Hà Trần- Dòng nham thạch âm ỉ

13/12/2020 - 06:57

PNO - Có ai đó viết, Hà là một dị nhân, quả thật, cô chẳng giống ai trong dòng đời đầy đua chen. Hà có vẻ ngoài thản nhiên, tưởng như thu mình lại. Nhưng chẳng phải, cô có đầy ắp dự định

Tôi tới thăm Hà Trần vào một ngày đầu đông 2020 tại Hà Nội, khi cô vừa hết thời gian cách ly 14 ngày. Hà Trần có vẻ hơi tăng cân, có lẽ do Covid-19, ở nhà nhiều và theo như lời tâm sự của cô: “Tôi đọc thấy tỷ lệ ly hôn và bạo lực gia đình tăng cao trong các đợt giãn cách xã hội. Nhà tôi thì chỉ tăng cân vì suốt ngày nấu nướng”. Cũng có thể lắm, khi chúng ta không phải quay cuồng với công việc, với cơm áo gạo tiền, biết chấp nhận cuộc sống thì sẽ tìm được cách thuận theo những gì đang diễn ra… 

Trên bàn là cuốn 12 truyện ngắn của nhà văn Gabriel García Márquez, tác giả cuốn Trăm năm cô đơn lừng danh. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi khi thấy cô đọc một cuốn sách giấy đã ngả màu, in từ năm 1987, Hà Trần mỉm cười: “Hôm rồi, tôi về nhà ở nhạc viện, thấy còn nhiều sách cũ của mình nên cầm theo vài cuốn để rảnh rỗi đọc lại”.

Có lẽ thế hệ 7x không còn xa lạ gì Hà Trần - một người không giống ai trong làng âm nhạc này - bởi cá tính, ngoại hình, vẻ mạnh mẽ ngầm ẩn trong khuôn mặt của một người đàn bà có tiếng hát hoang dại. “Cài then tiếng khóc bằng đôi môi em/ Dệt tầm gai/ Dệt đến bao giờVề đi anh, ngày dài cả hơn một mùa” trong album Nhật thực của Ngọc Đại - một vị nhạc sĩ khó tính và cực khắt khe. Vậy mà qua tiếng hát Hà Trần, nhạc của Ngọc Đại thực sự được vinh danh không chê vào đâu được. 

Một Hà Trần ngọt êm trong Em về tinh khôi, Vàng son, Bài tình cho giai nhân của Quốc Bảo - nhạc sĩ của các giai nhân: “Bình yên một thoáng cho tim mềm, bình yên ta gọi tên… bình yên để nắng soi môi thơm…” . 
Một Hà Trần những cánh cung đầy triết lý của Đỗ Bảo… hay những album và chương trình gần đây nhất như Tình ca thế kỷ, Vi sinh, Bản nguyên, Chuyện phố bên sông - Trần Gia nhã nhạc… luôn tràn đầy năng lượng và phong cách riêng không trộn lẫn vào đâu. Sâu lắng, tha thiết, mạnh mẽ, dữ dội, hoang dã… gia vị nào cũng có trong giọng hát và cá tính của cô. 

Khi một nghệ sĩ không chọn âm nhạc dành cho số đông, mà thuộc loại kén khán giả, có nghĩa con đường của họ không dễ dàng phẳng lặng, cũng không quá phải lao mình theo thị hiếu, họ chơi nhạc trọng về cảm xúc và ý nghĩa của từng bài hát. Có lẽ, do bản tính gai góc nên “tôi thường thích chọn những dự án âm nhạc không dễ dàng”, Hà Trần chia sẻ như vậy. 

Nhạc sĩ Quốc Bảo từng viết về cô: “Cá tính hết sức alternative của Hà ngăn cản cô trú ngụ lâu ở bất kỳ đâu. Bản năng thích biến đổi của Hà đẩy cô vào những cuộc phiêu du đến những vùng đất lạ của âm nhạc”. 

“Hà có lẽ là một diva có tri thức, có chiều sâu nhất thời ấy, cô còn rất sinh động và đáng yêu nữa”, nhà thơ, nhà báo Dạ Thảo Phương đã viết về Hà Trần như vậy. 

Sang Mỹ, những album do Hà Trần đóng vai trò nhà sản xuất hoặc đồng sản xuất cùng Bình Đoàn, chồng cô và các đồng nghiệp, mang hơi hướng hiện đại và mang tinh thần indie. Vi sinh, Mầm hạt được phát hành tại Mỹ như một làn gió mang năng lượng tích cực tới nền âm nhạc Việt Nam. Chất liệu trong album Vi sinh pha trộn giữa acoustic, nhạc ambient, electronica (điện tử) và rock. Đẳng cấp của Hà Trần lại một lần nữa vượt ra khỏi ranh giới thông thường. Cô một mình một cõi cùng những sản phẩm mang tính tiên phong trong cuộc dạo chơi hết mình với âm nhạc đầy triết lý và nhân sinh. 

Tới Bản nguyên, một dự án âm nhạc với hai nhạc sĩ trẻ Dominik Nghĩa Đỗ, Hoàng Quân viết riêng cho cô, album đạt độ hoàn hảo hơn khi có bàn tay “phù thủy” của nhạc sĩ Trần Thanh Phương tham gia. Thực sự gai người khi nghe Hà hát: “Ôi đêm hoang dại/ Cung đàn sao buốt giá/ Ôi em ngây dại/ Ngậm ngùi những âm xưa/ Trong đêm hoang dại/ Ai chờ ai hóa đá/ Sao anh mê dại, ngậm ngùi em dứt cung đàn…”.

Chưa hết, Hà còn ghi dấu ấn ở tập thơ Hà Trần - một thập kỷ yêu xuất bản năm 2011 gồm 15 bài mang yếu tố tự sự và đầy tính suy tư từ khi là một cô bé tám tuổi cho đến khi trưởng thành. “Tôi giấu giếm những đứa con thi ca suốt hai thập niên”, “Tôi nuôi những bài thơ như một bà mẹ độc thân lo cho con thơ dại chưa đủ ra đời. Những xâm thực đời sống, những định kiến bao trùm văn chương có thể làm chúng tổn thương. Các con tôi chỉ biết tới mẹ, nảy mầm và sinh sôi từ tâm hồn mẹ. Thơ đem đến cho tôi sự thăng hoa cảm xúc, lối tư duy và một sự giải thoát tinh thần khác ngoài âm nhạc. Thơ nhạc khác biệt nhưng chúng đều trưởng thành từ thế giới quan và triết lý sống của riêng tôi”. 

Có ai đó viết, Hà là một dị nhân, quả thật, cô chẳng giống ai trong dòng đời đầy đua chen. Hà có vẻ ngoài thản nhiên, tưởng như thu mình lại. Nhưng chẳng phải, cô có đầy ắp dự định. Khi nào chúng đủ điều kiện đáp ứng những cơn bão trong lòng, cô mới tung chúng ra và cho người ta thấy, năng lượng của Hà luôn như những ngọn núi lửa tưởng chừng nằm yên nhưng tới lúc cần, chúng sẽ là những ngọn nham thạch phun trào bất tận. 

Codet HaNoi
Ảnh: Tuan Fr

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI