Hai anh em khiếm thị viết tiếp giấc mơ đại học

30/07/2021 - 13:01

PNO - Đây sẽ là một mùa hè đáng nhớ với hai anh em Thơm - Thảo, bởi từ cột mốc này, hai bạn chính thức trở thành sinh viên, một hành trình tưởng chừng chỉ có trong cổ tích.

 Quê ở tỉnh Bình Định, chàng trai khiếm thị Đào Văn Thơm (sinh năm 1996, khiếm thị 100%) và em trai Đào Tấn Thảo (sinh năm 2003, thị lực 2/10) đã chính thức trở thành tân sinh viên Trường đại học (ĐH) Văn Hiến. Thơm chọn học ngành piano, còn Thảo quyết theo đuổi ngành công nghệ thông tin. 

Gia đình Thơm, Thảo có sáu người thì chỉ còn cha và chị gái may mắn có đôi mắt sáng; người mẹ thị lực 1/10, người anh lớn cũng chỉ nhìn thấy 2/10. Cuộc sống gia đình là những chuỗi ngày khó khăn. Mẹ chỉ có thể quanh quẩn ở nhà làm nội trợ chăm chồng con, cha đi làm nuôi cả gia đình. Ký ức tuổi thơ của Thơm vẫn còn những hình ảnh đẹp trước năm mười tuổi.

Khi đó, mắt em vẫn còn sáng, được đến trường. Mùa hè năm lớp Năm, hai mắt Thơm bắt đầu mờ dần. Đoàn từ thiện mổ mắt về địa phương, Thơm được đăng ký phẫu thuật nhưng không khả quan. Không còn nhìn thấy gì, cuộc sống quanh em chỉ toàn màu đen. Thơm tạm nghỉ học, ở nhà từ đó. Càng về sau, em càng thấy bế tắc, tính khí nóng nảy bất thường hơn. 

Thơm - Thảo chuẩn bị bữa ăn tại Mái ấm Thiên Ân
Thơm - Thảo chuẩn bị bữa ăn tại Mái ấm Thiên Ân


Tháng 3/2011, người họ hàng về quê thấy hoàn cảnh Thơm đáng thương liền tức tốc vào lại TP.HCM tìm trường cho em học. Đến tháng 5/2011, người thầy khiếm thị Nguyễn Quốc Phong, sáng lập Mái ấm Thiên Ân, đã nhận Thơm và tạo điều kiện cho em đi học trở lại. Thơm của năm 15 tuổi phải học lại kiến thức từ lớp Hai đến lớp Năm để thi chuyển cấp tiểu học. Đến năm 2014, thầy Nguyễn Quốc Phong nhận thêm Thảo vào và tạo điều kiện cho hai anh em theo học lớp Sáu tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú cho đến ngày tốt nghiệp. 

Trải qua những bôn ba, cả Thơm và Thảo nhận ra rằng con đường học tập chính là ánh sáng của người khiếm thị. “Đối với một người khiếm thị, học tập là điều vô cùng quan trọng để khẳng định giá trị của mình. Từ đó giúp tôi có công việc ổn định và lo được cho bản thân, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội”, Thơm bày tỏ.

Từng nộp hồ sơ vào một số trường ĐH nhưng không thành, đến khi “gõ cửa” Trường ĐH Văn Hiến thì cánh cửa đã mở ra với Thơm và Thảo. Khi Thơm dự thi các môn năng khiếu, thầy cô trong hội đồng chuyên môn đánh giá tốt và được chấp nhận vào học. Thấy hoàn cảnh của hai anh em, thầy cô một lần nữa báo lên hội đồng trường để giúp đỡ tiền học. Biết được hoàn cảnh đặc biệt và nghị lực vươn lên của Thơm và Thảo, Quỹ trái tim Hùng Hậu trao học bổng 100% học phí toàn khóa và một chiếc laptop làm phương tiện học tập cho Thơm, học bổng 50% học phí toàn khóa và laptop cho Thảo. 

Nghĩ về hành trình đã qua, Thơm và Thảo luôn biết ơn Mái ấm Thiên Ân, ngôi nhà thứ hai đã cưu mang hai anh em để tiếp tục việc học đến tận bây giờ. Hành trình sinh viên còn quá mới mẻ, anh em Thơm - Thảo vẫn chưa thể hình dung hết nhưng phần nào yên tâm nhờ sự động viên của thầy cô và nhiều người thân yêu. Trong điều kiện gia đình và hoàn cảnh cá nhân, với Thơm và Thảo, được học ĐH là ước mơ tưởng không bao giờ có thật. Nhưng cổ tích luôn có ở trên đời, như hành trình vào ĐH của hai anh em Thơm - Thảo.

Dương Bình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI