PNO - PN - Bé gái bị sa niêm mạc niệu đạo thường có biểu hiện chảy máu âm đạo nên đôi lúc người lớn và cả bác sĩ dễ nghi ngờ, chẩn đoán nhầm rằng trẻ bị hiếp dâm. Nhiều quý ông bị giãn tĩnh mạch thừng tinh khiến khó có con......
edf40wrjww2tblPage:Content
Trẻ mắc bệnh, người lớn bị oan
Trong bảy năm gần đây, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM tiếp nhận đến 49 bé gái bị sa niêm mạc niệu đạo. Bệnh thường có triệu chứng chảy máu âm hộ nên dễ nhầm bé gái bị chấn thương và bị lạm dụng tình dục. PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, Trưởng bộ môn Ngoại nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, kiêm Trưởng khoa Niệu, BV Nhi Đồng 2 cho biết: Sa niêm mạc niệu đạo thường xảy ra ở bé gái ba-chín tuổi, nhưng tại BV Nhi Đồng 2 ghi nhận từ 2-13 tuổi. Có trường hợp mới năm ngày tuổi đã mắc bệnh. Trong khi đó, y văn thế giới cũng mới ghi nhận có 415 trường hợp kể từ ca đầu tiên được mô tả vào năm 1732 và nhận định đây là bệnh hiếm gặp.
BS Phạm Ngọc Thạch, Khoa Niệu, BV Nhi Đồng 2 cho biết: sa niêm mạc niệu đạo là tình trạng niêm mạc niệu đạo trồi ra ngoài miệng niệu đạo, biểu hiện giống một khối u. Khối u vùng âm hộ này dễ nhầm lẫn với màng trinh kín... Đặc biệt, bệnh thường có biểu hiện chảy máu âm hộ nên dễ nhầm lẫn bé gái bị chấn thương hoặc bị lạm dụng tình dục. Bệnh hiếm gặp, dễ nhầm lẫn nên bác sĩ dễ chẩn đoán sai, điều trị không đúng; lâu ngày dẫn đến biến chứng tắc nghẽn, nhiễm trùng, bí tiểu, hẹp niệu đạo. Tỷ lệ chẩn đoán sai tại phòng khám BV Nhi Đồng 2 không do bác sĩ niệu nhi trực tiếp khám lên đến 57%. Rõ ràng kiến thức về bệnh sa niêm mạc niệu đạo chưa được phổ biến rộng rãi. Trong khi, bệnh này được chẩn đoán hoàn toàn dựa vào việc khám lâm sàng bằng mắt thường, kinh nghiệm.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh này đến nay chưa rõ ràng. Có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng nguyên nhân chính vẫn chưa xác định. Các giả thuyết đều cho rằng có sự gia tăng áp lực thành bụng như người bệnh ho kéo dài, táo bón, hay do chấn thương vùng niệu dục. BV Nhi Đồng 2 ghi nhận có ba trường hợp chấn thương niệu dục, 12 trường hợp ho kéo dài, tám trường hợp bị táo bón kéo dài. Đây là những yếu tố góp phần thúc đẩy sự xuất hiện của sa niêm mạc niệu đạo ở trẻ gái.
“Việc điều trị bệnh sa niêm mạc niệu đạo rất đơn giản. Trường hợp sa niêm mạc niệu đạo không có biến chứng, chỉ cần điều trị nội khoa như vệ sinh tại chỗ bằng cách ngâm vùng tầng sinh môn trong nước, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm và kem bôi tại chỗ. Sau khi điều trị nội khoa thất bại hay sa niêm mạc bị biến chứng thì phải cắt bỏ niêm mạc bị sa. Việc điều trị ngoại khoa hiện nay dễ dàng, nhanh, ít biến chứng, tỷ lệ tái phát thấp. Thời gian phẫu thuật trung bình chỉ mất khoảng 25 phút, mất máu không đáng kể, bệnh nhân được điều trị khoảng hai ngày là xuất viện. Việc cắt bỏ niêm mạc bị sa không ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này của bé gái” - PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn cho hay.
Một ca vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh cho bệnh nhân tại BV Bình Dân
"Bự con" nhưng “yếu đuối”
Với phương pháp vi phẫu can thiệp tĩnh mạch thừng tinh bị giãn cho bệnh nhân nam bị vô sinh, Khoa Nam học BV Bình Dân đã giúp cho hàng trăm cặp vợ chồng có con. Kỹ thuật này đã minh oan cho nhiều phụ nữ.
Sáng 27/2, tại Khoa Nam học, BV Bình Dân TP.HCM, anh N.V.Đ. (30 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) rụt rè nói với bác sĩ: “Em lập gia đình được sáu năm nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa có con. Bác sĩ xem kiểm tra “súng đạn” của em thế nào?”. Ngồi bên cạnh, vợ anh Đ. rầu rĩ: “Cũng vì không có con mà vợ chồng em lục đục suốt”. Sau khi thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ xác định anh Đ. bị bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân giải thích: tinh hoàn của anh Đ. bị teo, tinh dịch đồ cho thấy số lượng tinh trùng ít, chưa đầy một triệu tinh trùng/ml khiến vợ chồng anh bị hiếm muộn. Mặc dù có kết quả xét nghiệm trên tay nhưng anh Đ vẫn không tin là mình bị teo tinh hoàn. Chị Đ. liến thoắng: “Vậy mà bấy lâu nay, cả chồng và mẹ chồng cứ đổ lỗi do em không sinh được. Mẹ chồng đinh ninh là do em nhỏ con, gầy gò; chồng em bự con, cao 1m73, nặng gần 70kg thì sao mà không sinh được? Mấy năm nay, em đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi, từ ăn kiêng, chọn ngày chọn giờ để quan hệ mà vẫn không có con. Vận động mãi, chồng em mới chịu đến khoa Nam học kiểm tra”.
Tương tự, anh V.T.T. (36 tuổi) cũng bị giãn tĩnh mạch thừng tinh nên không thể có con. Vậy mà từ tám năm nay, anh cứ đổ lỗi do vợ khó sinh. Cả hai trường hợp trên đều đang được bác sĩ lên kế hoạch can thiệp bằng phương pháp vi phẫu trong tuần tới.
Ngược lại với tình trạng lo âu của vợ chồng anh Đ. và anh T., vợ chồng chị P.T.N. vui mừng khôn tả. Chỉ sau hơn hai tháng điều trị, số lượng tinh trùng của chồng chị đã tăng đáng kể. Trước khi điều trị, số lượng tinh trùng của chồng chị N. chưa đầy một triệu con/ml giờ đã lên tới hơn 12 triệu tinh trùng/ml. Theo báo cáo của Khoa Nam học, BV Bình Dân, từ năm 2005 đến nay, BV này đã giúp cho 100 nam giới có con, tỷ lệ điều trị thành công hơn 46%.
Theo BS Mai Bá Tiến Dũng, người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh thường có triệu chứng căng nhức, nặng ở bìu; đau có thể tăng hơn về cuối ngày, nhất là những lúc đứng, hoạt động hay ngồi lâu. Hoặc người bệnh có kích thước tinh hoàn bất thường, teo tinh hoàn làm tổn thương quá trình sản xuất tinh trùng. Những trường hợp bị giãn tĩnh mạch thừng tinh nặng, nếu không được điều trị sẽ rất khó có con. Tuy nhiên không phải ai bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng cần điều trị. Việc chỉ định can thiệp vi phẫu hết sức nghiêm ngặt. Chỉ thực hiện can thiệp trong những trường hợp teo tinh hoàn, giảm số lượng tinh trùng gây vô sinh.
Cũng theo BS Mai Bá Tiến Dũng, vô sinh là tình trạng vợ chồng không thể có thai sau một năm chung sống mà không dùng phương pháp ngừa thai. Tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam và thế giới trên các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh sản khoảng 15%. Ở nam giới, nguyên nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những bệnh lý thường gặp nhất và có thể điều trị được bằng nhiều phương pháp khác nhau như mổ hở, nội soi, can thiệp bằng X-quang, vi phẫu. Trong đó, phương pháp vi phẫu có độ an toàn, hiệu quả cao, thời gian nằm viện ngắn, chi phí thấp hơn các phương pháp còn lại.