Hai 'bộ não' ở Triều Tiên biến ‘ước mơ hạt nhân’ của Kim Jong Un thành hiện thực

05/09/2017 - 09:07

PNO - Hai nhà khoa học chụp ảnh cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trước cuộc thử hạt nhân hôm 3/9 chính là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Cuộc thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên cuối tuần qua cho thấy hoặc Bình Nhưỡng đã phát triển được một quả bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn bom nguyên tử, hoặc gần như đã đạt được mục tiêu này.

Các bức ảnh do hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA phát hành chỉ vài giờ trước cuộc thử nghiệm cho thấy hai người đàn ông đứng cạnh lãnh đạo Kim Jong Un khi ông kiểm tra đầu đạn hạt nhân mới, đó là Ri Hong Sop, người đứng đầu Viện Vũ khí Hạt nhân của Triều Tiên và Hong Sung Mu, phó giám đốc Cục Công nghiệp vũ khí của nước này.

Một số chuyên gia về Triều Tiên nói rằng hai nhà khoa học này thuộc về đội ngũ các chuyên gia vũ khí đứng ở tuyến đầu “tham vọng hạt nhân” của nhà lãnh đạo Kim: Phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể mang vũ khí hạt nhân có tầm bắn tới Hoa Kỳ.

Hai 'bo nao' o Trieu Tien bien ‘uoc mo hat nhan’ cua Kim Jong Un thanh hien thuc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp các nhà khoa học vũ khí hạt nhân trong bức ảnh được KCNA công bố ngày 9/3/2016 - Ảnh: Reuters/KCNA

So với cha của ông, Kim Jong Il, và ông nội Kim Il Sung, những người vốn thích các nhóm làm việc nhỏ và các nhà quản lý trung cấp để giải quyết chương trình vũ khí, nhà lãnh đạo 33 tuổi này trực tiếp tham gia nhiều hơn với các nhà khoa học, ông thường xuyên cùng các chuyên gia hàng đầu xuất hiện tại các sự kiện nhà nước, cũng như kiểm tra vũ khí và kiểm tra hiện trường.

Yang Moo-jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho biết: "Có vẻ như Hong đang dẫn đầu chương trình phát triển hạt nhân với tư cách là một quan chức cao cấp và Ri là người phụ trách các cuộc thử nghiệm hạt nhân như bom nhiệt hạch ở cấp độ làm việc”.

Chính phủ Triều Tiên không cung cấp cho truyền thông quốc tế một địa điểm tiếp xúc ở Bình Nhưỡng để có thể liên lạc bằng email, fax hoặc điện thoại. Phái đoàn Triều Tiên ở LHQ cũng không có mặt để báo chí nước ngoài tiếp nhận thông tin.

Hai nhà khoa học ngày càng trở nên nổi tiếng vì các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng được thúc đẩy mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim.

Tháng 1/2016, hai ông Hong và Ri là người đứng đầu tiên và thứ hai nhận được huy chương do đích thân ông Kim trao tặng trong một buổi lễ đánh dấu cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của nước này.

Hai tháng sau, họ tháp tùng nhà lãnh đạo đang tươi cười kiểm tra một quả cầu màu bạc, mà Triều Tiên nói là một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có khả năng gắn vào một tên lửa ICBM.

Hai 'bo nao' o Trieu Tien bien ‘uoc mo hat nhan’ cua Kim Jong Un thanh hien thuc
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un (giữa) đang kiểm tra một vũ khí nhiệt hạch - Ảnh: EPA/KCNA

Triều Tiên có một nhóm chuyên gia vũ khí lớn hơn, bao gồm cả ba nhà khoa học tên lửa đã cùng ông Kim xuất hiện tại một số lần phóng tên lửa quan trọng, trong đó có hai lần phóng ICBM tháng bảy vừa qua.

Các chuyên gia nói rằng cách tiếp cận “thực tế” của ông Kim có thể góp phần phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa nhanh hơn, khi cho phép các nhà khoa học phát triển liên hệ cá nhân với lãnh đạo.

Michael Madden, một chuyên gia về Triều Tiên, đã chỉ ra những lần xuất hiện thường xuyên của ông Kim với các nhà khoa học tham gia chương trình vũ khí của mình, điều này cho thấy họ có sự quan hệ cá nhân gần gũi với nhà lãnh đạo.

Giống như ba nhà khoa học tên lửa, Ri và Hong cũng bị LHQ, Hoa Kỳ hoặc Hàn Quốc đưa vào danh sách đen vì vai trò của họ trong các chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Từ năm 2009 LHQ đã “chiếu tướng” Ri vì sự tham gia của ông này trong việc sản xuất plutonium cấp độ vũ khí, trong khi một chuyên gia của LHQ năm nay cho biết "vai trò then chốt của ông Hong trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên", và đề nghị đưa ông ta vào danh sách trừng phạt.

Ri là cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Yongbyon là nơi đặt các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước này và là cơ sở làm giàu urani đã được xác nhận.

Trong lần tiếp giáo sư hạt nhân của Mỹ Siegfried Hecker đến thăm Yongbyon, Ri "tự hào" tuyên bố rằng các nhà nghiên cứu hạt nhân Triều Tiên đã làm chủ được việc sản xuất plutonium mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài.

Trong tuyên bố với hãng thông tấn KCNA chỉ mấy giờ trước khi Triều Tiên thử hạt nhân, ông Kim cho biết tất cả các thành phần của bom nhiệt hạch là do nước này tự chế tạo, điều này cho phép Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân "nhiều bao nhiêu cũng được”.

Hong là một cựu kỹ sư trưởng của Yongbyon và đã từng làm việc tại Cục Vũ khí của Triều Tiên từ giữa những năm 2000. Ông này nổi lên sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào tháng 12/2011 sau cái chết của cha mình.

Ông Hong, 75 tuổi, được đào tạo ở Trung và Đông Âu và có thể cả ở Nga, trong khi Ri thường xuyên tham dự các cuộc hội thảo hạt nhân ở nước ngoài.

Việt Hưng (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI