Hạ tầng kích hoạt bất động sản thành phố Thủ Đức

16/10/2020 - 15:44

PNO - Những thông tin tích cực từ việc thành lập thành phố Thủ Đức đã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, góp phần đẩy thị trường địa ốc nơi đây và các vùng giáp ranh trở nên hấp dẫn hơn.

Hạ tầng ở thành phố phía Đông được đầu tư bài bản
Hạ tầng ở thành phố phía Đông được đầu tư bài bản

Điểm nhấn hạ tầng

Theo đề án, thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức với diện tích hơn 211km2, dân số khoảng hơn một triệu người. Việc sắp xếp này dựa trên tiềm năng, lợi thế chung của các quận.

Với vị trí là cửa ngõ phía đông của TP.HCM, thành phố Thủ Đức có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây cũng được kết nối hệ thống hạ tầng đồng bộ như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng…

Đồng thời, nơi đây có sự gắn liền với các tuyến hàng hải quốc tế như cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải và Cụm cảng biển số 5. Nơi đây còn có lợi thế về công nghệ và nguồn nhân lực. Đó là khu công nghệ cao - SHTP (Q.9) với 156 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, tổng vốn đầu tư khoảng 164,8 ngàn tỷ đồng (7,1 tỷ USD). Đại học Quốc gia TP.HCM với với khoảng 100.000 sinh viên, Bệnh viện Ung bướu 2, bến xe Miền Đông mới…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, sức hấp dẫn của thành phố Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. Nổi bật là Q.9 đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Một điều dễ nhận thấy là khu vực này hiện vẫn thiếu những trung tâm tài chính có quy mô lớn. Chắc chắn việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai... sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới mẻ trong bức tranh thị trường bất động sản TP.HCM. Điều đó sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và khu vực”, ông Châu nói.

Bất động sản sẽ hưởng lợi

Những thông tin tích cực từ việc thành lập thành phố Thủ Đức đang tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này góp phần đẩy thị trường khu vực này và các vùng giáp ranh trở nên hấp dẫn hơn. 

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, việc xây dựng thành phố phía Đông có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. Điều này vừa giúp giảm áp lực về giao thông, dân số, vừa cung cấp cho thành phố một bộ máy làm việc chuyên nghiệp. Đây sẽ là cơ hội cho tất cả, kể cả doanh nghiệp và người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc EXIMRS, với quy hoạch của thành phố mới, những cư dân nơi đây là người hưởng lợi đầu tiên. Họ thừa hưởng một nền tảng hạ tầng quy chuẩn, bài bản được quy hoạch dựa trên sự phát triển kinh tế của thành phố mới Thủ Đức trong tương lai.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, khu phía Đông từ lâu đã rất hấp dẫn, bởi đây là khu vực có vị trí tiếp giáp với 3 tỉnh nằm trong vùng tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam và cũng là địa phương có vị trí kết nối với các tỉnh phía Bắc.

“Khi 3 quận này được sáp nhập thành một sẽ có được sức hấp dẫn mới, bởi lợi thế về vị trí chiến lược và lợi thế về hành chính”, ông Phúc nhận định.

Hùng Phong

 

Được tài trợ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI