Cuộc đời không có... nếu như
Nếu như em Hoàng Việt Tuấn (sinh năm 1997) được sinh ra lành lặn, có thể em sẽ vươn xa hơn nữa bằng một sức khỏe cường tráng và một ý chí tuyệt vời ở hiện tại.
Nếu như ông Hoàng Việt Tiến (sinh năm 1963, sống ở quận 12, TP. HCM) không bị tai biến mạch máu não thì gia đình ông có lẽ sẽ khá khẩm, bởi ông là thợ cắt tóc có tiếng một thời.
Nếu như vợ của ông Tiến không mất sớm, ông sẽ tự hào về vợ là một nhà giáo gương mẫu. Cả nhà ông cũng sẽ đầy ắp tiếng cười cùng vợ đẹp, con ngoan.
|
Tuấn bị bệnh bẩm sinh, mọi sinh hoạt đều phải có bố giúp sức. |
Nhưng cuộc đời không cho ông hai chữ 'nếu như', cứ cuốn gia đình ông theo những bế tắc. Đặc biệt, cậu con trai duy nhất mới sinh ra đã bị teo cơ, liệt bẩm sinh, càng ngày em càng quặt quẹo, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ ông Tiến trợ giúp.
Nhiều lần nản chí, ông nuôi ý định hai cha con tự tử, tạm biệt cõi trần. Trong một lần dọn cơm ăn, ông chuẩn bị mâm cơm, cho vào đó vài viên thuốc để sau khi ăn bữa cơm ấm lòng, hai cha con ông 'ra đi' cùng lúc để xuống âm phủ tìm vợ.
Đang xới cơm, nghe con trai thủ thỉ: "Mẹ mất sớm, mỗi cha nuôi con cơ cực. Con hứa không phá phách, sẽ ráng học, thi vào ngành công nghệ thông tin như ước muốn của mẹ".
Như bừng tỉnh, ông Tiến vội hất bỏ chén cơm, ôm con trai vào lòng khóc nức nở. Từ đó, ông quyết tâm cùng con phấn đấu.
|
Bản thân ông Tiến muốn di chuyển ông phải bò chứ không đi được. |
Không phụ lòng cha, Tuấn thi đậu vào khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM. Con vào đại học, ông Tiến cũng bán đi căn nhà ở Quận 1, chuyển đến Quận 12 ở, để gần trường con.
Biết được sự nỗ lực bền bỉ của cha con ông Tiến, thầy Nguyễn Thế Vinh (nhà ở tỉnh Bình Dương) đã thiết kế riêng chiếc xe lăn chạy bằng điện tặng cho Tuấn. Không an tâm để Tuấn đi học một mình, ông Tiến lúc nào cũng đưa đón con đi học. Ông chạy xe phía trước để… dẹp đường cho con lon ton phía sau.
Hai người đàn ông, với đôi chân đã mất, vẫn tiếp tục bước đi
|
Từ ngày vợ mất, mọi sinh hoạt của Tuấn đều do một tay cha phụ giúp. |
Cứ như vậy đều đặn 3 năm nay, 4 giờ sáng ông Tiến đã thức dậy nấu ăn, rồi cùng con đến trường. Canh giờ trưa, ông mang cơm vào lớp ăn cùng con. Tan học, hai cha con lại dìu dắt nhau về nhà.
Tuy ông Tiến cứ bên con mình như hình với bóng, nhưng ông luôn dạy Tuấn làm việc và suy nghĩ độc lập chứ không bao giờ nuông chiều con.
Ông Tiến nói chắc nịch: “Tôi sẽ làm tất cả để con học hết đại học. Nhưng tôi cũng bắt con phải tự làm việc nhà, tập suy nghĩ độc lập để nó quen. Có như vậy, nó mới biết mình không phải là người vô dụng. Sẽ có một ngày tôi cũng như vợ mình, cũng rời xa con...
Lúc đó Tuấn phải biết nó là một chàng trai mạnh mẽ và đầy năng lực. Nó không tuyệt vọng như tôi lúc xưa, mà sẽ làm được những việc mà nó muốn, để bước tiếp chặng đường của riêng nó”.
|
Ông Tiến luôn dạy con tính tự lập, tuy ở bên cạnh nhưng ông bắt Tuấn phải tự làm tất cả. |
Bằng tình thương nghiêm khắc của cha, Tuấn từ một con người mặc cảm, trầm tính, không giao tiếp với ai, giờ đây luôn cười tươi với mọi người. Trong cơ thể èo uột vì bệnh tật là tinh thần của một chiến binh dũng cảm.
Em dám đối diện với ánh mắt của người đời. Tuấn hăng hái phát biểu, hòa nhập với bạn bè và dám mơ ước trở thành một kỹ sư máy tính để nuôi cha và trả ơn đời.
Tuấn tâm sự: “Cha em bị bệnh, cố gắng xin việc nhiều nơi nhưng chưa ai nhận. Hai cha con phải sống nhờ vào tiền trợ cấp xã hội.
Để có được ngày hôm nay, nếu chỉ bằng sự nỗ lực của hai cha con em thì không đủ, bà con xung quanh và mạnh thường quân đã giúp đỡ cha con em nhiều lắm.
Còn 1 năm nữa thôi, học xong, em sẽ kiếm việc làm, kiếm tiền để cha đỡ vất vả. Sau đó em cố gắng hơn nữa để giúp lại những người khác như tình thương mà em đã nhận được trong thời gian qua”.
|
Thấy con vất vả quá, mọi người đến giúp đỡ nhưng ông Tiến can ngăn. |
Con đường tấp nập người xe qua lại cũng không thể làm phai nhạt hình ảnh chiếc xe ba bánh cũ kỹ của ông Tiến và con trai mình. Mặc mọi người hối hả, bóp còi inh ỏi, mặc kệ sự bon chen của người đời, chiếc xe lăn lớn vẫn dẫn đường, xe lăn nhỏ vẫn chầm chậm đi theo.
Thỉnh thoảng, chiếc xe lăn lớn dừng lại bên góc đường, ông Tiến ngoái ra phía sau, kiên nhẫn chờ đợi con mình đang lay hoay khi tới một khúc cua, rồi mỉm cười hạnh phúc khi Tuấn vẫy tay ra hiệu đã tự mình vượt qua được.
|
Tài sản quý giá nhất của ông Tiến. |
Trời trưa nắng nóng, bụi đường lấm lem vẫn không đủ sức làm vơi đi ý chí của hai chiếc xe cọc cạch. Hai chiếc xe lăn chở đầy tình thương và lòng kiên nhẫn, âm thầm dìu nhau qua những chặng đường cơ cực. Cứ như thế, những năm nay, hai chiếc xe lăn chậm rãi tiến về phía trước. |
Tình yêu thương luôn là một phép màu kỳ diệu, nó có thể chở che, nâng đỡ con người ta bước qua những thăng trầm, biến cố. Số phận có thể đẩy cha con ông Tiến đến bước đường cùng, nhưng nó không ngăn được bước chân họ, khi ý chí của họ muốn xây đắp tiếp một lối đi.
Nơi đó, niềm tin của câu con trai luôn tiếp thêm sức mạnh cho người cha già cằn cõi, để rồi hai người đàn ông, với đôi chân đã mất, vẫn tiếp tục bước đi.
Những hình ảnh xúc động của ông Tiến và con trai:
|
Hai người đàn ông, với đôi chân 'đã mất', vẫn tiếp tục bước đi. |
|
Nhờ tình thương yêu của cha, Tiến đã tự tin mỉm cười với mọi người. |
|
Ông Tiến sợ một ngày nào đó mình sẽ ra đi đột ngột. |
|
Nụ cười của Tuấn là cả một chặng đường cố gắng của người cha già cằn cỗi. |
Phạm An