Hà Tĩnh, Quảng Bình: Nước mắt hòa theo mưa lũ

17/10/2016 - 06:38

PNO - Lũ đã bắt đầu rút, dần lộ ra giữa bùn và rác là những gì sót lại của chút tài sản may mà không kịp trôi theo dòng nước dữ. Những con số thiệt hại về người và của dài ra.

Nước mắt đã và đang hòa theo mưa, mà ngày mai, ngày kia, không biết họ còn sức để khóc nữa không. Hết đi ghe lại xuống lội bì bõm, chúng tôi có mặt tại xã Thuận Hóa, H.Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Lũ đang xuống, bùn đặc quánh.

Ông Phan Đình Du (53 tuổi) ở thôn Xuân Canh, giọng còn run lẩy bẩy: “Lúc nước lũ tràn vào nhà, vợ chồng tui đang trú ở trên gác. Nhưng do nước lên nhanh và chảy xiết quá, không lâu sau đó ngôi nhà của tôi không thể trụ vững, vợ chồng tui phải trèo lên cây xoài bên cạnh ngồi đợi hai người bà con chèo thuyền đến đưa sang nhà hàng xóm”.

Ha Tinh, Quang Binh: Nuoc mat hoa theo mua lu

Cạnh bên, ngôi nhà của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thành (thôn Xuân Canh) cũng bị nước lũ làm sập hoàn toàn. Chị Thành kể trong nước mắt: “Khổ quá trời ơi! Tưởng xây nhà kiên cố thì tránh được lũ, nào ngờ nó vẫn sập”. Chị Thành cho biết, chiều tối 14/10, thấy nước chảy dữ quá mà nhà chỉ có hai mẹ con nên chị phải gọi điện cho bố đến đón lên nhà tránh lũ. May mà ông lên kịp, nếu không thì không biết chị còn sống không: “Mẹ con tui vừa đi, thì nhà cũng sập cuốn theo tất cả vật dụng trong nhà”.

Nhà trôi, người chết. Những con số lạnh người dài ra. Những cái chết xót đắng. Cháu Nguyễn Gia Bảo (SN 2012, thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch) bị chết đuối lúc 10g ngày 15/10; em Hồ Thị Long (SN 2003, bản Rào Con, xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch) bị mất tích vào lúc 19g ngày 14/10; bà Nguyễn Thị Dương (SN 1939, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn) bị chết do sửa mái nhà; bà Võ Thị Lài (SN 1966, trú xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) bị chết do lốc xoáy lật thuyền…

Có người như anh Đinh Văn Xưởng (25 tuổi, xã Dân Hóa, H.Minh Hóa) lúc bơi qua ngầm tràn để đưa một phụ nữ chuẩn bị đi sinh thì bị nước cuốn trôi. Cũng tại xã này, lúc 9g30 ngày 14/10, ở bản Bãi Dinh, em Phạm Hoà ng Phương (SN 2006, trú thị trấn Hoàn Lão, H.Bố Trạch) bị nước cuốn trôi… Nước vẫn chảy đục ngầu phía thượng nguồn. Bao đôi mắt vẫn nhìn vô vọng ngóng người thân mất tích.

Đâu chỉ có vùng cao như Tuyên Hóa đang vật lộn với tang thương. Nơi cửa biển, tiếng nấc tan trong sóng dữ. Báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, đến cuối ngày 16/10 đã có 16 tàu bị chìm (hai tàu hàng và 14 tàu cá ); ba tàu cá mất tích; bốn tàu mắc cạn (một tàu hàng và ba tàu cá ) khiến một người chết, năm người mất tích. Trong dòng người chậm chạp vượt quốc lộ vào Nam sáng 16/10, có cả người thân của các nạn nhân mất tích trên hai con tàu chở hàng clinke bị chìm ở cửa sông Gianh, từ các tỉnh miền Bắc đã vào đến Quảng Bình.

Ha Tinh, Quang Binh: Nuoc mat hoa theo mua lu
Quân đội được điều động vào cuộc giúp người dân chạy lũ

Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tàu hàng HD 2155 và một tàu khác khi lũ lớn đổ về đã neo đậu ở sông Gianh. Nước lũ quá lớn khiến dây neo bị đứt, tàu trôi dạt ra cửa biển và chìm. Trên tàu có năm thuyền viên gồm: anh Lê Bá Hoạt (SN 1981, quê Thanh Hóa), Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, quê Hải Dương), Vũ Như Thắng (SN 1964, quê Thanh Hóa), Nguyễn Văn Bảy (quê Hải Dương), Nguyễn Duy (SN 1990, quê Thanh Hóa).

Ngồi thẫn thờ ở cửa biển, chị Hương, vợ thuyền viên Lê Bá Hoạt khóc sưng mắt. Ngoài kia là sóng dữ, các lực lượng đang tìm kiếm nạn nhân mất tích. Chị kể: “Anh Hoạt gọi điện cho tôi nói lũ lớn nên tàu chưa chở hàng về được. Anh ấy nói chờ sau lũ mới đi, chắc về nhà trễ vài ngày. Đùng cái, công ty gọi tôi vào đây, tôi chưa biết chồng tôi sống chết thế nào, chồng ơi…”. Lời chị bạt trong gió, khô khốc. Làm sao ngờ được. Ai biết được trận mưa kinh hoàng như thế, cuốn phăng tất cả, để tang thương ở lại với người còn sống.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cho hay, hiện tại chỉ mới xác định được vị trí nơi HD 2155 bị chìm. “Chúng tôi đang cố gắng định vị vị trí nơi con tàu thứ hai bị chìm. Phạm vi tìm kiếm đang được mở rộng để nhanh chóng tìm được các thuyền viên mất tích. Chúng tôi đã chuẩn bị cho phương án xấu nhất là các thuyền viên tử vong. Dù vậy, lực lượng cứu hộ cũng phải tìm được thi thể các nạn nhân để an ủi các gia đình”.

Lũ đã xuống, còn lại nỗi kinh hoàng trên gương mặt người dân ở Hương Khê - Hà Tĩnh, khi ai nấy đều thẫn thờ: “Thủy điện xả lũ, nhà tui chạy không kịp lấy đồ đạc, may mà không chết!”. Ông Phạm Văn Thân (61 tuổi, thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch) khua đôi tay trắng bệch vì ngâm nước: “Khoảng 8g tối 14/10, nước xả lũ từ đập thủy điện Hố Hô tràn về, sông Ngàn Sâu trước nhà bắt đầu dâng cao và dâng rất nhanh. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, nước tràn vào nhà tôi cuốn đi hầu hết tài sản và một căn nhà bếp gỗ lim hai gian”.

Nhà ông ngập gần 2m. Nước chảy như cắt, cố hết sức ông dùng dây buộc giường, tủ vào cột nhà nhưng vẫn không chống chọi được dòng nước lũ, đành bất lực đứng nhìn nước cuốn đi tủ lạnh, ti vi, bếp gas, ba cái giường và căn nhà bếp. “Mất hết chú ơi, tài sản chỉ chừng, trắng tay rồi…”.

Có còn gì nữa ngoài nỗi xót xa, đau đớn, nên như là gắng gượng cuối cùng, bấu víu cuối cùng trong tuyệt vọng, chị Lê Thị Tuyết, ở xóm Phú Lập, xã Hương Trạch vừa khóc nhìn vườn bưởi tan hoang, vừa cố gắng chống đỡ những cây bưởi bị bật gốc. Thấy vậy, chồng chị là anh Hoàng Văn Phương, an ủi: “Của đi thay người, đừng xót nữa, có đỡ những cây bưởi đứng lên thì không sao sống trở lại được”.

Vẫn không thể nguôi, chị kể, sau khi được xã giao cho một sào đất, chị với chồng đi làm thuê, được đồng nào cũng dồn vào trồng bưởi Phúc Trạch. Niềm hy vọng được đền đáp khi hàng năm 45 cây bưởi Phúc Trạch cho gia đình chị thu về hơn 70 triệu đồng. Vậy mà sau một đêm, lũ tàn phá hết vườn bưởi của chị. Những cây bưởi bị lũ cuốn bật gốc được chồng chị chặt về làm củi đun. “Biết bao nhiêu mồ hôi, công sức của tôi đổ vào vườn bưởi, giờ thì trôi theo nước lũ hết rồi”, chị Tuyết thở dài thườn thượt.

Ha Tinh, Quang Binh: Nuoc mat hoa theo mua lu
Nhà người dân ở H.Tuyên Hóa, Quảng Bình bị ngập sâu, phải vận chuyển đồ đạc và đi lại bằng thuyền

Đến tối 16/10, Phương Mỹ, H.Hương Khê vẫn chìm trong nước lũ. Dọc hai bên thuyền máy vào rốn lũ là những ngôi nhà dân ngập sâu, có nhà bị ngập đến mái. Ông Hoàng Xuân Tần, Chủ tịch xã Phương Mỹ cho biết nước lũ vẫn chưa rút, xã đang có 273 nhà dân bị ngập sâu, người dân thiếu thốn đủ bề.

Hai ông bà Bùi Thị Liên hơn 80 tuổi, ở xóm Ấp Tiến, cho biết ngồi tránh lũ đã mấy ngày rồi. “Mắm nhà tôi dự trữ mùa đông, cũng ăn hết rồi”, bà mếu máo. Cứ nghe tiếng xuồng máy thì bà Liên ló đầu ra từ mái nhà để kêu cứu trợ. “Mưa lũ suốt khiến tuổi già khó vượt qua, nên thấy có tiếng người tui lại ló đầu ra xin gói mì hay chai nước để sống qua ngày”. Nghe bà nói, chúng tôi lạnh lưng. Ngày mai, ngày kia bão lại vào, rồi lũ lại lên, những người vùng lũ sống sao đây?

TP.HCM ủng hộ 10 tỉ đồng cho dân vùng lũ

Sáng 16/10, tại buổi lễ kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Hoàng Năng đã kêu gọi các đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên TP chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.

Ông Nguyễn Hoàng Năng phát biểu: “Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tha thiết kêu gọi đồng bào TP với tấm lòng nhân ái, nghĩa tình hãy chung tay góp sức cùng tiếp sức để giúp đỡ, động viên đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM xin được tiếp nhận sự đóng góp tại trụ sở số 57 Nguyễn Thị Minh Khai Q.1, TP.HCM hoặc chuyển tiền vào tài khoản 000870406001484 Ngân hàng TMCP SG Công thương chi nhánh Kỳ Hòa, TP.HCM”.

Ông Nguyễn Hoàng Năng cũng cho biết, để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, TP.HCM đã ủng hộ số tiền 10 tỷ đồng cho năm tỉnh và sẽ do lãnh đạo TP trực tiếp làm trưởng các đoàn đi trao tiền cho bà con vùng lũ.

* Sáng nay, tại phiên họp trù bị, Hội LHPN TP kêu gọi cán bộ hội viên phụ nữ TP hướng về đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ.

Mai Phan

Thanh Nhân - Hoàng Liên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI