Hà Tĩnh: Hạn hán, hàng ngàn hộ dân khát nước sạch

16/09/2023 - 07:21

PNO - Nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cạn trơ đáy do hạn hán kéo dài, khiến việc cung cấp nước sạch cho người dân gặp nhiều khó khăn. Không có nước, nhiều gia đình đành phải mua nước lọc về “cầm cự” chờ mưa.

Hồ Thiên Tượng cạn trơ đáy khiến việc cung cấp nước sạch cho người dân ở thị xã Hồng Lĩnh bị gián đoạn
Hồ Thiên Tượng cạn trơ đáy khiến việc cung cấp nước sạch cho người dân ở thị xã Hồng Lĩnh bị gián đoạn

Hồ nước trơ đáy 

Sáng sớm, bà Cấn Thị My - 73 tuổi, trú phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - ra mở nước máy để lấy nước sinh hoạt cho gia đình. Bà giải thích: “Mỗi ngày chỉ có nước mấy tiếng thôi, nên phải canh giờ để lấy. Nếu không thì không có nước mà ăn uống. Mấy bữa trước, nhiều người đã phải mang can sang nhà tui xin nước rồi”. Để đủ nước sinh hoạt cả ngày cho gia đình 7 người, bà My phải sắm nhiều thùng chứa nước loại 100 lít.

Chỉ tay vào đáy thùng, bà My cho biết, gần đây nước máy cũng không sạch như trước, nước ngả màu vàng đục. “Mới đây nhân viên nhà máy nước đến kiểm tra, chúng tôi phản ánh tình trạng nước không sạch thì họ xin thông cảm vì hiện nhà máy phải sử dụng nguồn nước từ nơi khác để sản xuất” - bà My nói.

Theo người dân địa phương, hơn 1 tháng qua, hồ Thiên Tượng - nơi cung cấp nước đầu vào cho Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh đã khô cạn do hạn hán kéo dài. Hồ này rộng khoảng 100.000m2, có sức chứa 885.000m3 nước, nước ở hồ rất sạch vì chảy từ núi về. Tuy nhiên, hiện nay nước trong hồ đã cạn, nhiều vị trí trơ đáy. Lượng nước ít ỏi còn lại đã ngả sang màu đỏ, nổi váng.

Ông Nguyễn Văn Anh (phường Bắc Hồng) cho biết, đây là lần đầu tiên mực nước ở hồ Thiên Tượng xuống thấp kỷ lục do hạn hán kéo dài. Hơn 1 tuần qua, người dân bị cắt nước luân phiên, những ngày có nước thì nước cũng rất yếu. 

Ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh - thông tin, hạn hán kéo dài khiến việc cung cấp nước sạch cho dân gần đây gặp nhiều khó khăn. Hiện, lượng nước ở hồ Thiên Tượng chỉ còn khoảng 18.000m3. Để có nước cung ứng cho 12.000 hộ dân ở thị xã Hồng Lĩnh, đơn vị phải lấy thêm nguồn nước thô từ hồ Khe Môn và hồ Khe Dọc, nhưng vẫn không đủ. Mực nước ở những hồ này cũng đang cạn dần.

“Hơn 1 tuần nay, nước cung cấp cho dân phải luân phiên theo giờ và cũng chỉ cung cấp được hơn 50% nhu cầu. Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương làm ngày, làm đêm thêm 1 nhà máy nước tại hồ Đá Bạc, cách hồ Thiên Tượng khoảng 4km để bổ sung nguồn nước sạch cho dân trên địa bàn” - ông Nguyễn Đình Hải nói.

Nhà máy nước dừng hoạt động vì không có nước

Nếu người dân ở thị xã Hồng Lĩnh mới chỉ bị cắt gần 50% nhu cầu sử dụng nước, thì gần 3 tháng qua, hàng trăm hộ dân ở xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) đã bị cắt nước hoàn toàn vì nhà máy nước không còn hoạt động. Đầu năm 2022, Nhà máy nước xã Đỉnh Bàn với kinh phí đầu tư hơn 12,5 tỉ đồng đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho 600 hộ dân trên địa bàn xã.

Thế nhưng, đến tháng 6/2023, nhà máy phải ngừng hoạt động do không có nguồn nước đầu vào. Thế là dân phải tự xoay xở tìm nguồn nước để phục vụ nhu cầu. Khoan giếng là một giải pháp, nhưng do khu vực này nước bị nhiễm phèn nặng nên bà con lại phải xây thêm bể lọc mới có thể dùng cho tắm giặt. Nước ăn uống thì phải đi mua.

“Ngày nào tôi cũng phải mua 1-2 bình loại 20 lít, để uống và nấu ăn. Hy vọng xã sớm tìm được nguồn nước khác, chứ cứ thế này thì đến mùa hè lại thiếu” - chị Trương Thị Thế - 35 tuổi, trú thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn - lo lắng. 

Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn - cho biết, nhà máy nước nằm trên núi Nam Giới nên nguồn nước đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Vào mùa hè, ít mưa, nên hoạt động của nhà máy thường bị gián đoạn do các khe suối khô cạn. “Mùa hè năm ngoái nhà máy cũng phải dừng vì thiếu nước, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Năm nay, hạn hán kéo dài, chúng tôi đã đề xuất huyện khoan thăm dò tìm nguồn nước ngầm để bổ sung nước đầu vào cho nhà máy” - ông Phạm Công Tùng nói.

Nhiều tháng qua, người dân ở xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang) cũng thiếu nước dù sống cạnh nhà máy nước. Nhà máy nước xã Quang Thọ được xây dựng với kinh phí hơn 6 tỉ đồng từ năm 2017 nhằm phục vụ cho 214 hộ dân tái định cư. Thế nhưng, những năm gần đây, hệ thống máy móc bị xuống cấp, 3/4 máy bơm bị hỏng nên chỉ đáp ứng được gần một nửa nhu cầu nước sạch cho dân. Không có nước sạch, nước giếng thì nhiễm phèn, nên người dân phải chung tiền mua ống dẫn nước từ trên núi về dùng.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ - cho biết, hiện nhà máy nước chỉ còn cung cấp nước được cho khoảng 100 hộ dân. Nhiều máy móc hư hỏng, xuống cấp nhưng địa phương không có kinh phí sửa chữa, nên không thể vận hành hết công suất. “Chúng tôi cũng đã đề xuất cấp trên xây dựng phương án sửa chữa” - ông Nguyễn Hùng Cường nói. 

Phan Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI