Chỗ thấp nhất khoảng 20cm, chỗ cao nhất hơn 1m. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, những vệt nước lũ mới cũ cứ thế nối tiếp chồng lên nhau đã đẩy cuộc sống người dân vốn đã quen cảnh sống chung với lũ nhưng cũng phải mệt mỏi, rệu rã. Trong lúc đó hàng trăm trường học ở đây còn ngổn ngang bùn đất khiến học sinh chưa thể lại trường.
Khó khăn chồng chất sau lũ rút
Dẫn tôi đi trên con đường chính dẫn vào trung tâm của xóm 9 xã Hương Đô, chị Hằng chủ tịch Hội phụ nữ xã kể vanh vách câu chuyện của từng hộ dân ngập lụt và những tấm gương vượt khó giúp dân của bà con nơi này. Vượt qua chiếc cầu nhỏ ở sông Ngàn Sâu chúng tôi thẳng tiến vào khu vực xóm 9 nơi được coi là "rốn lũ Hương Đô".
Hình ảnh đập vào đầu tiên là khung cảnh nhà cửa, ruộng vườn hoang tàn sau lũ. Tất cả bà con nơi đây đều mang trong mình một buồn tức tửi vì không thể tố giác thủy điện hại dân. Dù rằng bà con Hương Khê biết rõ mười mươi chính thủy điện Hố Hô xã lũ bất ngờ là nguyên nhân chính dẫn đến "tai ương" liên tiếp tàn phá quê nghèo. Khắp đường làng ngõ xóm đi đâu cũng thấy bùn đất vàng bóng nhầy nhụa. Mệt mỏi nhìn những lớp bùn đất đặc quánh bà con khi được hỏi ai cũng đều kêu than "Sức mô mà dọn nữa chú ơi. Giờ chỉ nhìn thấy thôi cũng mệt rồi”.
Đến thăm ông Nguyễn Văn Tiến ở xóm 9 Hương Đô trong lúc hai vợ chồng đang ăn cơm trên chiếc chạn di động dùng để sống chung với lũ. Với ông Tiến cuộc sống ở bên cạnh sông Ngàn Sâu đã gắn bó gia đình ông từ bao đời nay, đã nhiều lần thức trăng đêm dọn lụt nhưng chưa có năm nào ông Tiến có cảm giác lũ chồng lũ đột ngột diễn ra như năm nay, ông Tiến chia sẻ: Cả mấy chục năm ni sinh sống ở đây năm nào cũng thế, trước mùa mưa lũ gia đình đã xay khoảng 50 kg gạo để dự trữ, muối hũ cà và một ít dưa để làm thực phẩm "đón" lũ. Ở đây tất cả các nhà đều có chạn, khi nước lũ lên thì nhanh chóng gác vật dụng lên, còn gia súc gia cầm thì cho lên các nhà phao được làm sẵn. Vậy mà cả 2 đợt lũ vừa qua, do nước lên quá nhanh nên trở tay không kịp. Đợt trước mới nhận quà cứu trợ gồm hai lốc nước sạch đã khử trùng và 20 cân gạo, nhưng giờ gạo cũng đã nổi mốc do ngâm nước lũ dài ngày, hôi thối không ăn được. Có ai cho chi thì ăn nấy.
"Bà con sẽ cố gắng vượt khó. Nhưng người dân tôi bức xúc nhất là thủy điện Hố Hô. Từ khi có thủy điện về đây, mùa lũ nhà máy xả nước xuống là nhà nào cũng ngập sâu từ 1 đến 2m. Với người dân xã Hương Đô đặc sản trong những ngày bị nước cô lập là hũ cà, nhút mít và dưa muối nhưng đến nay khi nước rút trong nhà bà con chỉ còn vỏn vẹn mấy gói mỳ tôm cứu trợ", ông Tiến than vãn.
Trong chuyến trở lại xã Hương Đô sau đợt lũ kép câu chuyện cảm động nhất mà chúng tôi được nghe bà con nhắc đến là hình ảnh anh Phan Đình Trọng ở xóm 9. Giữa đêm khuya nước lũ dâng l một mình anh Trọng lặng lẽ vừa đưa giúp các cụ già đơn thân trong thôn đi tránh lũ an toàn. Vừa tận tình chăm lo cơm nước chu đáo cho cả người mẹ và chị của vợ đều bị bệnh tâm thần. Dù cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này chẳng khá giả chi.
Anh Trọng kể trong nước mắt giãy dụa: Trước khi lập gia đình, em vào Nam làm công nhân. Sau ngày cưới hai vợ chồng quyết tâm về quê làm nông để nuôi mẹ vợ và chị gái của vợ, cả hai người đều bị tâm thần. Cuộc sống vợ chồng em có lúc bữa đói bữa no, nhưng ngày nào hai vợ chồng cũng đem cơm và thức ăn đến nuôi mẹ và chị.
Trong làng này thanh niên bỏ đi vào Nam cả. Hầu hết các gia đình ở đây chỉ còn ông bà già và trẻ nhỏ. Cho nên suốt 3 ngày nay em cùng nhóm thanh niên ít ỏi còn ở lại bám làng cứ thế thay nhau giúp bà con chống lũ, dọn lũ. Mỗi bạn phụ giúp một một tay đưa người nhà, phụ nữ neo đơn đi tránh lũ.
"3 ngày rồi em ăn toàn mỳ tôm với cơm cà, không có tý thịt hay rau quả nào. Không riêng gì gia đình em đâu anh, bà con ở đây ai cũng thế cả. Kiệt sức rồi anh ơi. Con gà con vịt con lợn và mấy cay cam trong vườn là tài sản cuối cùng còn xót lại sau đợt lũ đầu tiên cũng tan hoang cả rồi do lũ lần này lên nhanh quá. Niềm hạnh phúc an ủi của thanh niên trong làng em là được nhìn thấy sau ngày lũ rút hàng chục cụ già, trẻ nhỏ bọn em đưa đi trốn lũ nay đã về nhà an toàn. Hạnh phúc có khi quên cảm giác đói luôn anh ơi", Trọng tự hào kể.
Đến bao giờ học sinh trở lại trường
Trong hai ngày con nước lên đi dọc miền sơn cước Hương Khê, nỗi buồn lớn nhất của tôi đó là tận mắt chứng kiến nhiều ngôi trường một thời nổi tiếng về việc dạy tốt và học tốt của huyện nay lại đối diện với cảnh thiếu vắng học trò. Cô nhớ trò, trò thì chưa thể tới trường do nước lũ còn chia cắt. Nhiều vùng trũng các xã như Phương Mỹ. Phương Điền, Hương Thủy, Hương Đô thì không biết đến bao giờ học sinh quay trở lại trường học. Tất cả các thầy cô giáo đang khẩn trương dọp dẹp phòng học, sách vở sau lũ.
Nằm gần khu vực sông Ngàn Sâu trường mầm non Hương Đô sau 5 đợt lũ liên tiếp nay việc dọn dẹp của 22 giáo viên cùng Bộ đội địa phương đang là "chuyện thường ngày ở xã". Sau 5 đợt lũ, hiện tại trường còn gặp rất nhiều khó khăn chồng chất nhau vì lũ chồng lũ.
"Lữ mới ra xong, các cô thay nhau dọn bùn non, sắp xếp lại phòng học được sự giúp đỡ của bộ đội, thanh niên tình nguyện cứ dọn dẹp xong chưa hết, vài ngày lũ mới lại lùa vào. Trường mầm non Hương Đô có 8 nhóm lớp và 260 trẻ, nhưng khó khăn lớn nhất là về trang thiết bị để các cháu trở lại học bình thường đang là một vấn đề nan giải. Vì hiện tại trường đã xuống cấp nghiêm trọng, trong lúc đó lũ hoành hành liên tục, các phòng học hiện đang còn bùn non và ẩm thấp do đó chúng tôi chưa thể cho các cháu trở lại trường", cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Đô than thở.
|
Tính đến chiều 3/11 tại Hương Khê có 11 trường, điểm trường tại 6 xã đang còn bị ngập là Hương Đô, Lộc Yên, Hương Long , Hương Thủy, Gia Phố và Phương Mỹ khiến học sinh chưa trở lại trường. Trao đổi với phóng viên ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Sau khi nước lũ rút chúng tôi đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương đóng trên địa bàn huyện tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng tai nạn đuối nước do bất cẩn. Đặc biệt sớm tổ chức dọn vệ sinh trường học, trạm y tế để học sinh trở lại học bình thường. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng; phòng chống dịch bênh cho đàn gia súc, gia cầm đã chỉ đạo dập tắt ổ dịch ở 2 xã Hương Trạch và Hương Long.
Thuận Hóa