Hà Nội yêu cầu các trường không được chèn dạy liên kết vào chương trình chính khoá

05/10/2023 - 16:23

PNO - Các trường để học sinh chọn từ 1 - 2 nội dung để không gây áp lực cho học sinh, khó khăn cho phụ huynh và đảm bảo tinh thần tự nguyện.

Ngày 5/10, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị đầu năm học 2023-2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; với nhiệm vụ trọng tâm là quán triệt các nhiệm vụ năm học, chấn chỉnh các hiện tượng sai phạm vừa qua liên quan đến vấn đề thu, chi, dạy liên kết…

Thời gian qua có nhiều chương trình liên kết trong nhà trường khiến dư luận bức xúc. Ảnh: phụ huynh cung cấp
Thời gian qua có nhiều chương trình liên kết trong nhà trường khiến dư luận bức xúc - Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Tại hội nghị, ông Đào Tân Lý - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khoá nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng kí tham gia.

Ông cho biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT quy định, chương trình chính khoá với lớp Một, lớp Hai là 25 tiết/tuần; lớp Ba là 28 tiết/tuần; lớp Bốn, lớp Năm là 30 tiết/tuần. Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Số tiết học từ 32-35 tiết/tuần, mỗi tiết không quá 35 phút.

“Các tiết học chính khoá bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp” - ông Tân Lý nói.

Cũng tại hội nghị, Sở GD-ĐT Hà Nội quán triệt, việc tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Theo đó, Hiệu trưởng phải có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó; chỉ nên để học sinh chọn từ 1 - 2 nội dung để đảm bảo tính vừa sức, vừa thời lượng, không gây áp lực cho học sinh, khó khăn cho phụ huynh, học sinh.

Liên quan đến vấn đề dạy liên kết trong nhà trường, cũng ngày 5/10, Phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS dừng toàn bộ hoạt động liên kết. Trước đó, ngày 3/10, các trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng đã đồng loạt dừng dạy liên kết.

Hà Nội: Tất cả các trường học phải tổ chức trò chơi dân gian

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, sở yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô phải đưa trò chơi dân gian vào nhà trường. Việc tổ chức các trò chơi dân gian phải đảm bảo thường xuyên, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp theo cấp học.

Học sinh Trường tiểu học - THCS Thăng Long (TP Hà Nội) làm quen với trò chơi nhảy sạp.
Học sinh Trường tiểu học - THCS Thăng Long (TP Hà Nội) làm quen với trò chơi nhảy sạp

Các cơ sở giáo dục sẽ tùy theo giới tính, lứa tuổi, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất có thể lựa chọn một số trò chơi dân gian như: cướp cờ, rồng rắn lên mây, kéo co, bịt mắt bắt dê, đua thuyền trên cạn, nhảy bao bố, ô ăn quan, mèo đuổi chuột, cá sấu lên bờ, nhảy dây, đá gà, nhảy lò cò, khiêng kiệu, trồng nụ trồng hoa, truyền tin... để giới thiệu và tổ chức cho hoc sinh chơi.

Các cơ sở giáo dục cũng có thể lựa chọn các trò chơi dân gian khác để phù hợp với điều kiện của trường và địa phương.

Các trò chơi dân gian đươc tổ chức trong các giờ học giáo dục thể chất, các buổi chào cờ, tiết sinh hoạt lớp, các buổi sinh hoạt tập thể hoặc ngoại khóa.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường chuẩn bị cơ sở vật chất - trên nguyên tắc tận dụng tối đa các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có, các công trình đã đầu tư, đảm bảo yêu cầu về chuyên môn và tuyệt đối an toàn. Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức tập luyện, giao lưu các trò chơi dân gian, khuyến khích học sinh tham gia, qua đó nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI