Hạ tầng đuổi không kịp lưu lượng giao thông, doanh nghiệp sẽ còn khổ dài ở đường vào Cát Lái

05/07/2020 - 08:23

PNO - Lượng xe ra vào cảng bình quân 16.100 lượt xe/ngày đêm, cao điểm lên đến 18.000 lượt, đã vượt quá gấp đôi năng lực của tuyến đường nhưng việc đầu tư phát triển hạ tầng không đuổi kịp, khiến tình trạng ùn tắc giao thông ở đây tiếp tục kéo dài.

 

Video: Kẹt xe nhiều giờ cửa ngõ cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dịp cuối tuần

Ghi nhận của chúng tôi những ngày gần đây cho thấy, tình trạng ùn tắc giao thông khu vực vào cảng Cát Lái vẫn liên tục xảy ra dù một phần hạng mục đầu tư hầm chui, cầu vượt khu vực này đã được đưa vào sử dụng.

Từ xa lộ Hà Nội vào đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đường Võ Chí Công (quận 2) hướng về cảng Cát Lái, hiện tượng kẹt xe thường xuyên xảy ra từ sáng sớm, nhất là vào các dịp cuối tuần. Càng về trưa các phương tiện nối đuôi nhau càng dài.

Xe ô tô, xe bồn lấn hết làn đường của xe máy
Xe ô tô, xe bồn nối đuôi nhau kéo dài trên đường vào cảng Cát Lái

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho biết: “Tình hình ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái đã giảm so với trước đây từ khi cầu vượt Mỹ Thủy đi vào hoạt động. Tuy nhiên, kẹt xe kéo dài hàng giờ vẫn xảy ra. Hiện nay giờ cao điểm, các ngõ dẫn vào cảng vẫn thường cấm xe có tải trọng lớn khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn"".

Anh Công Tuấn, tài xế xe container, than thở: “Dịp cuối tuần, đường vào cảng thường kẹt từ 18g - 19g giờ tối trở đi, có khi kéo dài đến 4, 5 tiếng, chúng tôi thường xuyên bị trễ hàng"". 

Tình trạng kẹt xe chỉ xảy ra một làn đường hướng từ Vòng xoáy Cát Lái về ngã ba An Phú
Tình trạng kẹt xe thường xảy ra ở hướng từ Vòng xoay Cát Lái về ngã ba An Phú

 

Các xe nối đui nhau khi càng về cảng Cát Lái
Kẹt xe khu vực cảng Cát Lái gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp 

 

Ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông - Vận tải TPHCM nói: “Hạ tầng giao thông khu vực cảng Cát Lái chưa được đầu tư đồng bộ, hàng hóa vận chuyển đi và đến cảng không có đường chuyên dùng, tất cả các phương tiện đều đi qua một hướng duy nhất là đường Nguyễn Thị Định. Chỉ cần có một sự cố xảy ra như: xe chết máy, tai nạn giao thông… các tuyến đường nơi đây sẽ bị tắt".

Các xe hàng vào cảng nhiều vào dịp cuối tuần, đây cũng là thời điểm người dân TPHCm đi du lịch các tỉnh làn cận thành phố, nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu
Các xe hàng vào cảng nhiều vào dịp cuối tuần, đây cũng là thời điểm kẹt xe nghiêm trọng nhất

Theo Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, lưu lượng xe ra vào cảng bình quân 16.100 lượt/ngày đêm, cao điểm lên đến 18.000 lượt/ngày đêm. Xét về khả năng thông hành vào giờ cao điểm, lưu lượng này cao gấp 2 lần năng lực của tuyến đường. Trước mắt, Sở Giao thông - Vận tải TPHCM đã đầu tư hệ thống camera các tuyến đường xung quanh khu vực và kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái về Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn để điều khiển từ xa, nhằm hỗ trợ điều tiết kịp thời sự thay đổi của giao thông trên đường.

Trong văn bản gửi Báo Phụ nữ TPHCM, Sở Giao thông - Vận tải TPHCM cho biết, theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực dự kiến thông qua cảng Cát Lái khoảng 37 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, vào năm 2018, sản lượng hàng hóa của cảng đã vượt quy hoạch, đạt 63,6 triệu tấn; năm 2019 là 71,01 triệu tấn. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng hàng thông qua cảng đã đạt 30 triệu tấn.

Giải pháp đang thực hiện để xử lý tình trạng quá tải giao thông khu vực này là, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Nút giao thông Mỹ Thủy; xây dựng đường giao thông kết nối cảng Cát Lái đến đường vành đai 2; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy); mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút Mỹ Thủy đến phà Cát Lái); mở rộng đường Võ Chí Công (đoạn từ đường Võ Chí Công đến đường 990).

Giáp pháp lâu dài: Di dời cụm cảng Trường Thọ ra khỏi khu vực. Hiện UBND TPHCM đã có chủ trương thực hiện; đẩy nhanh tiến độ khép kín đường vành đai 2 đoạn phía Đông và đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú, quận 2; phát triển mạnh vận tải container bằng đường thủy; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt chuyên dùng vận chuyển container từ cảng Cát Lái đến các đầu mối giao thông quan trọng. 

Tam Nguyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 06-07-2020 05:09:23

    Điểm giao thông nóng nhất TP ,một là phải mở đường khác cho phương tiện đi phà Cát Lái ,hai là mở rộng đường Đồng Văn Cống mới hy vọng thoát cảnh xe cộ kẹt cứng .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI