đội đã hy sinh, ông Nguyễn Thanh Xuân  (SN 1966), một trong nhưng cựu binh còn sống sau trận hải chiến Gạc Ma xúc động nhớ lại: “Vào thời điểm đó, khi tàu Trung Quốc áp sát tàu của bộ đội Việt Nam, quân lính đổ bộ xuống đảo, nhảy vào giằng co chiếc cờ Tổ quốc ta đã cắm trên đảo Gạc Ma. Chúng tôi là lính công binh không được trang bị vũ khí nhưng trước tình hình, chúng tôi ai có cuốc dùng cuốc, ai có xẻng dùng xẻng đã cùng nhau xông lên đánh trả lại quân Trung Quốc. 

Hai chien Gac Ma trong ky uc nhung chien binh song sot tro ve
Cựu binh Lê Xuân Thảo xúc động ôm chầm mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương

Cả tàu công binh, lính chiến, thủy thủ trên 100 người nhưng sau trận chiến chỉ còn lại hơn 30 người sống sót. Đạn bắn xuyên nhiều lỗ trên tàu, các chiến sĩ Việt Nam xé áo nhét vào lỗ thủng để tàu không bị chìm. Đến khoảng trưa cùng ngày, chúng tôi tìm được 7 đồng chí bị thương, 1 người hy sinh. Đến giờ, mỗi lần nghĩ lại cảnh tượng đó, tim tôi vẫn đau nhói…”, anh Xuân ngậm ngùi.

Bị cầm tù 9 năm, cựu binh Trần Thiên Phụng (55 tuổi, trú tỉnh Quảng Trị) không nghĩ đến một ngày mình sống sót trở về. Hôm nay ông đã vượt qua hàng trăm km từ quê nhà ra Hà Tĩnh để gặp mặt đồng đội, để thắp nén hương tưởng niệm cho những người anh em của mình đã bỏ lại máu xương nơi biển đảo Gạc Ma.

“Hôm nay, tròn 30 năm sau trận hải chiến trên biển, chúng tôi đã liên lạc cùng thân nhân các liệt sĩ những người lính sống sót trong trận chiến Gạc Ma có dịp gặp mặt sau bao nhiêu năm xa cách. Chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Niềm hạnh phúc này được nhân đôi khi chúng tôi cùng nhau thả đèn, thắp những nén cho 64 đồng đội đã hy sinh.

Dù trải qua thời gian dài, nhưng cuộc chiến vẫn còn in đậm trong tâm trí những người lính, những ân nhân liệt sĩ. Tôi rất nhớ thương các đồng đội, những người đã nằm lại nơi biển khơi và cả những người đã may mắn sống sót trở về nay vẫn trong gian khó. 30 năm trôi qua rồi, nhưng mỗi lần nhắc đến cuộc chiến, lòng tôi lại bồi hồi không nguôi…”, cựu binh Trần Thiên Phụng xúc động.

Hai chien Gac Ma trong ky uc nhung chien binh song sot tro ve
 

Hòa trong dòng người tưởng niệm, rưng rưng nước mắt khi nghĩ về người con trai vĩnh viễn ra đi trong trận đánh Gạc Ma, đôi mắt đầy vết chân chim, bà Hà Thị Liên (SN 1930), trú ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, là mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương bật khóc: “Mẹ nhớ thằng Cương nhiều lắm, thằng con trai ngoan hiền của mẹ…”.

“Sáu mươi tư chiếc bát

Sáu mươi tư đôi đũa

Mẹ xếp thắp hương các anh

Giữa khoảng trống

Gió lộng tứ bề

Xô lệch cả vòng tay của mẹ

Mẹ chắp tay

Không còn nước mắt

Bởi từ khi các anh ngã xuống

Có ngày nào mẹ quên?...

(Trích bài thơ “Nước mắt khóc gạc ma”)

                                                                                                                    Bảo Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI