Hà Tĩnh: Cảng cá bị bồi lấp, tàu thuyền khốn đốn

23/02/2023 - 06:58

PNO - Vì các cảng cá bị bồi lấp nghiêm trọng nên ngư dân ở Hà Tĩnh đang gặp rất nhiều khó khăn khi đưa hải sản vào bờ hoặc vươn khơi.

Ngư dân lo âu

Cẩn thận kiểm tra lại chiếc thuyền thúng trên con tàu vỏ thép, anh Nguyễn Lưu Truyền - trú xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - bảo rằng, đây là “phao cứu sinh” cho các chủ tàu cá công suất lớn ở cảng Xuân Hội. Do cảng bị bồi lấp nghiêm trọng nên họ phải canh con nước, chờ khi thủy triều đạt đỉnh mới cho tàu ra khơi hoặc cập cảng. Trung bình, mỗi ngày họ chỉ có khoảng 4 tiếng. “Hôm nay nước xuống muộn, khả năng phải gần sáng mới lên, nên tôi phải chuẩn bị, khi nước lên thì cho tàu ra giữa sông. Đến sáng, anh em sẽ ra tàu bằng thuyền thúng hoặc bơi” - anh Truyền nói.

Cảng bị bồi lấp, tàu không thể vào nên anh Truyền phải dùng thuyền thúng vào bờ
Cảng bị bồi lấp, tàu không thể vào nên anh Truyền phải dùng thuyền thúng vào bờ

Người đàn ông có thâm niên hơn 20 năm bám biển cho biết, trước đây, khi cảng cá chưa bồi lắng, việc đánh bắt thủy sản rất thuận lợi. Còn bây giờ thì phụ thuộc vào thời tiết và cả thủy triều, nên vất vả hơn. Khi ra vào cảng phải hết sức cẩn thận vì nếu va vào bãi cát ngầm làm hỏng chân vịt thì chuyến đi coi như công cốc, thậm chí không đủ tiền sửa tàu.

Cũng theo anh Truyền, hầu hết các tàu lớn, nhỏ muốn vào cảng đều phải nằm chờ. Nhiều hôm chờ cả ngày. Ai xót ruột thì phải thuê thuyền nhỏ ra chở cá vào.

Cảng cá Xuân Hội và vùng quay trở tàu có diện tích gần 4 hecta, được đầu tư xây dựng từ năm 2009, đến năm 2012 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thời điểm đó, mỗi ngày có 70-80 lượt tàu cập cảng. “Vài năm gần đây, do bị bồi lắng nên tàu rất khó ra vào để xả hàng và tiếp nhiên liệu, khiến những con tàu công suất lớn phải đi tìm bến mới, chỉ còn những tàu nhỏ của ngư dân địa phương” - anh Lê Văn Ất - trú xã Xuân Hội - nói.

Anh Ất cho hay, mỗi lần vào cảng, anh phải chờ ở cửa lạch 5-6 tiếng. Việc chờ đợi khiến chi phí bị đội lên. Ví dụ, nếu việc ra vào cảng thuận tiện, mỗi chuyến ra khơi anh chỉ mang 200 cây đá ướp cá. Nhưng do phải chờ đợi kéo dài trước khi ra vào cảng nên giờ đây anh phải mang đến 300 cây đá mới đảm bảo an toàn. Luồng lạch bị bồi lắng cũng làm cho tàu dễ bị hỏng chân vịt. Với các tàu vỏ gỗ, nếu thường xuyên neo đậu ở cảng cạn trơ đáy cũng dễ bị hỏng khi bị hàng chục tấn ngư cụ đè lên lớp vỏ.

Chỉ tay vào bãi cát nổi cao gần cả mét khi thủy triều rút, ông Phan Huy Hiệu - Phó trưởng khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh - cho hay, khu vực này là đường vào luồng lạch neo đậu, nhưng nay bị chặn hoàn toàn. Bến cập tàu dài 128m, nhưng vì bị bồi lắng nên hiện chỉ sử dụng được 30m. “Độ sâu hiện tại chỉ đáp ứng cho tàu công suất dưới 50CV cập cảng ở mực nước bình thường. Tàu trên 50CV, muốn cập cảng buộc phải chờ nước lên. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn cho tàu thuyền của ngư dân” - ông Hiệu nói.

Hậu cần nghề cá cũng điêu đứng

Ông Hiệu cho biết, tình trạng bồi lấp ở cảng cá Xuân Hội ngày càng nghiêm trọng, nhưng đến nay cảng chưa một lần được nạo vét. Từ năm 2017 đến nay, dòng chảy thay đổi khiến bến cập tàu bị lấp nhanh hơn. “Chúng tôi đã báo cáo thực trạng và đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh bố trí kinh phí, xã hội hóa công tác nạo vét luồng và vùng nước trước bến nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt” - ông Hiệu nói.

Khu vực luồng cạnh bến đậu tàu cảng cá Xuân Hội bị bồi lấp nghiêm trọng
Khu vực luồng cạnh bến đậu tàu cảng cá Xuân Hội bị bồi lấp nghiêm trọng


Cách đó hơn 40km, cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 40 tỉ đồng để nạo vét luồng lạch từ vài năm trước, nhưng nay cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo ngư dân, tình trạng bùn cát bồi lắng ở cảng Cửa Sót ngày một nghiêm trọng khiến nhiều tàu bị gãy chân vịt, bánh lái khi vào cảng. Tàu công suất lớn không thể cập bến nên nhiều tàu ngoại tỉnh đã rời đi khiến các dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng.
Cảng cá Cửa Sót được thiết kế cho tàu có công suất 500CV ra vào. Nhưng do luồng lạch và vùng nước trước bến bị bồi lắng nên hiện chỉ đáp ứng cho tàu dưới 90CV. Các tàu lớn hơn phải neo đậu ngoài cửa biển rồi thuê các thuyền nhỏ chở hải sản vào.
Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh - cho biết, hầu hết các cảng cá ở Hà Tĩnh đều bị bồi lắng, nhưng nặng nhất là cảng Cửa Sót và Xuân Hội. Tình trạng này đã khiến tàu đánh cá có công suất trên 90CV vào các cảng ở Hà Tĩnh giảm trên 80%, tàu nhỏ dưới 90CV giảm 30%. 

Tàu thuyền tấp nập vào cảng ở Nghệ An 

Tại Nghệ An, sau tết, nhiều cảng cá đã tấp nập tàu thuyền cập bến. Ngư dân cho biết, nhiều chủ tàu cá đã trúng rất đậm, thu về hàng chục triệu đồng mỗi chuyến ra khơi. Tàu về cá đầy khoang kéo theo những dịch vụ hậu cần tại cảng cũng có nhiều việc làm, tạo nên khung cảnh náo nhiệt mỗi sáng. 

Ông Võ Văn Tuất - Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An - cho hay, mỗi ngày có trên 100 tàu thuyền cập bến, nhiều thời điểm quá tải, không có chỗ neo đậu. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI