Hai chàng trai cầm xẻng đi khắp Việt Nam

24/01/2023 - 14:56

PNO - Sau 4 tháng du lịch trồng cây khắp 63 tỉnh, thành, Hý và Han đang bước vào giai đoạn 2 của dự án A Little Vietnam, với mục tiêu trồng thêm hàng ngàn cây xanh. Ngày đầu, họ bước đi đơn độc, nhưng nay dự án du lịch kết hợp trồng cây của họ đã có sự tiếp sức của cộng đồng.

Măng Đen không lạnh

Cao nguyên Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) những ngày cuối năm chìm trong sương lạnh. Nhóm của Hý và Han đến đây để ngắm những đồi thông thơ mộng, săn mây và trekking núi Ngọc Lễ… Sau đó, họ phối hợp với địa phương “điền thêm màu xanh” cho mảnh đất này. 

Từ sáng sớm, Hý và Han cùng 13 tình nguyện viên đến từ nhiều tỉnh, thành và lực lượng trồng rừng địa phương ăn vội ổ bánh mì để đến điểm tập kết. Họ mang theo 1.000 cây thông non đến trồng trên khoảnh đất trống ven Quốc lộ 24 (nối Kon Tum và Quảng Ngãi).

Hý và Han chuẩn bị trồng cây tại Ninh Bình, điểm đầu tiên trong hành trình alittlevn63 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hý và Han chuẩn bị trồng cây tại Ninh Bình, điểm đầu tiên trong hành trình alittlevn63 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc đào xới nặng nhọc được giao cho trai tráng. Khâu tách bầu, đặt cây, vun đất được những đôi tay khéo léo của phụ nữ đảm trách. Cơn mưa nhỏ bất ngờ ập đến, Khánh Như khoe bàn tay lấm lem bùn đất, cho biết từng đi chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh tại Tây Nguyên. Lần này trở lại, cô muốn đóng góp cho vùng đất này theo cách khác.

Bé Thép (5 tuổi) nổi bật với chiếc áo họa tiết hoạt hình. Cậu lăng xăng lấp đất, đếm cây. Khi nghe về dự án trồng cây kết hợp với du lịch, mẹ của Thép đăng ký không do dự. Chị tin khi tình yêu thiên nhiên nảy nở trong con, Thép sẽ vào đời với trái tim đầy xúc cảm. 

Cuối buổi, 1.000 cây thông đã ngay hàng thẳng lối trên nền đất bazan đỏ. Đây là lần thứ hai Hý và Han đến Măng Đen. Lần trước, họ trồng thành công 240 cây. Hành trình gieo sắc xanh cho đất của họ, không chỉ dừng lại ở Măng Đen, mà trải rộng 63 tỉnh, thành. Số lượng cây đã trồng tuy không quá lớn, nhưng đó là khởi nguồn lan tỏa những điều tốt đẹp.

Gieo mầm xanh - gieo trách nhiệm với thiên nhiên

Hý (Hý Du Ký) tên khai sinh là Võ Minh Tân, quê ở Sóc Trăng. Han (Han Vietnam) tên khai sinh là Đặng Đức Tuấn, quê ở Hải Dương. 2 chàng trai đều 29 tuổi. Họ biết nhau qua niềm đam mê sáng tạo nội dung video. Năm 2019, Hý và Han chọn Đắk Lắk làm điểm đến trong hành trình khám phá Việt Nam. Thời điểm này, dịch vụ cưỡi voi tham quan còn hoạt động. Nhìn bước chân nặng nhọc của voi, họ suy tư, trăn trở về sự tự do. Đoạn video Hý và Han đăng tải trên mạng xã hội lan tỏa ngoài sức tưởng tượng của họ. Từ đây, chuyện chấm dứt cưỡi voi tham quan được dư luận đặt ra với ngành du lịch. 

Đến tháng 12/2021, chính quyền Đắk Lắk cam kết xóa bỏ dịch vụ cưỡi voi. Hý và Han ngỡ ngàng nhận ra sức mạnh của mạng xã hội. Thời điểm này, 2 chàng trai đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt, vừa du lịch vừa kết hợp trồng cây. Kế hoạch được họ ấp ủ từ cuối năm 2019. 

Hý kể: “Thời điểm ấy, rất nhiều kênh sáng tạo nội dung du lịch phát triển. Bên cạnh những kênh tốt, cũng có kênh đăng nội dung vô tội vạ. Điều đó thôi thúc chúng tôi phải làm gì đó tích cực trên kênh của mình. Hình ảnh mảng xanh dọc chiều dài đất nước bắt đầu hình thành”. 

2 chàng trai vào nhiều hội nhóm du lịch để hỏi thăm những cung đường an toàn, đẹp, thuận lợi, rồi thống nhất phương án. Họ xem rất nhiều phim tài liệu, tìm hiểu các giống cây, cách thức trồng trọt… và cũng không nhớ đã cãi nhau bao nhiêu lần khi bàn bạc. 

Trước khi lên đường xuyên Việt, Hý có công việc ổn định tại Campuchia. Han làm việc tại TPHCM với thu nhập tương đối tốt. Để theo đuổi hành trình dài 4 tháng, họ nghỉ việc, chuyển sang làm tự do. Hay tin con nghỉ việc, cha mẹ Han không ủng hộ. Anh phải mất một thời gian để thuyết phục gia đình.

Những ngày đầu năm 2022, trên 2 chiếc xe máy, họ xách ba lô và 2 chiếc xẻng lên đường. Thứ quý giá nhất trong hành trang là trái tim nhiệt huyết, tình yêu thiên nhiên và niềm tin của những người đã góp tiền cùng họ gieo mầm xanh khắp Việt Nam.  

Tình đất và người

Ninh Bình là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình chinh phục các tỉnh phía Bắc. Từ trung tâm Ninh Bình, họ đi thuyền vào đầm Ninh Vân để trồng những cây dổi và chay theo tư vấn của người địa phương.

Từ Ninh Bình, họ di chuyển lên Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, đến Lai Châu, Lào Cai... Có những lúc trục trặc đã xảy ra. Chiếc xe máy Han mượn của gia đình bị “bệnh nặng” trong suốt đoạn đường từ Hà Nội đến Ninh Bình. Ở Lai Châu, xe không thể leo đèo được. Họ đành bán đi với giá 2,5 triệu đồng và mua một chiếc xe mới.

Có lần, khi xe đang leo đèo, Han suýt rơi xuống vực vì không nhìn rõ đường. Do mưa mù vây kín, đường trơn trượt, lần khác, khi qua đèo Mèo Vạc, anh cũng gặp tình huống tương tự và may mắn thoát nạn. 

Sáng 29 tết Nguyên đán 2022, khi nhiều người quây quần bên gia đình để chuẩn bị tiễn năm cũ, thì Hý và Han đắm mình trong cái lạnh 3-40C tại Hà Giang cùng 2 chiếc xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc. Mọi nhà vườn đều đã đóng cửa ăn tết. Mua cây ở đâu trở thành chuyện nan giải. Rồi họ quyết định… liều. Han kể: “Chúng tôi tìm đến một vườn cây giống và gọi điện cho anh chủ, đề nghị được phá rào vào lấy cây, sau đó chuyển tiền qua tài khoản. Biết ý nghĩa việc chúng tôi làm, anh chủ đồng ý ngay”. 

Sự nhiệt tình của những người lạ, khiến Hý và Han ấm lòng, vì trên hành trình này, họ không lẻ loi. Nhưng việc tìm đất “hạ thổ” cho cây cũng là một vấn đề. Có nơi, họ phải vòng đi vòng lại mới tìm được điểm trồng ưng ý. Nhiều người địa phương nhìn 2 chàng trai với ánh mắt tò mò. Có người hoài nghi đây là chiến dịch quảng bá cho một nhãn hàng nào đó.

Trước khi xuôi miền Trung, đôi bạn đến vườn quốc gia Cúc Phương. Tại đây, khi biết tin cây chò ngàn năm tuổi không còn, họ đã đặt 50 cây chò đen đem trồng ở một số tỉnh. Han nói, không chắc những cây giống này có thể tồn tại đến ngàn năm, nhưng ít nhất họ cũng đã gieo những mầm xanh hy vọng.

Hý cho biết, anh và người đồng hành chỉ còn ngân sách cho việc trồng khoảng 10.000 cây xanh. Những ngày cuối năm, họ tất bật kết nối với tỉnh Quảng Nam trong dự án trồng vườn rừng sinh thái, trồng xen cây ăn quả với cây lâu năm. Mô hình này giúp người dân có đời sống kinh tế tốt hơn từ việc khai thác cây ăn quả, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

“Người Việt đã quan tâm đến môi trường, nhưng nhiều người vẫn hiếu kỳ khi thấy chúng tôi đào đất trồng cây. Chỉ khi việc này trở nên bình thường, sự quan tâm của mọi người mới ý nghĩa. Tôi nghĩ, những người đam mê du lịch, các travel blogger chung tay lan tỏa điều này. Mỗi người làm một chút, thì tương lai sẽ khác đi “nhiều chút”, Hý tâm sự. 

Thành Lâm

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI